Xây Dựng Thương Hiệu Nếp Cái Hoa Vàng

Từ lâu, “tiếng” nếp cái hoa vàng vùng Đông Triều (Quảng Ninh) cho gạo thơm dẻo, đậm đà đã được nhiều người biết đến, ưu chuộng. Những năm gần đây, qua việc xây dựng thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Đông Triều”, sản phẩm này càng được biết đến rộng rãi hơn trong nước; nhờ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa của địa phương.
Xã Yên Đức là một trong những vùng trồng nếp cái hoa vàng ngon nổi tiếng của huyện Đông Triều. Theo những người dân trồng lúa lâu năm ở đây, điều đặc biệt ở giống lúa này là không phải ở vùng nào cấy giống cũng cho chất lượng hạt gạo ngon như nhau.
Như ở Đông Triều, vùng trồng nếp cái hoa vàng cho chất lượng hạt gạo tốt nhất chỉ tập trung ở một số xã vùng cửa sông như Yên Đức, Nguyễn Huệ, Hồng Phong, Hoàng Quế. Đồng đất ở các vùng này có độ chua mặn cao, điều kiện cấy gặt khó khăn hơn những vùng khác. Giống nếp cái hoa vàng đã được nông dân xã trồng từ khá lâu.
Tuy nhiên, do đây là giống lúa đòi hỏi nhiều công chăm sóc, lại là giống mùa muộn, nên trước đây bà con gieo trồng với diện tích nhỏ, chủ yếu là sử dụng trong gia đình, sản phẩm bán ra rất ít. Từ khi dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nếp cái hoa vàng Đông Triều” được triển khai tập trung ở 4 xã là Yên Đức, Hồng Phong, Hoàng Quế và Nguyễn Huệ, đã mở ra hướng phát triển mới cho cây lúa nếp cái hoa vàng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội SX&KD gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, cho biết: “Tham gia dự án, bà con được hỗ trợ đầu vào, từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến hướng dẫn áp dụng đồng nhất các quy trình canh tác sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng.
Cùng đó, tỉnh chú trọng xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm, đăng ký và được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể Nếp cái hoa vàng Đông Triều”.
Trong những năm qua, để bảo tồn và phát huy những đặc tính của giống lúa này, huyện Đông Triều đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh thực hiện phục tráng giống lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều.
Qua đó, giống lúa quý này đã giữ được những đặc tính vốn có, năng suất tốt, ngày càng được bà con nhân rộng gieo cấy, từng bước mang lại hiệu quả và thu nhập cao cho bà con. Bà Trịnh Thị Ca (thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức), một trong những hộ trồng nếp cái hoa vàng, chia sẻ: “Từ khi nếp cái hoa vàng Đông Triều có thương hiệu, sản phẩm của chúng tôi được nhiều người biết đến, bán ra có giá trị hơn hẳn, sản xuất tới đâu là tiêu thụ hết tới đấy.
Nếu như trước, bán 1 tạ thóc có giá trung bình 1,5 triệu đồng còn khó, thì nay bán đến trên 2 triệu đồng cũng chẳng có mà bán. Nhận thấy hiệu quả, nên gia đình tôi tăng diện tích cấy từ 1 mẫu lên 1,5 mẫu. Vụ vừa qua, lúa được mùa, giá bán cao, bà con chúng tôi phấn khởi lắm…”.
Giống như bà Ca, hiện nhiều hộ dân trong xã Yên Đức và một số xã trên địa bàn huyện Đông Triều cũng mở rộng gieo cấy giống nếp cái hoa vàng. Qua đó, đã nhân rộng vùng sản xuất loại lúa này của huyện từ 50ha năm 2012 lên trên 230ha năm 2013, năng suất đạt từ 40-45 tạ/ha. Thời gian tới, diện tích trồng nếp cái hoa vàng tiếp tục tăng.
Việc xây dựng thương hiệu nếp cái hoa vàng của huyện Đông Triều, một mặt đã bảo tồn và phát huy được giống lúa quý của địa phương; mặt khác nâng cao năng suất và thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho người nông dân. Bên cạnh đó, còn đưa thương hiệu nông sản của tỉnh vươn ra thị trường trong nước, thậm chí trên thế giới. Quả đúng là “Một vốn bốn lời”.
Related news

Khối lượng nhập khẩu mặt hàng ngô trong 8 tháng năm 2015 đạt 4,14 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt tới 939 triệu USD, tăng 43% về khối lượng và tăng 24,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Một trong những nguyên nhân khiến giá hàng hóa giảm mạnh trong thời gian qua là lo ngại về triển vọng nhu cầu nguyên liệu liệu của Trung Quốc khi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bị giảm sút.

Khi có thông tin về việc sử dụng chất cấm hay chất tăng trọng,chất tạo nạc trong chăn nuôi heo xuất hiện trên các kênh truyền thông,nhiều người tiêu dùng đã quay lưng lại với loại thịt này.

Sau khi đồng Nhân dân tệ (NDT) liên tục phá giá, nhiều lĩnh vực xuất khẩu (XK) chịu tác động, trong đó mặt hàng gạo xuất khẩu đang đối mặt với không ít khó khăn từ việc ép giá, phá vỡ hợp đồng của không chỉ đối tác Trung Quốc mà từ các đầu mối nhập khẩu tại một số thị trường khác.

8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu ba mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam là cà phê, cao su, gạo liên tục trong tình trạng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.