Vua Gà Sao
Niềm đam mê và tinh thần lao động không mệt mỏi đã đưa trung úy Lê Nguyên Ngà (Đơn vị KT 90, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) trở thành “vua” gà sao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.Ngoài đáp ứng thực phẩm sạch cho đơn vị, trang trại gà sao của anh còn mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.Biến ý tưởng thành hiện thựcMặc dù đã hẹn trước, nhưng cuộc gặp giữa tôi với trung úy Lê Nguyên Ngà vẫn chậm hơn dự kiến gần nửa giờ vì anh bận đi chở bèo về làm thức ăn cho gà. “Mình đầu tắt mặt tối với lũ gà, mệt nhưng mà vui”- anh mào đầu câu chuyện bằng giọng nhỏ nhẹ khi dẫn tôi vào trang trại gà sao.
Xuất thân trong một gia đình nông dân ở vùng quê Định Tiến (Yên Định, Thanh Hóa), nên từ nhỏ anh Ngà đã gắn bó với hạt lúa củ khoai, con gà con vịt. Khi vào quân đội và trở thành nhân viên hậu cần của Đơn vị KT 90 (đóng tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), anh luôn mong muốn phải làm được việc gì đó để cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Khổ nỗi, khu vực đơn vị đóng quân là vùng đất sỏi đá cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, nên tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng không dễ dàng.
Ý tưởng chọn vật nuôi phù hợp lóe sáng trong một lần anh cùng các cán bộ, chiến sĩ đơn vị đi giúp người dân các địa phương trên địa bàn thị xã Hương Thủy chạy lũ. Lần đó, anh thấy các sông trên địa bàn có rất nhiều bèo tây và nghĩ phải tìm ra loại vật nuôi ăn thứ bèo này. Từ đó, anh tìm đọc các tài liệu về chăn nuôi và biết vật nuôi vừa thích hợp với nguồn thức ăn này, vừa mang lại hiệu quả kinh tế là gà sao.
Được sự chấp thuận của đơn vị, anh lập tức khăn gói vào các tỉnh miền Tây như Long An, Vĩnh Long, Bến Tre tìm mua giống gà sao đưa về nuôi. Tại các địa phương này, anh tranh thủ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi gà sao của các chủ trang trại.
Sau chuyến đi, anh mua về 80 con gà sao bố mẹ. “Trên đường mình đưa gà sao từ miền Tây về đơn vị, người nào thấy cũng hỏi mua chim gì mà to thế? Lúc đó, loài gia cầm này còn rất mới mẻ với người dân, nhất là ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên”- anh kể.
Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi và có nguồn thức ăn phong phú, nên chỉ sau hơn 3 tháng thả nuôi, đàn gà của anh đã phát triển lên gần 800 con. Để thuận lợi cho việc nhân giống gà, anh đầu tư mua lò ấp và ấp nở ngay tại trang trại. Hữu xạ tự nhiên hương, rất nhiều người dân ở các tỉnh từ miền Bắc đến Tây Nguyên tìm đến trang trại của anh mua gà giống. Từ đó đến nay, đã có 55.000 con gà giống được anh xuất đi các địa phương.
Cùng với gà giống, hàng năm, trang trại của anh còn xuất lượng lớn gà thịt thương phẩm. Ngoài đáp ứng nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ Đơn vị KT 90, gà thịt của Trung úy Ngà còn “làm mưa làm gió” trên thị trường các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên.
Đặc biệt, biết đến tên tuổi của anh, rất nhiều đơn vị trong Tổng cục Kỹ thuật và Bộ Chỉ huy quân sự các địa phương đã đặt mua gà giống và cử người đến học hỏi kinh nghiệm nuôi. “Hiện trang trại của mình là địa chỉ nuôi gà sao quy mô lớn nhất khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Mỗi năm có hàng chục đoàn trong và ngoài quân đội đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm và mua gà giống”- anh Ngà phấn khởi kể.
4 năm không nghỉ trưa
Sau khi gặt hái được thành công lớn từ gà sao, anh phát triển nuôi thêm gà Ai Cập, H’ Mông, gà ri và chim trĩ. Nói về bí quyết thành công của mình, anh bảo không có gì khác ngoài niềm đam mê và tinh thần vượt qua gian khổ. “4 năm rồi ngày nào mình cũng thức dậy từ 4 giờ sáng, đi ngủ lúc 12 giờ đêm và không ngày nào ngủ trưa để dành thời gian “sống” với đàn gà”- anh tâm sự.
Là sĩ quan kỹ thuật, nhưng từ ngày “bén duyên” với gà sao, anh Ngà không khác gì một nông dân thực thụ. Ngày nào anh cũng bận túi bụi với việc đi vớt bèo mang về chế biến thức ăn cho gà, kiểm tra sức khỏe đàn gà cho đến việc xuất giống, hướng dẫn các đoàn đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi gà của mình.
Anh Ngà bảo, nuôi gà sao cũng như làm bất cứ việc gì khác, muốn thành công phải đổ đến giọt mồ hôi cuối cùng. Gà sao tuy dễ nuôi vì sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh, nhưng nếu lơ là chăm sóc thì gà sẽ chậm lớn và hiệu quả kinh tế sẽ thấp. Gắn bó với gà sao như vậy nên anh hiểu loài gà này còn hơn cả... kỹ sư chăn nuôi. Chỉ cần nhìn gà mới nở là anh biết con trống hay con mái, con khỏe hay con yếu...
Để mở rộng thị trường tiêu thụ gà sao của mình, cuối năm 2010, anh đầu tư thành lập website gasao.com.vn. Website này không chỉ giới thiệu về trang trại gà sao, giới thiệu dịch vụ và sản phẩm, mà còn cung cấp cho người truy cập các chi tiết về kỹ thuật nuôi gà sao cũng như các loại gà khác.
Hết mình với nông dân
Anh Ngà bộc bạch, mô hình nuôi gà sao khiến anh được rất nhiều người biết đến, nhưng điều anh hạnh phúc nhất là nó giúp anh gắn bó với nông dân nhiều hơn. Trong thời gian trò chuyện với tôi, anh nhận được không dưới 5 cuộc điện thoại của người dân nhờ tư vấn xây dựng trang trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà sao. Sau 4 năm gắn bó với giống gà này, ngoài lượng lớn người dân trực tiếp tìm đến trang trại, anh đã có hàng trăm chuyến đi về nhiều vùng miền để hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi gà sao.
Đôi chân anh đã đặt đến các vùng xa xôi hẻo lánh từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung cho đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ để hỗ trợ nông dân. Ở đâu nông dân cần, chỉ cần liên hệ là anh tìm đến. Có chuyến đi dăm ngày, có chuyến kéo dài vài ba tuần. Anh bảo, những chuyến đi đã giúp anh có cơ hội gắn bó với người nông dân nhiều hơn, qua đó tăng cường sự gắn kết của tình quân dân.
Anh coi việc giúp dân phát triển kinh tế là nghĩa vụ của mình nên không bao giờ quản ngại vất vả. Anh chia sẻ: “Mình lớn lên từ hạt lúa củ khoai nên về với dân như là về với gia đình, hạnh phúc lắm! Vui nhất là sau khi được sự tiếp sức của mình, hầu hết các hộ nông dân đều chăn nuôi gà sao hiệu quả và vươn lên làm giàu”.
Nói về mô hình nuôi gà sao của trung úy Ngà, thượng tá Đặng Văn Luận- Phó Chủ nhiệm kỹ thuật Đơn vị KT 90- cho biết, mô hình trang trại này không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, mà còn mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo thượng tá Luận, mô hình chăn nuôi này đã góp phần đưa Đơn vị KT 90 trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quân về phong trào tăng gia sản xuất.
Related news
Nhằm thay thế giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm
Dự kiến trong tháng 9 này, TX Ngã Bảy sẽ là đơn vị "huyện NTM" đầu tiên của tỉnh Hậu Giang.
Những năm qua, cùng với nỗ lực tái cơ cấu SXNN, nông thôn của các ngành, các cấp, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhiều nông dân đã biết phát huy thế mạnh, tiềm năng của mình để vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Đồng Nai là tỉnh đi đầu về xây dựng NTM trên cả nước. Trong chương trình xây dựng NTM ở nhiều địa phương của tỉnh này, có phần đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng.
Người dân thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định) gọi ông Nguyễn Văn Xích (SN 1946) là “ông Xích nông thôn mới”.