Vựa Heo Miền Trung Buồn Nẫu Ruột
Về Hoài Ân (Bình Định) trong những ngày này, đi đâu cũng nghe tiếng than ngắn, thở dài của những người nuôi heo.
Năm vừa qua, dịch bệnh trên đàn heo được khống chế, người nuôi heo ở huyện Hoài Ân (Bình Định) ào ạt tăng đàn, những mong bội thu vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Nào ngờ giá heo đã không tăng, lại ngày càng giảm thấp, khiến người nuôi heo ở nơi được mệnh danh là vựa heo miền Trung đang buồn nẫu ruột.
Về Hoài Ân (Bình Định) trong những ngày này, đi đâu cũng nghe tiếng than ngắn, thở dài của những người nuôi heo. Bởi lẽ, đã vào tháng cận tết mà giá heo không tăng cao như mong đợi, mà ngày càng “thụt lùi” khiến họ vô cùng hoang mang.
Chị Nguyễn Thị Bình, một người có thâm niên hơn 10 năm nuôi heo ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức (Hoài Ân-Bình Định), cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán năm trước đến tháng 3 (âm lịch), giá heo dù đã có hạ, nhưng vẫn ổn định ở mức 45.000đ/hơi, tại thời điểm đó người nuôi có lãi khoảng 600.000đ/con.
Đến tháng 8, tháng 9, giá heo tăng lên 46.000đ-48.000đ/kg, người nuôi heo phấn khởi hơn. Bắt đầu từ tháng 9 nhuận đến nay, giá heo ngày càng giảm thấp, giờ chỉ còn 42.000đ-43.000đ/kg, nhưng đó là giá heo đẹp, nạc nhiều, ở cấp 60kg-70kg/con; heo từ 80kg đến 1 tạ/con giá còn thảm hơn, chỉ bán được 34.000đ-35.000đ/kg, vì heo cỡ này mỡ nhiều, thị trường không chuộng”.
Theo tính toán của người nuôi heo ở Hoài Ân, với giá heo hiện nay, nếu hộ nào để heo giống lại nuôi thì còn lãi chút ít vì không chi phí tiền giống.
Nếu ai trước đây mua giống với giá 80.000đ/kg, mỗi con heo giống bình quân 15kg, vị chi mất đến 1,2 triệu đồng tiền giống thì hiện đang chịu lỗ nặng. Heo hạ giá, bên cạnh đó dẫu xăng dầu đã giảm mạnh nhưng thức ăn chăn nuôi vẫn giữ nguyên giá cũ nên người nuôi bị lỗ là điều dễ hiểu.
“Gía heo dù thấp hơn nhiều so với năm trước nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn giữ nguyên 300.000đ/bao 25kg. Mỗi con heo nuôi đạt đến 70kg ăn phải hết 1,5 tạ thức ăn, vị chi là 1,8 triệu đồng; thêm tiền heo giống 1,2 triệu đồng; nếu heo đẹp bán được giá 42.000đ/kg thì khoản tiền thu được chưa đủ bù tiền giống và tiền chi phí thức ăn, công người nuôi bỏ ra suốt 3 tháng trời kể như...công cốc.
Người nuôi còn lỗ tiền điện và thuốc bệnh cho heo trong suốt quá trình nuôi. Nếu heo bị mỡ, bán chỉ 34.000đ-35.000đ/kg thì cầm chắc lỗ gần 1 triệu đồng/con”, chị Bình tính chi li.
Hoài Ân không chỉ là địa phương có phong trào nuôi heo mạnh nhất Bình Định, mà còn được mệnh danh là vựa heo của miền Trung, với tổng đàn luôn ổn định trên 200.000 con.
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Trưởng Trạm Thú y huyện Hoài Ân, suốt nhiều năm qua nhờ ngành chức năng thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho gia súc, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường nên dịch bệnh không xảy ra trên đàn heo, do đó người nuôi heo ở đây mạnh dạn tăng đàn.
“Hiện tổng đàn heo trên địa bàn huyện Hoài Ân đang có gần 210.000 con, tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái. Mấy năm nay dịch bệnh trên đàn gia súc ổn định trên toàn quốc, nơi nào cũng heo lút chuồng, cung vượt cầu nên ép giá heo ngày càng hạ thấp”, ông Vương nhận định.
Heo đầy chuồng, nhưng giá bán thấp nên hiện nay những hộ chăn nuôi heo ở Hoài Ân cứ dùng dằng không muốn bán. Nhưng nếu không bán, heo ngày càng tăng ký, mỡ phát triển thì khi bán giá sẽ giảm thấp hơn gần 10 giá, càng thê thảm hơn.
Đây đang là thời điểm cuối năm, lượng heo xuất chuồng nhiều, cung vượt cầu, ai biết giá bán sẽ còn hạ đến mức nào. Vậy là những hộ nuôi heo ở đây đành lòng bán tháo chuồng để tránh phải chịu lỗ nhiều hơn.
Trưởng Trạm Thú y huyện Hoài Ân, ông Nguyễn Thanh Vương, cho hay: “Hiện nay, tại Hoài Ân mỗi ngày có từ 10 đến 15 xe chở heo thịt (khoảng 500-700 con) đi bán. Thị trường tiêu thụ heo ở Hoài Ân chủ yếu các tỉnh cánh Bắc là Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Thời điểm cuối năm có thêm thị trường mới là Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên. Heo xuất bán nườm nượp, nhưng người nuôi không vui vì họ chỉ biết lỗ chứ không biết đến đồng lãi”.
Related news
Trước tình trạng tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng… các DN không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi bò sữa trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ.
Trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, hầu hết những chân ruộng một vụ ở xã Kim Bình (Kim Bôi - Hòa Bình) bỏ hoang. Tuy nhiên, bằng cách làm sáng tạo, chịu khó của mình, những nông dân ở đây đã biến những chân ruộng 1 vụ thành bãi chăn thả nuôi gà mang lại giá trị kinh tế cao và tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản của gia đình.
Nhận thấy địa bàn xã Bình Tân đất rộng, nhà thưa, ruộng lúa mênh mông… rất thuận lợi để phát triển đàn bò, năm 2012, anh quyết định đầu tư chuồng trại, mua 5 con bò giống (bò ta) về nuôi. Qua thời gian nuôi, nhận thấy hiệu quả mang lại từ giống bò này không cao do chúng vừa nhỏ con, chậm lớn, thời gian phối giống lại kéo dài (17 - 18 tháng tuổi)… anh đành chấp nhận bán chịu lỗ.
Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học Balasa N01 ở tỉnh đã được nông dân quan tâm và ứng dụng nhiều bởi lợi ích đem lại của nó. Việc sử dụng đệm lót sinh học cho chăn nuôi heo đã góp phần làm giảm thải tối đa nguy cơ ô nhiễm và hiệu quả tốt đối với môi trường nhờ hệ vi sinh vật có lợi giúp phân hủy gần như triệt để chất thải. Từ đó làm giảm mùi hôi, bảo đảm môi trường sống có lợi cho vật nuôi và an toàn cho sức khỏe con người.
Tôm nuôi VietGAP nhanh lớn (do mật độ vừa phải), màu sắc đẹp, tỷ lệ sống cao, không bị bệnh, năng suất đạt 15 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, tôm nuôi VietGAP, có giá bán cao hơn tôm nuôi thường 12.000 - 15.000 đồng/kg vì hạn chế hoặc không dùng kháng sinh, do vậy đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu dễ dàng.