Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau Đà Lạt Lại Đổ Cho Bò Ăn

Rau Đà Lạt Lại Đổ Cho Bò Ăn
Publish date: Monday. February 24th, 2014

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng xác nhận hơn ngàn hecta rau tại Đà Lạt và những vùng nông nghiệp trọng điểm như Đơn Dương, Đức Trọng... đang rớt giá thê thảm.

Giá cà chua, bắp sú, cà rốt, cải thảo... chỉ bằng 1/10 giá trước tết, nhiều hộ phải đổ cho bò ăn.

Câu chuyện của vùng nông nghiệp Đà Lạt lần này không gói gọn ở “được mùa mất giá”, mà là câu chuyện của lối canh tác thiếu kế hoạch, thiếu liên kết... Bởi giá mua nông sản ghi nhận tại các nhà cung ứng rau củ lớn ở Đà Lạt vẫn ổn định, một số chủng loại có phần tăng nhẹ.

Bò cũng ngán ăn rau

Tại xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), nhiều nông dân chuyên trồng rau củ đành mang cà rốt, cà chua, xà lách, cải thảo, su su... làm thức ăn cho bò do giá quá thấp.

Anh Huỳnh Ân, thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, cho biết trước tết gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng để xuống giống trồng 1,5ha cà chua, cà rốt, hi vọng sẽ bán được giá dịp giáp và sau tết.

Thế nhưng, giáp tết chỉ mới thu hoạch, bán cho các thương lái được 1/4 với giá dao động 8.000 đồng/kg cà chua, 12.000-15.000 đồng/kg cà rốt. Sau tết, giá tiếp tục rớt thảm hại khi thương lái mua 500 đồng/kg cà chua loại đẹp nhất và 1.500-3.000 đồng/kg cà rốt.

“Không phải riêng tôi, nhiều bà con cũng rơi vào cảnh lao đao như thế này. Giá như vậy không đủ trả tiền công lao động nên không còn cách nào khác chúng tôi phải hái dần cho bò ăn” - anh Ân cho hay.

Tại thôn Bắc Hội những ngày này ảm đạm, bên cạnh hình ảnh những ruộng rau hoang tàn, héo rũ, cà chua chín rục rơi rụng dưới gốc là những đống cà rốt, su su, xà lách... đổ bỏ nham nhở.

Bà Đinh Thị Lụa, nông dân ở đây, giọng chua xót: “Cho bò ăn cà rốt, cà chua, xà lách riết từ tết đến giờ đến nỗi bò ngán không muốn ăn”.

Là người có sáu năm trồng cà chua, bà Lụa kể chưa có năm nào như năm nay, giá cả xuống thấp tệ hại. Gần 2 sào cà chua của bà giờ không muốn bán, chỉ hái dần cho bò ăn, bò nhà ngán thì mang cho bò của người quen. “Cứ nghĩ rau Đà Lạt có tiếng, có thương hiệu nên trồng sẽ bán được, nào ngờ...” - bà Lụa thở dài.

Ông Phạm Đình Thông, chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh, cho biết trên địa bàn toàn xã hiện có hơn 1.000ha rau củ các loại. Ngoài cà rốt, cà chua còn bán được với giá rất thấp thì còn một lượng lớn rau củ khác đang bị nhà vườn phá bỏ, chưa thể thống kê được hết.

Theo ông Thông, thổ nhưỡng vùng này trồng được nhiều loại rau củ khác như hành tây, dưa leo, khoai tây, khoai lang nhưng nhiều năm nay nông dân chỉ trồng cà rốt, rau lá các loại. “Nhà nông trồng theo thói quen, năm này qua năm khác như vậy và hậu quả là năm nào cũng bị thua lỗ. Ít thì một vụ, nhiều thì hai ba vụ” - ông Thông nói.

Liên kết sản xuất thành xu hướng

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho rằng 1.000ha nông sản “gặp nạn” là ít so với gần 40.000ha rau.

Ông Sơn cho rằng thất bại lần này chủ yếu rơi vào những nông dân đứng ngoài liên kết làm ăn giữa nhà phân phối - nhà cung ứng - nhà nông.

Đặc điểm chung của những người phải đổ bỏ rau cho gia súc ăn là sản xuất theo từng hộ riêng lẻ, không có bất kỳ sự hợp tác nào với những nhà phân phối, chủ vựa tại Đà Lạt chuyên cung ứng cho siêu thị và các chợ nông sản trên toàn quốc.

Trong lúc rau ùn ứ tại nhiều nơi thì giá nông sản các công ty cung ứng tại Đà Lạt mua cho nông dân nằm trong liên kết của họ vẫn không đổi từ trước tết đến nay.

Ông Sơn lý giải những hộ nông dân liên kết đã ký hợp đồng và thống nhất giá, kế hoạch sản xuất cả năm nên họ trong thế an toàn. Theo ông Sơn, hiện nay chỉ khoảng 10% diện tích đất nông nghiệp thuộc những nông dân có liên kết sản xuất.

“Thường doanh nghiệp đến đặt vấn đề khi nông dân đang ăn nên làm ra nên nông dân không mặn mà hợp tác. Mặt khác, thua lỗ trong nghề trồng rau thường không làm nông dân kiệt quệ, họ gỡ được ở vụ sau nên nông dân chủ quan, không muốn liên kết hoặc chần chừ thay đổi cách làm ăn” - ông Sơn phân tích.

Về lâu dài, ông Sơn cho rằng sự bất hợp tác của nông dân sẽ khiến lợi nhuận từ nông nghiệp giảm nhiều, bởi lãi của những vụ sau bù cho lỗ vụ trước tính chung quy chỉ còn lời khoảng 20% cho cả năm. Đây là mức thấp so với một vùng nông nghiệp có thương hiệu và khí hậu ưu đãi.

Ông Trần Duy Việt, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho rằng năm nay là thời điểm cái lợi, cái hại của liên kết và không liên kết sản xuất nông sản bộc lộ rõ nhất, trong đó giá cả phân hóa rất rõ.

“Nếu nông dân không tham gia chuỗi liên kết sản xuất thì chúng tôi cũng khó hỗ trợ họ nâng cao chất lượng nông sản. Bởi các dự án đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp nhiều nhưng hỗ trợ nhỏ lẻ từng hộ dân thì khó làm được” - ông Việt kết luận.


Related news

Chuyển đổi cây trồng đạt giá trị 205 triệu đồng/ha/năm Chuyển đổi cây trồng đạt giá trị 205 triệu đồng/ha/năm

Trong những năm qua, nông dân xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, giảm diện tích lúa xuống còn 260 ha, đồng thời nâng diện tích cây trồng cạn lên hơn 680 ha/năm, gồm 280 ha hành, 305 ha đậu phụng, 95 ha mè...

Thursday. May 7th, 2015
Máy vét rơm của Hùng Rơm Máy vét rơm của Hùng Rơm

Vụ lúa thu đông năm 2014, lần đầu tiên ở những cánh đồng Thoại Sơn (An Giang) xuất hiện chiếc máy vét rơm rất độc đáo, công xuất bằng 10 lao động thủ công.

Thursday. May 7th, 2015
Nam Định phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản Nam Định phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, phong trào nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh Nam Định phát triển mạnh, đặc biệt các con nuôi có giá trị kinh tế cao như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cá bống bớp, cua biển, cá lóc bông, cá diêu hồng… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - ngư nghiệp, trực tiếp nâng cao đời sống của nông dân tại các địa phương.

Friday. May 8th, 2015
Chi cục Thủy sản Sơn La thả 1.000kg cá giống xuống hồ sông Đà Chi cục Thủy sản Sơn La thả 1.000kg cá giống xuống hồ sông Đà

Trong tháng 4, Chi cục Thủy sản Sơn La đã phối hợp với UBND các huyện: Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai, thả 1.000kg cá giống các loại xuống hồ sông Đà để tạo nguồn lợi thủy sản cho nhân dân đánh bắt.

Friday. May 8th, 2015
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần sự góp sức của cả cộng đồng Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần sự góp sức của cả cộng đồng

Nguồn lợi thủy sản của TP Cần Thơ được đánh giá phong phú, nhiều giống, loài có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn lợi này đang dần suy kiệt do không được bảo vệ và khai thác hợp lý. Nhằm khắc phục tình trạng trên, TP Cần Thơ đang nỗ lực tuyên truyền và đề ra nhiều giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản...

Friday. May 8th, 2015