Hiệu Quả Nuôi Lươn Giống
Khởi nghiệp từ nuôi cá lóc, cá rô đến nuôi ếch, nuôi rắn và anh Đặng Ngọc Sang (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) còn thành công với mô hình nuôi lươn giống. Nhờ chất lượng lươn giống tốt và sự hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân nên thương hiệu “Lươn giống Hai Đo” đã và đang lan xa trong và ngoài tỉnh.
Chuyển sang nuôi lươn giống từ năm 2011, ban đầu chỉ với 10 bồn nuôi (diện tích trên 200m2), đến nay, anh Đặng Ngọc Sang đã nhân lên 20 bồn (hơn 400m2). Anh Sang cho biết, lươn chỉ sinh sản mỗi năm một lần và mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5. Vì thế, để tránh bị “đụng hàng” và bán có giá, người sản xuất lươn giống phải biết điều chỉnh thời điểm lệch mùa sinh sản.
Để làm được điều này, người nuôi lươn bố mẹ phải nắm rõ kỹ thuật, từ việc thay nước, cho ăn, đến kích thích… để lươn có thể sinh sản trái vụ. Đặc biệt, nên cho lươn sinh sản rải đều các tháng để có đủ nguồn lươn giống cung cấp cho thị trường, không để khan hiếm giống. Muốn có lươn giống tốt, khâu chọn lựa lươn giống bố mẹ rất quan trọng.
“Lươn bố mẹ phải được tuyển chọn từ những con lươn tốt nhất, có trọng lượng từ 30gram trở lên, nhưng tốt nhất là loại từ 70 - 80gram, vì những loại này sẽ sinh sản nhiều trứng, từ 400 - 700 trứng/lần. Bên cạnh đó, người chăm sóc cũng phải nắm rõ về kỹ thuật chăm sóc lươn bố mẹ, như: Bao nhiêu ngày sẽ cho ăn, thay nước, tạt thuốc… để lươn có thể tạo được trứng nhiều và có chất lượng nhất”- anh Sang chia sẻ.
Lươn bố mẹ được anh Sang nuôi trong bồn không bùn, khi đến tuổi sinh sản, anh Sang sẽ thả vào bồn có bùn để tạo điều kiện tốt nhất để lươn sinh sản. Anh Sang chia sẻ: “Hiện nay, xu hướng bà con trong và ngoài tỉnh đã chuyển sang mô hình nuôi lươn không bùn nên mình phải cho lươn thích nghi từ nhỏ, để khi lươn đến tay bà con sẽ không bị sốc môi trường, gây hao hụt”.
Hiện nay, loại lươn sinh sản khoảng 2 tấc bán 5.000 đồng/con và bán rất chạy vì lươn khỏe, ít hao hụt. Mỗi năm, anh Sang cho xuất từ 100.000 - 200.000 con lươn giống sinh sản đủ loại từ 5 phân đến 2 tấc/con…
Đáp ứng nhu cầu của người dân, từ năm 2013 đến nay, bên cạnh việc bán lươn giống sinh sản, anh Sang còn thu mua lươn của những bà con địa phương đi đặt lờ, dớn… đem về thuần khoảng 1 tháng, sau đó bán lại cho bà con có nhu cầu. Đối với loại 30 - 40 con/kg, có giá bán khoảng 320.000 đồng/kg.
“Khi bán giống cho bà con, tôi đều đem giao tận nơi và ở lại từ 5 - 7 ngày để hướng dẫn các kỹ thuật nuôi lươn sao cho đỡ hao hụt, mau phát triển, từ cách cho ăn, thay nước, ánh sáng cần thiết, phòng trị bệnh…” - anh Sang cho hay.
Lươn giống thuần có nhiều ưu thế nhưng vẫn bị phụ thuộc vào thời tiết. Vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, gió nhiều, nguồn nước thay đổi nên tỉ lệ hao hụt hơn 70%. Do đó, trong khoảng thời gian này, bán chỉ phá huề, không lợi nhuận. Nhưng từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau là thời điểm thuận lợi, tỉ lệ đạt hơn 70% nên lợi nhuận khá cao.
Thị trường cung cấp lươn giống của anh Sang chủ yếu là các địa phương trong tỉnh (TP. Châu Đốc, An Phú…), một số tỉnh lân cận ở đồng bằng sông Cửu Long hay các tỉnh miền ngoài, như: Vũng Tàu, Nha Trang… cũng tìm đến thương hiệu “Lươn giống Hai Đo” để mua.
Hiện nay, số lượng khách hàng tìm đặt lươn giống thuần rất nhiều. Năm 2014, anh Sang đã xuất bán khoảng 7 tấn lươn giống cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Lươn giống sinh sản có ưu điểm là ăn nhiều, mau lớn nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, người nuôi phải nắm rõ cách cho ăn, tạt thuốc, thay nước thì mới tránh được hao hụt. Còn với lươn giống thuần vì được thuần dưỡng nên tỷ lệ hao hụt thấp, nhưng so với lươn giống sinh sản thì chậm lớn hơn.
Lươn giống thuần đang phát triển và chiếm ưu thế, nhưng anh Sang vẫn duy trì sản xuất lươn giống sinh sản. Anh Sang phân tích: “Lươn cũng như nhiều loại thủy sản khác sẽ khan hiếm trong môi trường tự nhiên, khi đó, lươn giống nhân tạo sẽ chiếm ưu thế”. Dự kiến, năm 2015, ngoài sản xuất lươn giống thuần, anh Sang sẽ sản xuất khoảng 10 bồn lươn giống sinh sản để cung cấp cho thị trường.
Related news
Tại Hội nghị Diễn đàn Doanh nghiệp Nông nghiệp năm 2014, do Bộ NN & PTNT tổ chức ngày 15/10/2014, ông Bùi Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đã trình bày một số khó khăn và kiến nghị của ngành nuôi tôm ở ĐBSCL. Trong đó, ông Huy kiến nghị không đưa quy định DN nuôi tôm phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất vào đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Việc nuôi chim trĩ thương phẩm đã được thực hiện ở một số địa phương trong nước, song ở Bình Định thì chưa phổ biến, chỉ một số ít hộ nuôi thử nghiệm, điển hình là gia trại nuôi chim trĩ của anh Bùi Văn Bảo, ở thôn Vạn Tín, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân.
Đến thăm các bản: Hưng Phong, Nà Can, Nậm Tàng, Cốc Phát (xã Bản Bo) chúng tôi thấy nhiều hộ phát triển đàn lợn với số lượng lớn (khác với tập quán nuôi nhỏ lẻ, manh mún trước đây). Bà con đổi mới phương thức chăn nuôi từ thả rông sang xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt kết hợp với các biện pháp phòng dịch đầy đủ.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng trái ngon và sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ít sử dụng hóa chất đang càng ngày càng lớn. Nhưng để bảo vệ nông sản, nhà nông gần như bắt buộc phải sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Vì thế, việc phục hồi các mô hình sử dụng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng là rất cần thiết.
Theo chị Trinh, với mức giá tầm 10.000 đ/kg thì người trồng chanh có lời. Tuy nhiên, hiện đang vào mùa nghịch, lượng chanh rất ít. “Nhà tôi trồng 8 công, khoảng 1 tháng hái bán 1 lần, chỉ khoảng 2 tấn”- chị Trinh cho biết.