Xây Đập Cho Dân Làm Lúa Nước
Những ngày cuối tháng 3 này, 11 hộ dân ở bản giáp biên Tả Lo San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vui mừng đón nhận công trình đập thuỷ lợi Khe To đã được khởi công.
Nếu Sen Thượng là xã biên giới khó khăn nhất của huyện Mường Nhé thì bản Tả Ló San là bản xa nhất, nghèo nhất của Sen Thượng. Bản có 100% dân số đồng bào dân tộc Hà Nhì, được thành lập từ 14 năm trước. Do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện phát triển sản xuất khó khăn nên 11 hộ dân ở đây đều là hộ nghèo.
Ông Lỳ Khò Chờ - Trưởng bản cho hay: “Bản vẫn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Năm nào dân bản cũng phải chờ gạo cứu đói giáp hạt. Riêng năm 2013, trước và sau Tết Nguyên đán, người dân trong bản được cứu đói giáp hạt 2 lần”.
Anh Khoàng Chu Pồ -dân bản cho biết: “Nhà tôi có 6 khẩu, chuyển lên đây đã lâu rồi nhưng năm nào gia đình tôi cũng thiếu đói. Chỉ biết phát nương để trồng ngô, trồng lúa, nhưng đất xấu lại hay bị chuột cắn phá nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu”.
Để ổn định cuộc sống của người dân, huyện Mường Nhé đã chủ trương xây dựng công trình đập thủy lợi Khe To. Theo thiết kế, đập sẽ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho khoảng 10ha lúa 1 vụ. Tổng vốn công trình chỉ được 1 tỷ đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
“So với các bản khác thì Tả Ló San là bản có điều kiện để khai hoang, phát triển diện tích ruộng lúa nước bậc thang trên những quả đồi không quá dốc, nguồn nước khe luôn được đảm bảo” - ông Lỳ Phì Cà - Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho hay.
Ông Lò Văn Hùng Anh - Trưởng phòng Dân tộc huyện nhẩm tính: “Từ TP.Điện Biên vào tới điểm mốc xây dựng công trình là hơn 300km. Chưa kể nguyên vật liệu mà chỉ tính riêng chi phí khảo sát thiết kế, chi phí vận chuyển và nhân công trong điều kiện địa hình khó khăn này đã chiếm phần lớn vốn đầu tư rồi. Khó vậy, nhưng huyện, xã vẫn quyết tâm đầu tư xây dựng đập thủy lợi Khe To để 54 nhân khẩu người Hà Nhì ở bản Tả Ló San khai hoang trồng lúa nước, có điều kiện thoát cái đói đeo bám”.
Ông Lỳ Khò Chờ khẳng định: “Nếu có nước tưới tiêu thì dân bản sẽ cố gắng để học hỏi trồng lúa nước, tiến tới tự túc được lương thực”.
Related news
Dù hiện tại không vào vụ thu hoạch rộ tôm nhưng giá tôm càng xanh tại Tam Nông thương lái thu mua giảm khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với năm trước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030.
Các huyện ven biển của tỉnh Quảng Trị đã đầu tư nuôi tôm từ nhiều năm nay, với diện tích nuôi ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra ở 12 xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng và thành phố Đông Hà.
Hiện tượng cá phơi trắng bụng, chết hàng loạt tại các bè cá trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mới đây đã khiến bà con lo lắng, bất an bởi tài sản hàng trăm triệu đồng, có hộ lên tới hàng tỷ đồng trôi theo dòng nước.
Dự án “Thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành NN&PTNT” (MESMARD-2) do chính phủ Thụy Sĩ và Bộ NN&PTNT triển khai sẽ hợp tác với Google đưa bản đồ từng ao nuôi cá tra với đầy đủ thông tin lên Internet nhằm quản lý chất lượng cá tra.