Hiệu Quả Của Máy Gặt Đập Liên Hợp Ở Thanh Hải
Khoảng 10 phút đã gặt hết bay một sào lúa, nông dân chỉ việc mang thóc về phơi, đó là hiệu quả làm việc của chiếc máy gặt đập liên hợp lần đầu tiên có mặt ở xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn.
Có mặt tại cánh đồng lúa ở thôn Bừng Núi, xã Thanh Hải vào những ngày cuối tháng 6 khi trà lúa xuân đang chín rộ, chúng tôi được tật mắt chứng kiến công suất làm việc của chiếc máy gặt đập liên hợp mang nhãn hiệu Bilang lần đầu tiên xuất hiện tại huyện miền núi Lục Ngạn. Chỉ cần hai người vận hành chiếc máy: Một người điều khiển, còn người kia ngồi hứng thóc chảy vào bao. Sau khoảng 20 phút hoạt động, chiếc máy đã gặt hết sạch ruộng lúa rộng 2 sào. Đó cũng là “kỳ tích” trong sản xuất nông nghiệp mà người nông dân ở xã Thanh Hải được thấy. Anh Phạm Văn Nam ở thôn Bừng Núi, có ruộng lúa vừa thuê được máy gặt xong vui mừng cho biết: Những vụ trước kia, ruộng lúa này gia đình tôi phải thuê mất 4 lao động gặt trong một ngày vất vả mới xong được. Riêng tiền thuê gặt đã mất khoảng 400 nghìn đồng, sau đó lại phải gánh lúa lên bờ, thuê xe vận chuyển lúa về nhà và thuê máy đến xuốt lúa mới ra được hạt thóc. Nếu tính cả chi phí tiền công cầy bừa, tiền thóc giống, phân bón, thuốc sâu thì làm ra hạt thóc chẳng còn lãi là bao. Nay thuê được máy gặt này, 2 sào mới hết có 300 nghìn tiền công, vừa nhanh lại ra được thóc ngay.
Còn bà Nguyễn Thị Ba ở cùng thôn, đang đứng chờ máy đến gặt cho ruộng lúa nhà mình thì xúc động tâm sự: Từ trước đến nay, tôi chỉ nhìn thấy chiếc máy gặt này trên tivi, đâu có nghĩ nó lại về đến tận quê mình như vậy. Hiện gia đình tôi có 7 sào lúa đang được thu hoạch, thuê được chiếc máy gặt này, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian để tập trung thu hoạch vải thiều hơn.
Được biết, với mục đích đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hoá vào đồng ruộng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giải phóng sức lao động cho nông dân, cuối tháng 5 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Giang đã triển khai mô hình hỗ trợ năm hộ dân xã Thanh Hải mua một chiếc máy gặt đập liên hợp Bilang. Máy có trị giá 235 triệu đồng, trong đó các hộ dân đăng ký mua chung máy, chỉ phải bỏ ra 110 triệu đồng, còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ. Ngay sau đưa về địa phương, chiếc máy gặt đập liên hợp đã phát huy hiệu quả tích cực. Anh Lê Đắc Quyền ở thôn Thanh Bình là một trong năm hộ chung tiền mua máy phấn khởi cho biết: Việc vận hành chiếc máy gặt này rất đơn giản, chúng tôi chỉ học điều khiển có một ngày mà đã lái được thành thạo. Từ khi tôi đưa máy này ra đồng gặt lúa, bà con ở khắp nơi trong và ngoài xã đến gọi thuê gặt mà không đáp ứng kịp. Với điều kiện ruộng lúa đứng cây và cùng một cánh đồng, trong một ngày, chúng tôi có thể vận hành máy gặt xong từ 5 – 7 mẫu lúa. Ưu điểm của chiếc máy gặt đập liên hợp này là thu hoạch lúa nhanh, tiêu tốn nhiên liệu ở mức thấp (khoảng 15 lít dầu/mẫu lúa), gặt và tuốt lúa rất sạch nên bà con ai cũng thích.
Để điều khiển chiếc máy gặt đập liên hợp có chiều dài 4 m, rộng 2,1 m, chạy bằng xích này di chuyển hiệu quả qua những thửa ruộng bậc thang, những nông dân lái máy ở xã Thanh Hải đã sáng tạo dùng những tấm gỗ bắc làm cầu cho máy lên, xuống ruộng. Như vậy, máy đã có thể trèo lên được những ruộng lúa cao đến 1 m để gặt lúa. Từ thực tế quan sát hoạt động của máy gặt đập liên hợp ở xã Thanh Hải nhận thấy, mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực ở địa phương, đặc biệt góp phần quan trọng giải phóng sức lao động cho nhân dân.
Related news
Cho đến thời điểm này, bà con nông dân các xã, thị trấn của huyện Quang Bình cơ bản đã thu hoạch xong lúa vụ Xuân; với tổng diện tích gieo cấy toàn huyện là 1.937,7 ha/1.898 ha (đạt 102% kế hoạch). Cơ cấu giống chủ yếu là Nhị ưu 838, HKT 99, Việt lai 20, BG 1, Khang dân 18... Cùng đó, các loại cây trồng vụ Xuân cũng đang được tập trung thu hoạch để tránh mưa, bão xảy ra.
Theo thống kê mới nhất của ngành chuyên môn, hiện có 13 hồ chứa nước trên địa bàn Hương Khê (Hà Tĩnh) đã cạn nước, chỉ đạt 25%- 35% so với dung tích thiết kế.
Đến nay các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 35 nghìn ha lúa chiêm xuân, đạt 95,8% diện tích và đang tiến hành làm đất phục vụ gieo cấy vụ mùa. Tuy tiến độ thu hoạch lúa chiêm xuân sớm hơn so với cùng kỳ nhưng nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến tiến độ làm đất gieo cấy lúa mùa.
Thời tiết đang nắng nóng cao điểm khiến nhiều diện tích cây trồng ở vùng cát huyện Thăng Bình bỏ hoang, hoặc đang sinh trưởng có nguy cơ chết khô vì thiếu nguồn nước tưới tiêu.
Liên kết sản xuất lúa giống, các loại cây hoa màu là hướng đi hợp lý để các hợp tác xã (HTX) và nông dân có thể nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc liên kết cũng mang lại hiệu quả, mà ngược lại, một số HTX phải ôm nợ vì các công ty không thực hiện đúng cam kết.