Vụ Hành Không Vui
Sau gần 3 tháng, hành tím Lý Sơn xuống giống hồi tháng giêng nay đã cho thu hoạch. Hành vụ này hầu hết là được mùa, được giá, nhưng nông dân đất đảo vẫn kém vui.
Mỗi năm nông dân Lý Sơn canh tác 3 vụ hành, 1 vụ tỏi. Vụ tỏi đông xuân vừa qua hầu như không có lãi, nông dân đặt bao kỳ vọng vào mùa hành đầu tiên trong năm nay – vụ “hành tưới nước”. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa đạt được kỳ vọng ở vụ hành này.
Từ huề đến lỗ
Từ sáng sớm, nông dân đã kéo nhau ra đồng vần công nhổ hành, cắt củ, chuyển về nhà. Hành chất cao thành từng đống, nhưng câu chuyện “sống nhờ hành” của nông dân đất đảo lại chẳng mấy vui.
Chủ tịch Hiệp hội Hành tỏi Lý Sơn Trương Văn Quả đang thu hoạch hơn một sào hành tím của gia đình. Là người gắn liền với danh hiệu “nông dân giỏi” trong trồng hành, năng suất hành của gia đình ông Quả lúc nào cũng cao nhất cánh đồng thôn Đông, An Hải. Một sào ông Quả thu đến 500 – 600kg hành. Nhưng ông Chủ tịch Hiệp hội Hành tỏi này vẫn bảo: “Chỉ huề vốn, không có lãi”.
Lý giải điều này, ông Trương Văn Quả cho biết: Giống, phân, thuốc, dầu chạy máy tưới nước mỗi sào vào khoảng 10 triệu đồng. Thu hoạch hành bán giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg, tính ra một sào được khoảng 11 triệu đồng. Nhà nào có nhân công không phải thuê người làm thì mỗi sào thu được 1 triệu đồng. Nhưng nhà nào không có người làm, phải đi thuê mướn nhân công thì coi như tiền bán hành không đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra.
Nhiều nông dân than thở về một vụ hành kém vui. Bà Bùi Thị Ba, thôn Đông, xã An Hải, cho rằng, chi phí trồng hành ngày một tăng cao, nên dù hành có được mùa, được giá thì cũng khó có lãi như trước đây.
Khi trước, sản xuất hành chủ yếu là trồng xuống, tưới nước, bón ít phân là đến ngày hành cho thu hoạch. Rất hiếm khi gặp trắc trở như bây giờ. “Vụ này, hành vừa xuống giống bén rễ gặp không khí lạnh tăng cường, mưa liên miên khiến hành bị hư hết, phải trồng lại.
Sau đó, gặp nắng hạn, sương muối, hành chậm phát triển, phải tăng cường bón phân, tưới nước, chi phí đội lên gấp vài ba lần so với vụ hành cùng kỳ năm trước. Nhổ hành xong, bán, tính ra chưa đủ bù đắp chi phí”– bà Ba nói.
Dự báo thu hẹp diện tích trồng hành
Chưa có con số chính thức về diện tích cây hành bị thu hẹp hằng năm, nhưng bất cứ ai ra đảo Lý Sơn vào mùa này cũng đều có thể nhận thấy rằng mùa này ở Lý Sơn không chỉ có cây hành! Trên cánh đồng rộng lớn khu Tây xã An Vĩnh và An Hải, cây bắp lai, đậu phụng hầu như chiếm trọn diện tích.
Những năm trước, mùa này diện tích ấy trồng toàn hành tím. Lý do nông dân Lý Sơn chuyển từ trồng hành tím sang trồng các loại cây màu khác là do chi phí sản xuất hành tăng cao, giá cả lên xuống thất thường, trồng hành không có lãi. Trong khi trồng các cây hoa màu khác, chi phí thấp, giá bán ổn định. Tuy nhiên, sự thay đổi cơ cấu cây trồng từ hành tím sang bắp, đậu phụng quá lớn cũng gây ra không ít băn khoăn…
Ông Trương Văn Quả - Chủ tịch Hiệp hội Hành tỏi Lý Sơn cho rằng: Hành, tỏi Lý Sơn đã trở thành thương hiệu. Thậm chí Lý Sơn còn được gọi là “Vương quốc của hành, tỏi”.
Nhưng nay nông dân thấy sản xuất cây màu khác có thu nhập khá hơn cây hành mà ồ ạt chuyển sang trồng bắp lai, đậu phụng thì diện tích, sản lượng hành của Lý Sơn sẽ chẳng còn bao nhiêu. “Lý Sơn mà không gắn liền với cây hành, cây tỏi thì sẽ chẳng còn là vương quốc hành, tỏi nữa.
Vì vậy nông dân Lý Sơn rất cần sự quan tâm của chính quyền và ngành nông nghiệp để có thể sống tốt nhờ trồng hành. Đó cũng là giải pháp giữ vững diện tích trồng hành trên đảo”- ông Trương Văn Quả kiến nghị.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho rằng, huyện rất băn khoăn trước khó khăn của nông dân và đang thực hiện thí điểm mô hình sản xuất hành, tỏi bền vững với nhiều giải pháp canh tác cải tiến.
Đồng thời, huyện sẽ tăng cường kiểm soát hành vi giả mạo thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn để có biện pháp can thiệp kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân, giữ vững diện tích canh tác hành tỏi của huyện. “Cùng với tập trung phát triển thế mạnh kinh tế biển, thì sản xuất hành, tỏi cũng được Lý Sơn rất chú trọng. Tuy nhiên, để có giải pháp hữu hiệu cần phải đầu tư thời gian, kinh phí thỏa đáng” – bà Phạm Thị Hương cho biết.
Related news
Nguyên nhân là do nhiệt độ ban ngày tăng cao và trong thời gian dài khiến cho khả năng kháng bệnh của tôm giảm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, dù bố trí lịch thả giống chậm hơn mọi năm và khuyến cáo nông dân chuẩn bị kỹ điều kiện nuôi nhưng mấy ngày qua, tôm nuôi trên địa bàn vẫn bị chết hàng loạt.
Ở phía Bắc, cá chép, cá trắm giòn… không còn xa lạ nhưng với nông dân miền Tây, đây là loài nuôi hoàn toàn mới. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin kỹ thuật, tìm tòi học hỏi tài liệu, ông Phạm Đăng Thập (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã thành công khi đem cá chép giòn về nuôi thương phẩm.
Cần đổi mới công nghệ bảo quản hải sản mới nâng cao được chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Trong ảnh: Cá ngừ (bò) được bốc lên xe đưa vào nhà máy chế biến thủy sản.
Các hộ nuôi cá lóc đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì giá đang giảm thấp, môi trường nuôi ngày một xuống cấp, chi phí đầu tư tăng cao
Trong khi trang trại đang gặp khó khăn về diện tích, vốn đầu tư thì nhiều mô hình chăn nuôi gia trại tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.