Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vua giống đất Kim Sơn

Vua giống đất Kim Sơn
Publish date: Wednesday. September 16th, 2015

Điều mà những thôn dân ở đây luôn ghi nhận là sự đóng góp của anh Lê Tý, người đầu tiên mang những giống cây trồng mới về trên vùng gò đồi…

Vườn ươm Tịnh Vân với giống cây đạt chất lượng cao, được khách hàng lựa chọn

Đặt chất lượng giống hàng đầu

Sau những tháng ngày rong ruổi trên đất bắc tìm các giống cây trồng mới, giờ đây, vườn ươm Tịnh Vân do anh Lê Tý (44 tuổi) làm chủ đã “đóng chân” được tại thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng. Anh Tý ngồi kể hành trình từ một phu trầm trở thành chủ vườn ươm cây giống lớn nhất vùng: “Mình sinh ra ở vùng đất Thủy Bằng, cũng là thủ phủ của cây dó trầm.

Nhưng cây dó vùng này chủ yếu được các phu trầm mang cây con từ rừng về để trồng chứ chưa ai ươm được từ hạt.

Những năm 1992 - 1993, mình đi buôn trầm thất bát rồi chuyển qua làm phu trầm, băng núi rừng Hà Tĩnh, Nghệ An để tìm vận may. Ăn của rừng cũng chẳng mấy khi bền, mình quyết định lấy giống cây trầm dó ở Hà Tĩnh trở lại quê ở Thủy Bằng để ươm cây bán.”

Từ vườn ươm trong nhà quy mô vài chục ngàn cây, chủ yếu bán cho các thương lái buôn giống và người dân bản địa, anh Tý chuyển dần qua thuê mặt bằng của UBND xã ở thôn Kim Sơn để có đất “cắm” vườn ươm. Giờ đây, vườn ươm rộng gần 1.000m2 của anh đã có vài chục vạn các loại cây dó trầm, sưa đỏ, sến, sao đen, lim, trắc, dạ hương…

Mười mấy năm mở vườn ươm giống cây, anh Tý rút ra được những kinh nghiệm “xương máu” với nghề. Anh kể: “Năm 2008, mình ươm 70.000 cây dó trầm ở nhà và ngoài vườn. Năm đó thời tiết “nghịch”, sương muối xuống nhiều, vườn ươm chết sạch, mất 200 triệu đồng. Do đất bị ô nhiễm, mình không thay đổi đất mà cứ ươm cây nên tiếp tục thua lỗ.”

Sau lần đó, anh Tý đã thay đổi hẳn kỹ thuật về quá trình ươm cây giống của mình. Để phát triển thương hiệu lâu dài, ngoài che lưới vườn ươm tránh thời tiết “nghịch”, anh chú trọng chất lượng cây giống, nâng cao tỷ lệ sống khi đưa cây ra môi trường tự nhiên để trồng.

Tại vườn ươm Tịnh Vân, hiện có 8 vạn cây dó trầm, 2 vạn sến, sao đen… chờ ngày xuất bán. Cứ 3 - 4 tháng thì vườn ươm xuất giống cây bán một lần. Hạt giống được anh Tý tuyển chọn và đặt mua tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh rồi đưa vào ươm.

Anh Tý chia sẻ về nghề: “Với cây dó trầm hiện nay, không chỉ cho các thương lái mà người dân địa phương đi mua rất nhiều. Với giá từ 2 - 2,5 nghìn đồng/cây, mình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/vạn cây. Cây dó trầm tại vườn ươm đạt chất lượng cao vì mình không chú trọng phân, thuốc hóa học. Phân thuốc hóa học làm cho cây to, lá xanh nhưng khả năng thích nghi kém, khi đưa ra môi trường trồng thì đa phần bị chết”.

Ngồi trò chuyện, điện thoại anh Tý luôn trong tình trạng “cháy” khi liên tục có khách hàng gọi đặt mua giống cây. Anh Tý chia sẻ, khoảng 5 năm trở lại đây, chưa năm nào tại vườn ươm đủ giống cây để cung cấp cho thương lái, dân địa phương.

Như năm 2014, anh bán một lượt hết 11 vạn cây dó trầm. Huy động thêm giống cây ngoài Hà Tĩnh thêm 3 vạn đều được đặt mua cả. “Mình làm ăn lâu dài nên ngoài số lượng thì chất lượng cây giống phải luôn đảm bảo, mới có uy tín” - anh Tý trải lòng.

“Quả ngọt” vườn cây

Anh Lê Tý bên vườn cây dó trầm 10 năm tuổi của mình

Giờ những vườn cây dó trầm, bưởi Phúc Trạch, sưa đỏ… của người dân địa phương cho thu nhập cao cũng từ nguồn cây giống đầu tiên của anh Tý. Đất Thủy Bằng vốn được xem là “thủ phủ” của cây dó trầm trên đất Huế, tận dụng vùng nguyên liệu có sẵn, nghề lẩy trầm, làm trầm hương, trầm cảnh đang “hái” ra tiền cũng từ đó mà ra.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng đánh giá: “Hiện, địa phương có 5 cơ sở lớn chuyên làm lẩy trầm, trầm hương, trầm cảnh, thu hút cả trăm lao động. Từ cây giống ở trên rừng mang về trồng, người đân địa phương đã biết mua giống cây dó trầm từ vườn ươm về trồng trong vườn nhà. Vô dầu, khai thác trầm mang lại giá trị kinh tế cao”.

Ngay tại hộ gia đình anh Lê Tý cũng đang trồng 500 cây dó trầm, trong đó khoảng 100 cây đã vô dầu khai thác. Anh Tý chia sẻ: “Cây dó trầm mình trồng đã 10 năm, một số diện tích cho khai thác. Hiện nay mình đang ứng dụng những phương pháp mới khai thác khoa học nhằm đạt chất lượng trầm cao hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, mình vẫn nuôi vườn cây, bởi cây dó trầm càng để lâu càng có giá trị”.

Một giống cây mới mà anh Lê Tý đưa về vùng đất Kim Sơn là giống bưởi Phúc Trạch. Sau 3 năm vườn cây bắt đầu cho trái bói. Anh Tý nhẩm tính: “Hồi đó đất nhà mình trồng mía, với 1 sào được mùa chỉ thu 2 - 3 triệu. Khi chuyển sang trồng bưởi Phục Trạch, vụ đầu tiền tui bán mỗi quả 20 - 25 nghìn đồng, thu gần 10 triệu/sào, gấp 3 - 4 lần trồng mía bà con mới tin”.

Anh Lê Tuất (thôn Kim Sơn) cho biết, khi giống bưởi Phúc Trạch được đưa về, rất ít bà con ở địa phương đón nhận. Thế nhưng, khi gia đình tôi trồng 1 sào với 20 gốc đầu tiên, giống bưởi cho quả to, múi mọng, đậm màu và rất ngọt, dưới thành phố đổ lên mua thì bà con mới rục rịch sang nhà tôi chiết cành về trồng.

Hiện, giống bưởi quý này đã được bà con Kim Sơn nhân rộng trồng và trở thành món “bưởi quà” cho những du khách thập phương đến Huế hoặc lên đặt mua ngay tại vườn.


Related news

Người chăn nuôi gồng mình gánh lỗ Người chăn nuôi gồng mình gánh lỗ

Giá bán heo các loại rớt thảm hại, trong khi giá thức ăn thì lại tăng vọt khiến việc chăn nuôi nông hộ cũng như gia trại, trang trại đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều người còn lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần…

Thursday. June 25th, 2015
Vụ hè thu ở Krông Nô khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất Vụ hè thu ở Krông Nô khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất

Vụ hè thu 2015, toàn huyện Krông Nô có kế hoạch gieo trồng trên 13.000 ha cây trồng các loại; trong đó, lúa: 2.642 ha, ngô: 9.000 ha, khoai lang: 180 ha, đậu nành: 112 ha, đậu xanh: 40 ha, rau các loại: 260 ha…

Thursday. June 25th, 2015
Tăng cường biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ hè thu Tăng cường biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ hè thu

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay nguy cơ sâu bệnh, dịch hại, nhất là rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn luôn tiềm ẩn và có khả năng gây hại đối với cây lúa vụ hè thu. Trong khi đó, với đặc điểm của thời tiết trong vụ phù hợp với điều kiện thích nghi cho các loại sâu bệnh hại nên khả năng rầy nâu phát triển mạnh rất có thể xảy ra.

Thursday. June 25th, 2015
Nhiều diện tích rau màu bị ngập úng Nhiều diện tích rau màu bị ngập úng

Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, những ngày qua trên địa bàn xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) có mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích hoa màu của bà con thuộc ấp Tân Yên bị ngập úng, không thể thu hoạch được. Các loại rau mồng tơi, húng trắng, húng chó… đã bị ngập sâu và thối nhũn.

Thursday. June 25th, 2015
Đồng Tháp học tập kinh nghiệm sản xuất xoài từ Nhật Bản Đồng Tháp học tập kinh nghiệm sản xuất xoài từ Nhật Bản

Ngày 24/6, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản do Giáo sư, Tiến sĩ KENICHI YOSHIDA - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị công ty HYPONeX làm trưởng đoàn có buổi làm việc và tham quan thực tế tại các khu vực sản xuất xoài của thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Về phía tỉnh nhà, tiếp đoàn có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Ngoại vụ...

Thursday. June 25th, 2015