Xã Viên An (Sóc Trăng) Phát Triển Mô Hình Tổ Hợp Tác Bò Sữa
Những năm gần đây, mô hình nuôi bò sữa ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) phát triển khá mạnh, ngoài hỗ trợ người dân về vốn, giống, chuyển giao kỹ thuật, thời gian qua một số địa phương còn thành lập được nhiều tổ hợp tác, tổ chăn nuôi bò sữa khá hiệu quả.
Như Tổ hợp tác Thanh niên lập nghiệp ấp Bờ Đập, xã Viên An có 28 thành viên, lúc đầu mỗi thành viên chỉ nuôi từ 01 đến 02 con bò, đến nay đã tăng đàn lên hàng chục con, nâng tổng số đàn bò của tổ hợp tác hiện có lên 140 con.
Thời gian qua, ngoài phối hợp cùng ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên trong tổ còn hùn vốn tiết kiệm được gần 200 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ nhau trang bị thêm dụng cụ, mở rộng chuồng trại, tăng đàn, nâng cao thu nhập. Đến cuối năm 2013, tổ hợp tác không còn thành viên nghèo.
Anh Sơn Hiên, thành viên của tổ hợp tác cho biết: “Khi tham gia tổ hợp tác được dự án hỗ trợ con bò, cán bộ thú y cũng hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật nuôi đến nay bò phát triển rất tốt và bắt đầu cho sữa, gia đình rất là phấn khởi”.
Là một trong những địa phương của huyện Trần Đề phát triển mạnh mô hình nuôi bò sữa, xã Viên An hiện có tổng đàn bò hơn 1.140 con, để đáp ứng nguồn thức ăn cho bò, xã đã quy hoạch và vận động người dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ được trên 73 ha, thành lập được 08 tổ hợp tác chăn nuôi với 430 thành viên, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo của xã thời gian qua.
Ông Trần Quốc An, Bí thư đảng ủy xã Viên An cho biết:“ Bà con cũng được trung tâm khuyến nông tập huấn trước khi hỗ trợ cho vay vốn nuôi bò. Bên cạnh đó, tổ hợp tác rất quan tâm đối với các hộ nuôi bò sữa, có mô hình nuôi bò sữa thấy đời sống bà con có nhiều phát triển, ít bỏ quê đi làm ăn xa”.
Mô hình nuôi bò sữa ở huyện Trần Đề ngày càng hiệu quả và sẽ được huyện chỉ đạo nhân rộng trong thời gian tới, vừa giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, vừa thực hiện chủ trương chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển.
Related news
Nghề làm muối nơi đây đã có từ lâu đời, tập trung chủ yếu tại hai xã Lý Nhơn và Thạnh An. Hiện tại, toàn huyện có 730 hộ sản xuất muối, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.800 lao động. Trong năm 2014, toàn huyện đưa vào sản xuất gần 1.700 ha ruộng muối, trong đó có hơn 900 ha ứng dụng phương pháp trải bạt, tăng 519 ha so với năm 2013.
Ông Trịnh Thanh Hồng, Chủ nhiệm HTX Đại Phúc ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) than thở, năm nay, sau vụ thu hoạch tôm, nhiều hộ còn nợ tiền thức ăn của ông. Tính đến nay, số hộ và xã viên HTX còn nợ tiền thức ăn nuôi tôm do ông Hồng làm đại lý gần 2 tỷ đồng, gấp 2 lần so cùng kỳ 2013.
Những năm trước đây, cứ khoảng tháng 8 âm lịch, khi nước lũ tràn về, cánh đồng Gò Kén, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh lại nhộn nhịp người đi đánh bắt cá. Mùa nước nổi năm nay, tuy lũ về sớm nhưng lại lên xuống thất thường khiến cho bà con nông dân vốn quen làm nghề này cũng phải vất vả lắm mới kiếm được con cá.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu nguy cơ về dịch bệnh đối với nghề nuôi tôm chân trắng, vừa qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi tôm chân trắng thương phẩm theo hướng VietGAP tại Móng Cái. Bước đầu, mô hình đã cho năng suất khá cao, không xảy ra dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra triển vọng mới đối với nghề nuôi tôm chân trắng.
Chạch Lấu là loài cá nước ngọt có thân mầu xanh đậm hoặc đen xám, trên thân có nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục... Ở nước ta, loại cá này có nhiều tên gọi khác nhau: chạch lấu, chạch bông (Nam Bộ); chạch chấu, chạch làn (Trung Bộ và Bắc Bộ). Trước đây, giống cá chạch lấu chủ yếu đánh bắt ngoài thiên nhiên.