Xóa Đói Giảm Nghèo Ở Chiềng Sơ
Vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tận dụng triệt để lợi thế về điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thổ nhưỡng... đã giúp nhân dân Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông từng bước thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 58%, giảm 4,5% so với năm 2012.
Ông Lò Minh Xuyên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, cho biết: Những năm trước đây, Chiềng Sơ là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện. Mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư của Đảng, Nhà nước, như: Chương trình 135, 30a nhưng đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Một phần do người dân chưa có ý chí vươn lên, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một phần chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất.
Trước thực tế đó, Đảng ủy, chính quyền xã xác định: Với diện tích tự nhiên 6.207ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp gần 3.600ha, xã lựa chọn hướng phát triển kinh tế kết hợp sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi gia súc là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã.
Do vậy, chính quyền xã tăng cường chỉ đạo các phòng ban, đoàn thể của xã tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất; tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp đào tạo nghề; tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn lợn hơn gần 20 con của gia đình chị Lò Thị Tiên ở bản Cang B, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông luôn phát triển tốt.
Trong sản xuất nông nghiệp, xã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ, cung ứng kịp thời giống đậu tương, ngô, lúa... cho người nghèo; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, ngô phù hợp với thổ nhưỡng.
Nhờ đó, bình quân lương thực cây có hạt đầu người toàn xã hiện đạt 318kg/năm. Để đa dạng cơ cấu cây trồng, ngoài các loại cây ngắn ngày xã còn vận động nhân dân kết hợp trồng các loại cây có giá trị cao như: bông lai, nhãn... tăng thu nhập.
Từ nguồn vốn vay của các tổ chức hội, đoàn thể trong xã, người dân đã biết cách sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Điển hình về chăn nuôi sản xuất giỏi như gia đình anh Quàng Văn Thinh, ở bản Cang B. Nhờ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, năm 2011 anh Thinh đầu tư mua 2 cặp trâu giống.
Anh Thinh còn chủ động tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức để có thêm kiến thức chăm sóc gia súc đúng kỹ thuật. Nhờ vậy, trâu của gia đình anh Thinh phát triển tốt, cho nguồn thu ổn định khoảng 45 – 50 triệu đồng/năm.
Ngoài ra còn có gia đình anh Lường Văn Thiện ở bản Kéo, ông Lò Văn Bình ở bản Hia Óng, anh Quàng Văn Thoại ở bản Pá Nặm A... Theo thống kê của UBND xã Chiềng Sơ, hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn là 4.792 con, trong đó trâu là 733 con; bò 1.224 con, lợn 1.479 con... tập trung nhiều ở bản Pá Nặm A, Pá Nặm B, Hia Óng.
Từ những kết quả đạt được cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo ở Chiềng Sơ đã và đang được triển khai đúng hướng, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Do vậy, thời gian tới, UBND xã sẽ nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, tận dụng hiệu quả, đưa các nguồn vốn, chương trình, dự án của Chính phủ, như: 135, 30a, 134... đến người dân, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Related news
“Chăn nuôi bò công nghiệp cần 8-10 năm để chuẩn bị”. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm về phát triển ngành chăn nuôi bò ở Việt Nam do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia (MLA) tổ chức ngày 9.11 tại Hà Nội.
Cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Văn Hồng, ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) đã chặt hết hồng xiêm, vải thiều, táo để trồng bưởi Diễn. Ban đầu hàng xóm cho ông là “dở người”, nhưng càng về sau càng thấy việc ông làm mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Có giá đến 200.000 đồng một hạt giống, trội hơn hẳn các loại cây khác trên thị trường, nhưng chuối tài lộc được nhiều nhà vườn thu mua để trồng, chờ bán dịp Tết.
Đó là đánh giá chung của nhiều đại biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 62 Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, do Bộ NNPTNT tổ chức hôm 10.11 ở TP.HCM.
Sở dĩ nông dân đồng bằng sông Cửu Long có thời gian dài chỉ chú trọng sản xuất các giống lúa chất lượng thấp, là do bị thị trường chi phối, một mặt các tỉnh cũng muốn “đua” về thành tích sản xuất lúa, nên đã không chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao.