Xuất 1,2 Triệu Trứng Cút Đóng Lon Sang Nhật Bản

Ngày 26-12, ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi cút Nguyễn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, trang trại của ông vừa phối hợp với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang Nhật Bản 1,2 triệu trứng cút đóng lon, với giá cao hơn thị trường Việt Nam khoảng 30%.
Theo ông Hồ, việc xuất trứng cút sang thị trường Nhật Bản là một bước đột phá lớn. Bởi thị trường này rất khó tính và đòi hỏi cao. Trước khi xuất, phía Nhật Bản cử người phụ trách chuyên môn đến kiểm tra một thời gian dài ở trang trại của ông.
Thức ăn cho cút phải do phía Nhật Bản quy định, chăn nuôi phải có nhật ký theo dõi và trước khi xuất phải được kiểm tra kháng sinh nghiêm ngặt. “Chúng tôi đã theo đuổi thị trường này trên 2 năm và cũng nhiều lần thất bại. Tuy giá trứng cút xuất sang Nhật không cao và đòi hỏi nhiều, nhưng lại có thị trường ổn định. Khó khăn lớn nhất là chúng ta chưa có giống cút thuần” - ông Hồ cho biết.
Hiện nay, thị trường Nhật Bản đang cần trang trại Nguyễn Hồ cung cấp khoảng 12 triệu trứng/tháng, nhưng ông Nguyễn Hồ chỉ có thể cung cấp 3 triệu trứng/tháng.
Related news

Những cơn mưa trong khoảng thời gian từ một tháng trở lại đây khiến người trồng mì trong tỉnh Tây Ninh phải một phen lao đao. Ruộng mì ngập nước, củ mì dần úng thối, có cây nhổ lên chỉ còn trơ bộ rễ.

Hành tím là đặc sản của Sóc Trăng, vụ năm nay xuống giống 6.200 ha, sản lượng 110.000 tấn, đều tăng so với vụ trước. Trong lúc, thị trường chưa mở rộng, kỹ thuật bảo quản vẫn lạc hậu nên đã hai tháng kết thúc mùa vụ, hành tồn đọng đang hư và nếu kéo dài sẽ phải đổ bỏ.

Nhờ chú trọng chọn giống chất lượng, cùng với việc xử lý đầm nuôi đúng quy trình kỹ thuật, tình hình dịch bệnh tôm nuôi ít diễn ra. Đặc biệt là giá tôm nguyên liệu trên thị trường ổn định đã giúp nông dân tăng thu nhập, tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã có nhiều hộ đầu tư trồng cây măng cụt, số hộ trồng loại cây này không ngừng tăng lên theo từng năm. Việc trồng ồ ạt làm cho giá thành giảm, các thương lái ép giá dẫn tới người trồng ít có lãi hoặc bị lỗ. Chính vì vậy cần có những cách làm hay, hiệu quả để đem lại kinh tế ổn định lâu dài cho nông dân.

Ông Tạ Tiến- Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Sơn Hà cho biết: Để tránh tình trạng chặt phá để thu hoạch như cây ươi vừa rồi, kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền các xã, đặc biệt là Sơn Kỳ để tuần tra, ngăn chặn và xử lý các trường hợp đốn hạ cả cây để thu hoạch.