Vốn Nhỏ Ý Nghĩa Lớn
Hiện nay, Hội LHPN phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) có trên 1.200 hội viên, sinh hoạt ở 32 chi hội, trong đó một số hội viên kinh tế còn khó khăn, đời sống bấp bênh do không có thu nhập ổn định.
Để giải quyết vốn vay cho những hội viên khó khăn, hàng năm Hội LHPN phường Mường Thanh phát động nhiều phong trào như: “Phong trào hội viên giúp nhau cho vay vốn không lấy lãi”; “Chương trình tiết kiệm tín dụng”. Đặc biệt, phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”; “Ống tiền tiết kiệm” đã đạt hiệu quả tích cực. Từ đó, mỗi năm đã có hàng trăm lượt phụ nữ nghèo được vay vốn không lấy lãi phát triển các mô hình kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Mường Thanh cho biết: Chương trình tiết kiệm tín dụng (TKTD) của Hội phụ nữ phường đến nay đã duy trì được 27 cụm, với 741 thành viên tham gia, với số tiền gửi tiết kiệm là 150 triệu đồng. Số tiền này dành cho hội viên vay không lấy lãi ở 21 nhóm, với gần 100 hội viên được vay vốn.
Phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” và “Ống tiền tiết kiệm”, huy động tiết kiệm được 120 triệu đồng và trên 500kg gạo, đã cho 26 hội viên vay không lấy lãi trong vòng 1 năm. Tuy số tiền được vay không lớn, chỉ từ 500.000 - 5 triệu đồng/người/năm, song đã giúp nhiều chị em có vốn để phát triển mô hình hình kinh tế nhỏ, nuôi con cái ăn học; giải quyết những việc đột xuất trong cuộc sống...
Một trong những mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay TKTD là mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Các hội viên tận dụng diện tích sân thượng, trái nhà, quây kín lưới sắt nuôi chim. Lúc đầu khi còn ít vốn, các chị mua vài đôi chim giống, chim bồ câu Pháp dễ nuôi, cho ăn thóc, ngô và thức ăn công nghiệp; thời gian sinh sản từ 1,5 - 2 tháng/lứa, với giá bán ngoài thị trường từ 200.000 - 250.000 đồng/đôi chim non.
Chim bồ câu Pháp ít bị nhiễm bệnh, dễ gây giống nhân đàn. Hiện nay, nhiều hội viên có thu nhập khá nhờ nuôi chim bồ câu Pháp.
Bên cạnh mô hình nuôi chim hiệu quả từ đồng vốn TKTD, mô hình nuôi lợn nái trong những năm trở lại đây được nhiều hội viên phụ nữ áp dụng hiệu quả.
Để đồng vốn TKTD hiệu quả, hàng năm các chi hội lựa chọn những hội viên có nhu cầu vay vốn, hội viên làm đơn có xác nhận của chi hội trưởng chi hội phụ nữ, sau đó tùy vào từng trường hợp cụ thể để được giải quyết lượng vốn vay. Hàng tháng, hàng quý, chi hội đều kiểm tra tình hình thực tế hội viên sử dụng đồng vốn; nhằm phát huy hiệu quả.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phát triển mô hình kinh tế và tạo thu nhập ổn định, nên nhiều năm qua, nguồn vốn vay TKTD của Hội LHPN phường Mường Thanh không có trường hợp nợ quá hạn, nợ khê đọng. Qua kiểm tra theo dõi các hoạt động ở cụm, tổ vay vốn đã có 15 cụm quản lý vốn xuất sắc, 10 cụm tiên tiến và 2 cụm trung bình.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hương cho rằng: Thông qua chương trình TKTD đã tạo cho chị em thói quen chi tiêu tiết kiệm, quản lý tốt vốn vay. Có vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Khi đồng vốn được quay vòng, làm ăn có lãi, nhiều chị em mua sắm được tiện nghi sinh hoạt; sửa nhà cửa, tạo điều kiện cho con em học hành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên. Hiện đã có trên 700 hội viên có cuộc sống khá giả, trên 200 hội viên thoát nghèo, nhờ biết sử dụng nguồn vốn đúng cách.
Related news
Cái tên “Hà Độ” được nhiều người biết đến ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) bởi ông là người trồng rau an toàn (RAT) giỏi. Hiện gia đình ông trồng rau trên diện tích trên 1.500m2, mỗi năm trừ tất cả mọi chi phí vẫn còn thu nhập trên 180 triệu đồng.
Việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học (chế phẩm Balasa N01) trong chăn nuôi mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với chăn nuôi thông thường. Tuy nhiên, việc ứng dụng đệm lót sinh học vẫn cần những cải tiến mới và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp để mô hình này có thể nhân rộng trong cả nước.
Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.
Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...
Khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giá bán các loại trái cây chủ lực tại vườn đồng loạt giảm, bình quân giảm từ 2.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, tùy theo từng loại trái. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn.