Xây Dựng Vùng Lúa Chất Lượng Cao
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) luôn chú trọng cải tạo ruộng đồng, đầu tư thâm canh để không ngừng tăng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa. Diện tích cây lúa gieo trồng hàng năm của huyện đạt trên 13.500 ha, sản lượng bình quân trên 80.000 tấn, chủ yếu là các loại giống cho năng suất, chất lượng cao như: Khang Dân, HT1, HC95, Ma Lâm, PC6...
Để chủ động được nguồn giống tại chỗ đảm bảo phẩm cấp, giảm chi phí mua giống từ bên ngoài, huyện đã chỉ đạo xây dựng vùng giống nhân dân nhằm chủ động giống cho sản xuất các vụ sau. Mỗi năm Hải Lăng đã chủ động xây dựng 500 ha sản xuất giống để có đủ nguồn giống cho sản xuất năm sau, đáp ứng diện tích gieo cấy trên địa bàn.
Riêng trong năm 2012 đã triển khai được 624 ha, năm 2013 triển khai 713 ha. Ngoài ra, một số địa phương như: HTX Câu Nhi, HTX Đại An Khê, HTX Văn Quỹ...đã hợp đồng sản xuất giống với Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị với diện tích gần 100 ha. Hiệu quả mang lại mỗi héc ta thu khoảng 4-5 tấn lúa giống/vụ, giá trị đạt 1,2-1,5 lần (70-80 triệu đồng/ha/năm) so với sản xuất thóc thịt, nhưng điều quan trọng là giúp các địa phương chủ động nguồn giống tại chỗ, giảm bớt chi phí mua giống từ bên ngoài.
Đểnâng cao năng suất, chất lượng từ cây lúa, bên cạnh việc chủ động sản xuất bộ giống thì Hải Lăng còn chú trọng đưa vào canh tác các loại giống mới cho năng suất cao như Ma Lâm, Bồ Đề 688X1, Thảo Dược... Ông Nguyễn Công Tân, Chủ nhiệm HTX An Thơ (Hải Hòa) cho biết: Bắt đầu từ vụ đông xuân 2008, HTX An Thơ gieo trồng 240 ha chất lượng cao.
Nếu trước đây HTX chủ yếu trồng các giống lúa như Khang Dân…thì nay đã đưa vào sản xuất giống lúa Ma Lâm 48 để thay thế cho các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài, năng suất, chất lượng thấp, dễ nhiễm sâu bệnh. Từ 20 ha ban đầu đến nay HTX đã có gần 200 ha trồng giống lúa Ma Lâm 48. Đây là giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng vụ hè thu từ 80-85 ngày phù hợp gieo cấy ở vùng trũng.
Để giúp nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác, HTX đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về đặc điểm và kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giúp cho bà con nâng cao kiến thức về kỹ thuật thâm canh từ khâu chuẩn bị đất, gieo trồng, chăm sóc lúa đẻ nhánh, chăm sóc lúa trổ; cách phát hiện và phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại chính; chăm bón, điều tiết nước và bố trí mùa vụ hợp lý để hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra...
Ông Võ Quốc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Hòa cho biết thêm, toàn xã có 635 ha trồng lúa, trong đó cơ cấu giống lúa chủyếu là Ma Lâm 48 với tỷ lệ trên 95%. Qua theo dõi giống lúa Ma Lâm 48 không bị nhiễm rầy, chuột ít ăn, cây cứng chống đổ ngã, năng suất cao... Bên cạnh đó trình độ thâm canh của nông dân tương đối cao như sử dụng phân bón hợp lý, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nên năng suất thu được khá cao.
Từ nhiều năm qua, Hải Lăng là địa phương có diện tích gieo trồng lúa lớn nhất trong toàn tỉnh với diện tích mỗi năm chiếm gần 1/3 tổng diện tích lúa của tỉnh. Do phần lớn diện tích lúa được gieo trồng ở vùng thấp trũng, đặc biệt là trong những năm gần đây do sự tác động của biến đổi khí hậu nên việc sản xuất lúa thường gặp khó khăn, đầu vụ đông xuân hay gặp mưa rét kéo dài và ngập úng, vụ hè thu cũng thường bị ngập úng do gặp mưa lũgiai đoạn thu hoạch... Do thời tiết bất lợi nên đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa, làm tăng chi phí sản xuất và giảm thu nhập của nông dân.
Tuy nhiên qua thực tế cho thấy nhờ việc chuyển đổi mạnh mẽ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao đã triển khai có hiệu quả tùy theo đặc thù sản xuất của từng địa phương. Đó là những vùng thấp trũng, ngập úng như Hải Hòa, Hải Dương hay đất đai cằn cỗi như Hải Quế, Hải Thọ nên sản xuất nông nghiệp ở Hải Lăng đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên tai, luôn giữ vững sản lượng lương thực và chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao.
Ông Hồ Như Thanh, Chủ tịch UBND xã Hải Quế cho biết: “Vụ đông xuân năm 2014 toàn xã Hải Quế có tổng diện tích gieo cấy đạt 407,5 ha, trong đó cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 200 ha. Để có được kết quả đó là cả một quá trình lâu dài thử nghiệm, đánh giá và áp dụng đại trà các loại giống lúa. Với kinh nghiệm thâm canh lúa cùng với áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng lương thực của địa phương hàng năm luôn tăng”.
Không riêng gì Hải Quế mà hầu hết các địa phương trong huyện đều đưa vào thâm canh các giống lúa chất lượng cao như HT1, HC95, P6, Ma Lâm 48, Bồ Đề 688X1, Bồ Đề 688X2 (lúa đỏ), AC5…Bên cạnh những giống lúa chất lượng cao đã được khẳng định về năng suất, chất lượng, sản lượng, thời gian gần đây huyện Hải Lăng đã tiếp tục khảo nghiệm một số giống lúa mới giàu tiềm năng như lúa Thảo Dược, AC5, Bồ Đề...
Riêng giống lúa Thảo Dược mới được khảo nghiệm lần đầu nhưng cũng đã phát triển khá tốt. Điều quan trọng là giá gạo từ các giống lúa này đang được thị trường ưa chuộng như Bồ Đề: 35.000 đồng/ kg, gạo Thảo Dược: 45.000 đồng/kg…đã mở ra nhiều cơ hội để nông dân Hải Lăng càng chú trọng hơn việc chuyển đổi và thâm canh vùng lúa chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế.
Related news
Với những ưu điển vượt trội như dễ nuôi, lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn khoảng 15% - 20% so với giống bò khác, bò BBB đang trở thành một hướng đi mới không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập mà còn làm tăng sản lượng thịt bò trên thị trường hiện nay, dần dần chủ động nguồn cung thịt bò trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Trong khi ngành chăn nuôi và thủy sản chịu tác động mạnh bởi diễn biến thị trường thì các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) gần như không hề hấn gì, thậm chí, mỗi ngày một mở rộng.
Theo Cục Thống kê An Giang, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 41.233 hộ chăn nuôi gia súc, tăng 16,66% so năm 2013. Trong đó, có 29.568 hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại HVS, chiếm tỷ lệ 71,71%, tăng 10,42% so cùng kỳ.
Tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 18/5, ổ dịch cúm gia cầm H5N6 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã qua 21 ngày không phát sinh thêm dịch mới. Tuy nhiên, tại tỉnh Vĩnh Long đã xuất hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N1.
Với đàn gà có số lượng lên đến trên 1.000 con, hiện trang trại của anh Nguyễn Văn Long ở thôn 5, xã Diên Phú (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là địa chỉ nuôi gà Đông Tảo lớn nhất TP. Pleiku.