Xây dựng nhãn hiệu chanh đào Lạng Giang (Bắc Giang)
Vị "ngọt" chanh đào
Những ngày này, vườn chanh đào của gia đình anh Nguyễn Văn Sửu, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục (Lạng Giang) có nhiều thương lái và người dân trong huyện đến thăm, thu mua. Những cây chanh đào sai trĩu quả, căng mọng tỏa hương thơm mát. Trước đây, toàn bộ khu vườn này trồng vải thiều, cuối năm 2011, anh Sửu chặt bỏ gần hết do năng suất thấp và thay thế bằng chanh đào. Sau một năm chăm sóc, 200 cây chanh cho thu một tấn quả, bán với giá 30 nghìn đồng/kg. Đến nay, vườn chanh bắt đầu cho năng suất cao.
Riêng vụ này, gia đình anh ước thu khoảng 5 tấn quả; với giá bán 25 nghìn đồng/kg như hiện nay sẽ lãi gần 100 triệu đồng. Một số hộ khác trong thôn cũng có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm nhờ trồng chanh đào như gia đình các anh: Trần Văn Hoan, Hoàng Văn Tập, Trần Văn Thiệp, Hoàng Văn Lợi…
Tại thôn Tự, xã Hương Lạc (Lạng Giang), gia đình anh Nguyễn Văn Thủy 5 năm nay cũng có "của ăn, của để" nhờ cây chanh đào. Được biết, trước kia vợ chồng anh quanh năm đi buôn quất tại huyện Yên Thế và chanh ở Hải Dương về bán buôn cho quán ăn và chợ đầu mối trong tỉnh. Nhiều năm làm nghề, anh nhận thấy người dân trồng chanh có đầu ra thuận lợi, thu nhập cao. Khu vườn nhà khá rộng nên anh học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, mua giống về trồng. Đến nay, 300 cây chanh đào trong vườn năm nào cũng sai trĩu quả, nửa tháng nữa cho thu hoạch rộ dự kiến thu hoạch khoảng 6 - 7 tấn quả.
Ngoài thu nhập từ quả, mỗi năm anh Thủy chiết hơn một nghìn cành giống bán cho người dân trong huyện, đồng thời tận dụng thời gian sau thu hoạch tỉa những cành tăm, bán lá chanh làm gia vị thu về từ 20 - 30 triệu đồng.
Mở rộng diện tích hợp lý
Theo ông Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang, hằng năm huyện phối hợp với các công ty, trung tâm giống cây trồng trong, ngoài tỉnh đưa nhiều loại cây mới về thử nghiệm sản xuất tại địa phương. Đồng thời phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra mẫu đất, xác định loại cây trồng phù hợp để canh tác, hình thành vùng chuyên canh. Trong đó, chanh đào là loại cây được đưa vào sản xuất thành công, phù hợp với chân đất đồi, đất vàn cao của các xã trong huyện.
Các cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền cơ sở còn tích cực phối hợp xây dựng mô hình điểm, tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chanh đào. Ví dụ tại xã Tiên Lục, UBND xã giao cán bộ chuyên môn tổ chức nhiều buổi học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc chanh đào cho nông dân. Bên cạnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng hiệu quả sản xuất, xã khuyến cáo người dân không ồ ạt đưa giống cây trồng này xuống chân ruộng thấp chuyên cấy lúa. Các thôn vận động bà con trước tiên mở rộng diện tích tại khu vực đồi, vườn theo hướng ăn chắc.
Với những nỗ lực đó, đến nay, toàn huyện có khoảng 40 ha chanh đào, trong đó 30 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 15 - 20 tấn/ha; tập trung chủ yếu ở các xã Tiên Lục, Tân Thanh, Hương Lạc. Thấy được hiệu quả kinh tế của cây chanh đào, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu với UBND huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con, tiến tới xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chanh đào Lạng Giang. Được biết, các cơ quan chức năng đang làm thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho chanh đào, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
"Thôn có 10 ha chanh đào, tăng 2 ha so với năm trước. 1/3 số hộ xây nhà khang trang, sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền nhờ nguồn lợi từ cây chanh. Hiện nay, một số hộ đang chuyển đổi những chân ruộng vàn cao, thiếu nước sang trồng chanh đào" - Ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục.
Related news
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân sống dọc theo quốc lộ 80 thuộc 2 huyện Lai Vung và Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp chuyên làm nghề trồng ấu. Hiệu quả sau một vụ trồng thường cao gấp 2, 3 lần so với vụ lúa Hè thu của năm đó. Anh Bùi Văn Thương ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò là một trong những người trồng ấu lâu năm và luôn đạt hiệu quả cao nhất vùng.
Hiện, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đang có nhiều mô hình thoát nghèo, trong đó anh Nguyễn Văn Út đã thoát nghèo bền vững nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi.
Gần đây, nhiều nông dân Thuận Mỹ (Đại Phong), Bàu Tròn (Đại An), thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có thu nhập ổn định từ mô hình trồng bí hồ lô (giống bí đỏ lai F1 Plato 757, thương hiệu của Én Vàng).
Với giàn gấc mỗi lứa thu hoạch hơn 300 quả, giá thị trường 50.000 đ/kg, trái gấc đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp gia đình ông Lê Phước Dũng (đội 4 thôn Quảng Đại 2, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) thoát khỏi cảnh nghèo bấy lâu đeo bám.
Diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự thiếu chặt chẽ trong quản lý lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm khiến cho dịch lợn tai xanh bùng phát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và dịch cúm gia cầm xuất hiện (H5N1) trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).