Xuất Khẩu Thủy Sản Tăng Trưởng, Nhưng Chưa Vững Chắc

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể thì ngành Thủy sản Việt Nam phát triển vẫn chưa đồng bộ và vững chắc.
Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, năm 2014 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vượt kế hoạch 1 tỷ USD, đạt mức gần 8 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng trưởng cao phải kể đến các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng tôm, cua, ghẹ. Trong đó tôm xuất khẩu chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của ngành Thủy sản .
Mặt hàng tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng trưởng hơn 32% đã giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan, lên đứng thứ 4 toàn thế giới cung cấp tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ về số lượng và vượt lên trên Ecuador xếp thứ 3 về giá trị. EU là thị trường đứng thứ 2 xuất khẩu tôm của Việt Nam với mức tăng trưởng hơn 17%.
Nguyên nhân, giúp cho các doanh nghiệp chế biến tôm có được những tăng trưởng khá, ngoài việc thị trường Mỹ và Châu Âu có tín hiệu phục hồi về kinh tế thì bản thân các doanh nghiệp chế biến tôm đã làm tốt mối liên kết “4 nhà”, liên kết vùng nhằm giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu.
Năng suất tôm nuôi đạt khá – tôm sú công nghiệp đạt 5 - 6 tấn/ha; tôm thẻ công nghiệp 7 - 10 tấn/ha. Chỉ riêng tỉnh Cà Mau trong năm 2014 đã phát triển thêm hơn 2.200 ha diện tích nuôi tôm so với năm 2013. Nhờ đó mà các doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu đầu vào, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt quy trình chế biến, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng trong nhóm tăng trưởng giá trị xuất khẩu ấn tượng trong năm 2014 đó là chả cá và surimi ước đạt mức gần 300 triệu USD, tăng hơn 30% so với năm 2013.
Đáng buồn trong bức tranh xuất khảu thủy sản năm qua của Việt Nam là xuất khẩu cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể. Đây những mặt hàng chủ lực nhưng tăng trưởng kém, thậm chí cá ngừ còn giảm 9,3% so với năm 2013.
Hai thị trường xuất khẩu chính của cá ngừ Việt Nam là Mỹ và EU, Asean đều sụt giảm từ gần 2% đến gần 9%. Riêng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản năm 2014 giảm hơn 46%, đây là thị trường khó tính đòi hỏi cao về chất lượng cá sau thu hoạch.
Mặc dù năm 2014, ngư dân Việt Nam đã được các chuyên gia của Nhật Bản chuyển giao phương pháp đánh bắt cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, song số lượng đánh bắt theo phương pháp này chưa được nhiều, về phía các đối tác nhập khẩu tiêu thụ cá ngừ tại Nhật Bản lại thắt chặt chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Do công nghệ khai thác yếu, nguyên liệu chế biến thiếu do cả yếu tố thời tiết nên đã hạn chế sản lượng và giá trị xuất khẩu của mặt hàng này của Việt Nam.
Nhìn từ câu chuyện xuất khẩu tôm và cá ngừ cho thấy, muốn nâng cao giá trị và sản lượng xuất khẩu thủy sản thì không còn cách nào khác là cả nông, ngư dân và doanh nghiệp đều cần có sự liên kết tạo thành chuỗi quy trình từ khâu sản xuất nguyên liệu, thu hoạch, và chế biến thủy sản đều phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Related news

Đây là lần thứ 2 Tổng cục Thủy sản thực hiện chu trình thả bổ sung cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ thủy điện Sơn La. (Đợt 1, thả vào năm 2013 với 22.500 con cá giống các loại). Đợt này, thả 78.000 con cá giống, gồm các loại cá chép, mè trắng, mè hoa, lăng chấm, anh vũ, trị giá gần 250 triệu đồng

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ươm, nuôi tôm chân trắng do Tổ chức Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (gọi tắt là Danida) tài trợ được Hội Nghề cá Khánh Hòa phối hợp với Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu GCF tổ chức sáng 2/10 tại Nha Trang.

Ngày 1/10/2014, tại thành phố Vũng Tàu, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị Tổng kết khai thác cá vụ nam năm 2014 và triển khai kế hoạch khai thác cá vụ bắc năm 2014 - 2015. Tham dự Hội nghị có đại diện Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 tỉnh ven biển, các ngư dân, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám đã chủ trì Hội nghị.

Trước đây, gia đình ông Trương Văn Quyết ở thôn Mai Xá – xã Gio Mai – huyện Gio Linh đã mạnh dạn cải tạo hơn 0,4 ha diện tích đất ruộng bạc màu để chuyển sang nuôi tôm sú. Dù đã trang bị nhiều kiến thức và kỹ thuật về nuôi tôm nhưng sản lượng tôm thu hoạch hàng năm của gia đình ông không đồng đều, lúc được lúc mất.

Tác động tích cực trong việc cải tạo môi trường của mô hình sản xuất luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa đã dần chiếm ưu thế trước các mô hình khác ở những xã tiểu vùng II, III (ven sông Hàm Luông, từ xã Mỹ An đến xã Thạnh Hải) của huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả, giúp cho bà con yên tâm sản xuất.