Tăng thu nhập nhờ đòn bẩy kinh tế biển
Theo UBND huyện Cần Giờ, tổng sản lượng thủy, hải sản khai thác trong 9 tháng vừa qua đạt 40.340 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ và đạt 70% kế hoạch.
Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 20.850 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ.
“Hốt bạc” từ tôm, hàu...
Đại diện UBND huyện Cần Giờ cho biết, sản lượng khai thác thủy, hải sản của huyện tăng thời gian qua là do được sự quan tâm hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề nuôi của huyện.
Riêng sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong 9 tháng qua đạt 7.390 tấn (tăng 86,8% so với cùng kỳ).
Hiện toàn huyện có hơn 1.500ha thả nuôi tôm.
Nông dân thu hoạch hàu nuôi tại ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa, Cần Giờ.
Anh Phạm Duy Khánh đang nuôi thả 8ha tôm thẻ chân trắng ở xã Lý Nhơn cho biết, mỗi năm anh thu hoạch 2 vụ, sản lượng từ 8 – 10 tấn tôm/ha/vụ.
“Mặc dù thời gian qua giá tôm không cao, tuy nhiên sản lượng vẫn đạt yêu cầu nên lợi nhuận của gia đình tôi không bị giảm nhiều.
Chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân nuôi trồng thủy, hải sản nên tôi cũng rất yên tâm đầu tư cho con tôm thẻ”- anh Khánh nói.
Bên cạnh con tôm, hàu cũng đang là đối tượng nuôi đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Cần Giờ.
Hiện toàn huyện có khoảng 200ha nuôi hàu, tập trung tại các xã: Long Hòa, Thạnh An, Cần Thạnh, Lý Nhơn, sản lượng bình quân khoảng 7.000 tấn/năm, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha.
“Thời gian qua, nghề nuôi hàu ở Cần Giờ phát triển mạnh cả diện tích lẫn số lượng người nuôi, tuy nhiên sản lượng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu. Vì vậy, chính quyền địa phương đang cho rà soát thêm các đoạn sông để người dân đẩy mạnh nghề nuôi hàu” - anh Võ Văn Phẳng – cán bộ thủy sản (Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ) cho biết.
Con nghêu cũng được nông dân huyện Cần Giờ thả nuôi nhiều với sản lượng thu hoạch gần 7.500 tấn/năm.
Bên cạnh đó là các mô hình nuôi trồng thủy, hải sản mới, nhiều tiềm năng, như nuôi cá bớp, cá dứa, cá chẽm...
Điều đáng mừng là năm nay, nghề bắt đánh thủy sản của ngư dân Cần Giờ cũng gặt hái nhiều thành công khi giá nhiên liệu liên tục giảm từ đầu năm, sản lượng khai thác tăng trưởng tốt.
Theo đó, toàn huyện hiện có 41 phương tiện đánh bắt xa bờ, đã hình thành 6 tổ hợp tác hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất.
Sản lượng thủy, hải sản đánh bắt trong 9 tháng qua đạt gần 20.000 tấn.
Phát huy vị thế chủ lực của thủy sản
Theo ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, thời gian qua cơ cấu nông nghiệp ở huyện có sự dịch chuyển nhất định trong nội bộ ngành, nhưng thủy sản vẫn là ngành kinh tế chủ lực chiếm trên 95% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp.
Xác định thủy sản là ngành kinh tế chủ lực, nên Cần Giờ sẽ tiếp tục duy trì nghề nuôi thủy sản dưới nhiều hình thức.
Ông Dũng cũng cho biết, để khai thác tốt lợi thế kinh tế biển, trong giai đoạn 2011 – 2015, hằng năm huyện hỗ trợ lãi vay bình quân 700 tỷ đồng/năm cho trên 1.500 hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Hiện, tại 6 xã xây dựng NTM có 5 HTX, 21 tổ hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
“Thời gian tới, nhiều mô hình sản xuất thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản sẽ được triển khai để góp phần nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả sản xuất trên mỗi ha đất, nhằm tăng thu nhập cho người dân” - ông Dũng nói.
Theo ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, huyện Cần Giờ vẫn còn một số xã chưa hoàn thành tiêu chí thu nhập (theo chuẩn TP.HCM).
Do vậy, huyện đang cố gắng hoàn thành tiêu chí này bằng việc đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thủy sản - một lợi thế của địa phương.
Trong 5 năm xây dựng NTM, tốc độ tăng trưởng thủy sản của huyện đạt l10,1%/năm.
Hiện trên địa bàn huyện có 1.547ha nuôi tôm, gần 200ha nuôi hàu, 800ha nuôi nghêu thịt, 1.000ha sản xuất muối trải bạt...
Tổng sản lượng nông sản các loại bình quân 145.000 tấn/năm; giá trị sản lượng trên 3.000 tỷ đồng/năm.
Related news
Phát triển cây thanh long của tỉnh trong thời gian qua đã có những bước phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn các huyện trồng thanh long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo ông Lư Hồ Bi (thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa) nhẩm tính: “ Gia đình tôi trồng trên hai sào đất (2.000m2) thu hoạch được khoảng 14 - 15 triệu đồng (giá bình quân 10.000đ – 12.000đ/kg), sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn lại khoảng 9 triệu – 10 triệu đồng, so với lúa cao gấp 2 lần. Có thời điểm giá 1 kg gương sen lên 20.000 đồng/kg thì lợi nhuận sẽ cao hơn”.
Năm 1989, 10 anh em của anh Tài góp vốn đóng tàu 200 CV. Sau 4 năm khai thác hiệu quả ở ngư trường Trường Sa, các anh lại góp vốn đóng thêm chiếc tàu 400CV. Hiện tàu này cũng đang hoạt động ở Trường Sa. Trong năm nay, khi biết Nhà nước có chủ trương cho vay đóng tàu trên 400CV, các anh bàn nhau lập dự án vay đóng tàu 700CV.
Đến giữa tháng 11/2014, tổng dư nợ của Agribank Phan Thiết đạt gần 647 tỷ đồng. Trong đó có 16,623 tỷ đồng được 81 khách hàng vay để đánh bắt xa bờ, làm dịch vụ nghề cá…; 13,873 tỷ đồng được 79 khách hàng vay để đóng tàu từ 170 - 400cv, 1 tàu chuyên đánh bắt xa bờ 420cv và 1 tàu hậu cần nghề cá công suất 650cv.
Hiện giá cao su đang quanh mức thấp nhất 5 năm. Hợp đồng kỳ hạn tham khảo trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) đã chạm mức thấp nhất 5 năm là 173,8 yen/kg hồi đầu tháng 10, và từ đó đến nay chỉ hồi phục nhẹ, hiện ở mức 206 yen (1,78 USD)/kg, vẫn thấp hơn 25% so với hồ đầu năm.