Hướng Phát Triển Mới Cho Chăn Nuôi Bò Sữa
Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu của địa phương, giai đoạn 2001-2005, ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển khá, số lượng đàn bò sữa đạt gần 2.800 con (trong đó chăn nuôi tập trung 1 trang trại với quy mô 2.300 con; 19 trại gia đình quy mô từ 16 đến 30 con/trại, đạt gần 500 con).
Sản lượng sữa tươi thành phẩm thời kỳ này đạt gần 20.000 lít/ngày. Tuy nhiên, từ năm 2005, ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, số lượng bò sữa giảm nhanh. Năm 2008, Công ty TNHH một thành viên (MTV) Sữa Lam Sơn (sau đây gọi tắt là Công ty Sữa Lam Sơn) được thành lập, đã không ngừng đầu tư nâng cấp, mở rộng sản xuất, đặc biệt là phát triển đàn bò sữa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành sữa của tỉnh. Cùng với việc đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sữa, Công ty Sữa Lam Sơn luôn quan tâm phát triển nguồn nguyên liệu.
Hiện trang trại bò sữa Thanh Hóa 1 (tại Sao Vàng, Thọ Xuân) có 1.500 con bò được nuôi theo công nghệ tiên tiến trong khâu chăm sóc, nên chất lượng đàn bò phát triển tốt, đạt sản lượng sữa 13.000 lít/ngày, năng suất sữa bình quân đạt gần 22 lít/con bò sữa/ngày. Tuy nhiên, lượng sữa trên cũng mới chỉ cung cấp được khoảng 10% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu của Nhà máy Sữa Lam Sơn.
Tháng 10-2013, trong khuôn khổ Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận, đã có 2 dự án liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi bò sữa tập trung, phát triển vùng nguyên liệu của 2 thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam là TH Milk và Vinamilk cùng được trao giấy chứng nhận đầu tư tại các huyện phía Tây Nam của tỉnh, mở ra hướng phát triển mới cho nghề chăn nuôi bò sữa của Thanh Hóa.
Với dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp, có tổng mức đầu tư 166 triệu USD, quy mô nuôi 20.000 con bò sữa trên diện tích khoảng 2.935 ha, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH (thuộc Tập đoàn TH) đầu tư tại 2 huyện Như Thanh và Nông Cống, dự kiến bắt đầu từ năm 2014 và hoàn thành năm 2016.
Tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Trung tâm các trang trại chăn nuôi bò sữa chất lượng cao, được đầu tư giữa Vinamilk và Công ty TNHH MTV Thống Nhất (Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư 76 triệu USD, có quy mô nuôi 25.000 con bò sữa trên diện tích 1.600 ha, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2014.
Việc thành lập Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất với 17 ngành, nghề kinh doanh, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, vốn điều lệ là 600 tỷ đồng (phía Vinamilk góp 570 tỷ đồng, chiếm 95%), Vinamilk đã chính thức đặt chân vào Thanh Hóa với quyết tâm cao về một vùng nguyên liệu.
Tại huyện Như Thanh, từ năm 2009, huyện đã chủ động tiếp cận với Công ty Sữa Lam Sơn, mời doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp: Quy hoạch khu trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, quy hoạch vùng trồng nguyên liệu trên diện tích hơn 300 ha...
Đến thời điểm này, Vinamilk đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ đầu tư xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại thôn Phú Quang, xã Phú Nhuận, quy mô 2.000 con, tổng vốn đầu tư hơn 224 tỷ đồng, trên diện tích 34 ha. Huyện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, công ty đang làm đường vào khu trang trại. Dự kiến tháng 1-2014, trang trại sẽ được khởi công xây dựng, đến tháng 9-2014 sẽ đón lứa bò đầu tiên. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là trang trại chăn nuôi hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.
Trang trại vừa là nơi ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào chăn nuôi bò sữa, từ đó sẽ đưa kỹ thuật chăn nuôi bò sữa nhân rộng cho nhân dân, cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu đạt chất lượng cao cho nhà máy chế biến; mặt khác là nơi cung cấp bò sữa giống có chất lượng tốt, phục vụ cho mục tiêu nhân đàn nhanh ra phạm vi toàn tỉnh. Ngoài việc cung cấp nguồn thức ăn cho trang trại, các hộ nông dân trong vùng có thể tham gia đầu tư nhân lực, vốn, đất đai lập trang trại chăn nuôi bò sữa.
Họ sẽ được hỗ trợ huấn luyện đào tạo nghề nuôi bò sữa bài bản, được Vinamilk tư vấn, hỗ trợ giám sát để xây dựng được hệ thống trang trại đạt chuẩn, từng bước tăng năng suất, chất lượng sữa tươi và tiết kiệm chi phí. Sản phẩm sữa được bán trực tiếp cho hệ thống thu mua tại chỗ của Vinamilk. Cũng trong năm 2013, Tập đoàn TH đã về huyện để khảo sát, đầu tư dự án xây dựng vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa.
Tại huyện Nông Cống, khi đón nhận chủ trương của tỉnh, lãnh đạo và nhân dân trong huyện rất đồng tình và háo hức chờ đón dự án sớm được triển khai, tạo bước chuyển mới trong phát triển chăn nuôi bền vững tại địa phương. Nếu dự án được triển khai, sẽ giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, tận dụng được nguồn phụ phẩm sau thu hoạch mà nông dân Nông Cống đã bán rơm – thứ phụ phẩm thường phải đốt bỏ sau vụ lúa cho Công ty TH Milk.
Tuy nhiên, huyện Nông Cống cũng mong muốn chủ đầu tư, các ban, ngành liên quan cần nghiên cứu, xem xét việc triển khai dự án để tránh chồng chéo với các quy hoạch khác; cần chú trọng bảo vệ môi trường. Trong đó, vấn đề giải quyết chế độ, việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất... được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm.
Năm 2014, khi 2 thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam chính thức đầu tư tại các huyện phía Tây Nam của tỉnh sẽ mở ra hướng phát triển mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Người nông dân sẽ thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư vốn lớn, học tập khoa học - kỹ thuật bài bản để phát triển một cách bền vững.
Với việc đầu tư các dự án chăn nuôi bò sữa, các doanh nghiệp đang tiếp tục hướng đến cùng nông dân nâng cao trình độ sản xuất ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn và khả năng cạnh tranh cao trong cơ chế thị trường.
Related news
Phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và quê hương; Gìn giữ tiếng nói, nét đẹp văn hóa nhưng kiên quyết xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của dân tộc mình... Mỗi người mỗi việc nhưng họ thực sự góp phần làm đẹp hơn cho bản làng mình.
Hàng triệu ha đất của các nông - lâm trường trong 10 năm chỉ nộp ngân sách được hơn 1.800 tỷ đồng. Tính ra mỗi ha chỉ nộp được 90.000 đồng, tức là khoảng 10kg gạo loại thường.
Ở cụm 2, xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ - Hà Nội) có mô hình trồng rau trong nhà màng công nghệ mới với hệ thống tưới, bón hoàn toàn khép kín cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Đó là vườn rau của ông Vũ Văn Sáu.
Nhiều ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tạo nên các trận lũ (từ trên các núi tuôn xuống), mang theo cát bùn nhấn chìm hàng trăm ha lúa ruộng ven chân núi của nông dân huyện miền núi Tri Tôn, An Giang.
Con gà mái 2 năm tuổi bỗng nhiên mọc sừng như tê giác khiến nhiều người dân hiếu kỳ trong vùng đến tận nhà xem và ra giá đến 10 triệu đồng.