Xuất Khẩu Hồ Tiêu Chạm Mốc 1 Tỷ USD

Năm ngoái, XK hồ tiêu của nước ta đã đạt gần 1 tỷ USD. Năm nay, đến thời đểm này, tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có thể nói, ngành hồ tiêu đã chạm mốc XK 1 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 8, các DN đã XK được 132.682 tấn hạt tiêu, đạt giá trị 989,762 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, XK hạt tiêu trong 8 tháng qua đã vượt tới 31% về lượng và 47,8% về giá trị. Còn nếu so với cả năm 2013, lượng và giá trị hạt tiêu đã XK trong năm nay cũng đều đã cao hơn (năm 2013 XK được 132.637 tấn hạt tiêu, trị giá 888.985 triệu USD).
Như vậy, để lần đầu tiên chạm mốc XK 1 tỷ USD, chỉ còn hơn 10 triệu USD nữa là ngành hồ tiêu hoàn thành mục tiêu. Con số này hoàn toàn có thể đạt được ngay trong tháng 9 này.
Bởi nhìn lại tháng 7 và tháng 8 vừa rồi, tháng nào cũng đạt kim ngạch XK hạt tiêu ở mức trên 80 triệu USD, thì dù cho đến thời điểm này, lượng hạt tiêu chưa XK chỉ còn rất ít, nhưng giá trị XK hạt tiêu trong tháng 9 vẫn có thể đạt ở mức vài chục triệu USD.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết, vẫn phải chờ con số thống kê đến hết tháng 9 của Tổng cục Hải quan, nhưng cũng cho hay đến thời điểm này đã có thể khẳng định chắc chắn rằng kim ngạch XK hạt tiêu trong năm nay sẽ lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD.
Qua đó, lần đầu tiên hạt tiêu bé nhỏ được đứng vào CLB những mặt hàng có giá trị XK từ 1 tỷ USD trở lên. Đấy chỉ tính ở XK chính ngạch. Còn XK tiểu ngạch? Cũng theo ông Tụng, XK tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc không thể biết được con số cụ thể là bao nhiêu, mà chỉ biết thời điểm đi nhiều, đi ít.
Trước khi có căng thẳng trên Biển Đông, hạt tiêu Việt Nam đi đường tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc khá nhiều. Nhưng sau đó, lượng hạt tiêu xuất qua bên kia biên giới giảm hẳn. Dẫu vậy, theo ước tính, trong năm nay, có khoảng 15.000-20.000 tấn hạt tiêu được XK tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Nhờ giá hạt tiêu XK tiếp tục tăng cao, nên giá hạt tiêu trong nước trong tháng 9 này cũng đã tăng và đứng ở mức kỷ lục trên dưới 200.000 đ/kg, cao hơn khá nhiều so với mức giá kỷ lục trong năm ngoái là 160.000 đ/kg (giá hồi tháng 9/2013). Đó là giá tiêu bán xô. Còn với những loại tiêu đạt chất lượng tốt, giá tới trên 200.000 đ/kg.
Với giá này, những hộ nông dân nào có khả năng trữ tiêu cho tới thời điểm này, đang lời to. Ngay cả những hộ không có điều kiện trữ tiêu để chờ khi giá thật cao mới bán, mà đã phải bán đi từ trước đó, thậm chí bán ngay sau khi thu hoạch, thì cũng kiếm được khoản lợi nhuận không nhỏ vì giá tiêu năm nay liên tục ở mức cao.
Việc ngành hàng hồ tiêu Việt Nam hiện nay không bị thao túng, ép giá bởi các nhà đầu cơ như ở một số ngành hàng khác, cũng đã và đang giúp cho giá hạt tiêu do nông dân bán ra luôn ở mức rất có lợi. Dẫu vậy, người trồng tiêu cũng đang phải đối mặt với một nỗi lo lắng lớn, đó là căn bệnh chết nhanh, chết chậm đang hoành hành ở nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm, nhất là trên khu vực Tây Nguyên – là nơi mà nông dân vẫn đang lạm dụng khá nhiều phân bón hóa học trong các vườn tiêu.
Related news

Ngày 1-3-2015, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Hội nghị triển khai việc mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 tại ĐBSCL theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 241).

Thời gian đầu, cây lúa phát triển không khỏe như giống đối chứng OM4900, nhưng sau đó, ưu thế của giống lúa lai KC06-1 phát huy hiệu quả, lượng nhánh sinh sôi mạnh hơn, giúp số bông lúa trên bụi nhiều hơn, hạt chắc hơn, ít hạt lép. Nhưng điều anh ấn tượng là giống lúa này không bị bệnh đạo ôn, loại bệnh phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Năm nay, Tết Nguyên đán vào đúng vào thời gian cao điểm để người dân xuống giống trồng cây khoai mì trong lòng hồ, nên nhiều gia đình ngay từ mùng 2 Tết đã tranh thủ ra đồng, xuống giống cho kịp thời vụ. Hiện không khí tại vùng đất bán ngập này diễn ra rất nhộn nhịp.

Sáng 27-02 tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) đã tổ chức hội thảo mô hình thâm canh và sản xuất hạt giống lúa lai thơm. Đây là một bước quan trọng của quá trình triển khai thực hiện Đề tài khoa học KC.06/11-15 do Thạc sĩ Dương Thành Tài – Phó Tổng Giám đốc SSC làm chủ nhiệm. Đề tài do Văn phòng các chương trình trọng điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Qua nắm bắt thông tin về mô hình trồng mồng tơi lấy hạt ở huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú, ông Nguyễn Văn Mỹ là nông dân chuyên canh màu ở ấp Tân Hậu B2, xã Long An, TX Tân Châu, tỉnh An Giang đã mạnh dạn xuống giống trồng mồng tơi lấy hạt với diện tích 2.000 m2 và có ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá thu mua hạt mồng tơi: 70.000 - 120.000đồng/kg hạt khô.