Ứng Phó Với Hạn
Nông dân trên địa bàn huyện Núi Thành, Đại Lộc phập phồng nỗi lo mất mùa vì hàng loạt diện tích lúa và hoa màu bị khô hạn nặng do nhiều hồ chứa cạn kiệt nước... Để chống hạn cho cây lúa đang thời kỳ đứng cái, làm đòng, các địa phương đang xoay xở nhiều phương án ứng phó.
Nhiều “điểm nóng” khô hạn
Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT Núi Thành cho biết, ngay sau khi kết thúc việc thu hoạch vụ lúa đông xuân 2012 - 2013, ngành nông nghiệp huyện nhanh chóng chuẩn bị tốt các phương án đối phó với hạn trong vụ sản xuất hè thu 2013 này.
Do hồ chứa Thái Xuân không trữ đủ lượng nước như mọi năm nên sau khi bàn bạc, địa phương quyết định cắt giảm gần 200ha đất sản xuất lúa nằm ở những khu vực cuối kênh thuộc hệ thống tưới của công trình thủy lợi trọng yếu này. Dù đã chủ động cắt giảm diện tích sản xuất ngay từ đầu vụ nhưng do gần 3 tháng qua nắng nóng kéo dài trên diện rộng, hàng loạt hồ chứa và đập dâng tiếp tục cạn kiệt khiến nhiều đồng lúa trên địa bàn huyện Núi Thành bị thiếu hụt nước tưới trầm trọng.
Ông Hưng cho biết, hiện các hồ chứa lớn như Hố Mây, Đồng Nhơn, Thái Xuân, Hố Trầu đang trong tình trạng không đủ nước, vì vậy ít nhất 500ha lúa tại xã Tam Nghĩa, Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp… phải chịu cảnh khô hạn nặng. Không chỉ mực nước của các hồ chứa và đập dâng tụt giảm mạnh, hiện nay hệ thống kênh mương tại nhiều địa phương bị xuống cấp nghiêm trọng cũng gây không ít khó khăn cho công tác tưới tiêu ở huyện Núi Thành.
Lâu nay, ruộng đồng tại khu vực Đồng Giao, Hà Nha, Hà Thanh (Đại Đồng, Đại Lộc) đã trở thành “điểm nóng” về khô hạn khi nhiều hồ, đập, khe suối vốn là nguồn cung cấp nước cho sản xuất lúa tại đây gần như khô kiệt nước vào mùa nắng. Ông Trần Thanh Min - phụ trách thủy lợi Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Đại Đồng (HTX Đại Đồng) cho biết, toàn xã có 3 hồ đập tưới cho khoảng 120ha lúa chủ yếu là nguồn nước tự chảy nên hay bị “treo” nước mỗi khi tiết hạn tới. Thời điểm gieo sạ vụ hè thu vừa rồi, nếu không có đợt mưa lớn thì không biết ứng phó ra sao. Thời điểm này, các hồ đập khô nước, cây lúa lại đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường và không có mưa, năng suất sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Đại Đồng có 6 trạm bơm có công suất phục vụ tưới cho 200ha, trong đó 3 trạm bơm sát sông là Cầu Phao, Hà Thanh - Vĩnh Phước và Lam Phụng luôn bị cát bồi lấp. Để ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới, HTX Đại Đồng thường xuyên nạo vét cát đưa nước sông vào trạm bơm, có khi phải vét sâu gần 2m mới có thể đưa được nước vào. “Một điểm đáng lo nữa là Bàu Sấu - nguồn cung cấp nước tưới cho 50 - 60ha lúa của xã gần đây đã bị khô cạn nước.
Nếu trước đó để chống hạn, HTX phải dùng trạm bơm Cầu Phao và Lam Phụng dợi nước từ sông vào Bàu Sấu cung cấp cho đồng ruộng. Nhưng mùa khô này, nước sông cạn dòng, khó có thể triển khai phương án này. Nếu tình hình khô hạn diễn ra đúng vào giai đoạn quan trọng cây lúa trổ đòng thì năng suất bị giảm sút hay thất thu có thể xảy ra” - ông Min nói.
Khoảng 28ha lúa của thôn Tân Đợi (xã Đại Sơn, Đại Lộc) trải dài trên 3 cánh đồng luôn bị khô kiệt nguồn tưới do sông Vu Gia và khe suối khu vực này thường bị cạn dòng vào mùa nắng. Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, để đảm bảo nước tưới cho mùa vụ, địa phương tích cực làm phương án chống hạn như kè, hút bồi tạm thời, sử dụng nguồn nước chủ yếu từ khe, sông bơm lên đồng ruộng cứu hạn.
Tuy nhiên, 3 trạm bơm tại 3 cánh đồng công suất quá nhỏ, không đáp ứng cho việc tưới tiêu. Địa phương tính đến phương án nâng công suất của trạm bơm, củng cố kênh mương nội đồng. Phương án thiết kế đập tràn để chặn dòng nước Khe Hoa dâng nước vào bể hút 2 trạm bơm Đồng Đụn, Đồng Cay để tích nước phục vụ cho mùa màng dự trù kinh phí lên đến 800 triệu đồng.
Trong khi đất sản xuất lúa liên tục gặp khó khăn về nguồn tưới thì toàn bộ diện tích sản xuất hoa màu tại nhiều địa phương ở Đại Sơn bị “treo” nước, dần trở nên hoang hóa. Nằm ở địa bàn đập Khe Tân nhưng khu vực đồng Lỗ Lưới (thôn Xuân Tây, xã Đại Tân) với 3ha rơi vào tình trạng thiếu nước tưới vì kênh tưới quá thấp, xa nguồn nước nên việc sản suất của bà con hết sức khó khăn.
Xoay xở chống hạn
Trước nguy cơ nhiều cánh đồng lúa bị thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước tưới vào thời điểm gần cuối vụ hè thu 2013, huyện Núi Thành đã chi hơn 1,8 tỷ đồng để chủ động triển khai những phương án chống hạn tối ưu. Những tháng gần đây hàng loạt biện pháp công trình đã được ngành liên quan và chính quyền các địa phương thực hiện một cách quyết liệt. Theo đó, ngay từ đầu vụ nhiều xã đã tập trung nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi trọng yếu.
Đồng thời, UBND huyện Núi Thành đã đầu tư tu bổ 28 đập dâng và đắp thêm 10 đập bổi, đập thời vụ tại các xã miền núi như Tam Mỹ Tây, Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh với tổng kinh phí 240 triệu đồng. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành thi công 8 công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở 4 xã miền núi này với số tiền khoảng 400 triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Hưng, trong trường hợp xảy ra hạn hán khốc liệt vào cuối vụ hè thu 2013 thì phương án đặt máy bơm dã chiến được xem là cách tốt nhất để chống hạn. Cụ thể, tại xã Tam Nghĩa, ngoài việc ra quân nạo vét tuyến kênh chính thuộc hồ chứa Đập Quang thì sẽ lắp đặt 2 máy bơm có công suất lớn để hút nước từ hồ chứa Hố Mây đưa về cung ứng cho 130ha lúa của địa phương này. Tương tự, ở các xã Tam Hiệp, Tam Mỹ Tây, Tam Mỹ Đông cũng đặt hàng chục máy bơm dã chiến để lấy nước từ hồ chứa Hố Trầu, Đồng Nhơn, Hố Cái, Bàu Vang nhằm đảm bảo phục vụ tưới cho hơn 210ha đất sản xuất.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện Núi Thành sẽ sẵn sàng sử dụng 7 máy bơm dã chiến khác để tận dụng mọi nguồn nước ngọt chi viện khẩn cấp cho các cánh đồng nằm ở những vùng cuối kênh thuộc hệ thống tưới nam hồ chứa Phú Ninh gồm các tuyến N2-9-5, N2-9-6, N6-4, N6-8…
Ông Nguyễn Thái Bình - cán bộ phụ trách thủy lợi Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, để đảm bảo nước tưới phục vụ cho đồng ruộng, ngành nông nghiệp Đại Lộc đã đưa ra nhiều phương án ứng phó. Tại xã Đại Đồng, ngành đã chỉ đạo địa phương tiến hành nạo vét khe suối, nạo vét hồ đập.
Ở trạm bơm, tiến hành nạo vét kênh dẫn, bể hút, tiếp nước từ sông Vu Gia vào các bàu. Đối với diện tích nằm ngoài khả năng hỗ trợ của trạm bơm, phòng chỉ đạo địa phương tính đến phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, triển khai họp dân để thống nhất phương án. Phòng cũng tham mưu cho huyện có công văn yêu cầu thủy điện có lịch xả nước hợp lý để đảm bảo lịch thời vụ.
Tại khu vực đồng Lỗ Lưới (Đại Tân), theo ông Bình, để đưa nước vào đồng ruộng, địa phương cần chọn một trong hai phương án phù hợp, thứ nhất, đào sâu để kênh dẫn của Lỗ Lưới thấp hơn so với kênh chính của đập Khe Tân hoặc đào kênh dẫn nước từ kênh chính Khe Tân vào, làm cảng điều tiết ở kênh chính, sau đó đặt bơm dợi nước vào đồng ruộng.
Còn theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, tính đến nay, công tác phòng chống hạn tại huyện đạt một số kết quả đáng chú ý. Tại xã Đại Đồng, HTX đã tiến hành nạo vét kênh dẫn, bể hút trạm bơm điện Cầu Phao, Máy Trắng, Bàu Gà, nạo vét lòng khe đập Ồ Ồ phục vụ tưới 200ha lúa. Công tác chống hạn tại 2 xã Đại Tân, Đại Sơn đã được triển khai kịp thời. Hiện UBND xã Đại Tân đã cùng với HTX hợp đồng thuê nhà máy nước của Nhà máy Cồn Đại Tân bơm nước sông Vu Gia đổ vào Hố Chình phục vụ tưới 80ha lúa…
Related news
Tháng 7-2014, Câu lạc bộ nuôi hàu Thái Bình Dương của 12 hội viên hội nông dân tại thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh) chính thức được thành lập.
Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có tỷ lệ ngư dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang.
Tận dụng lợi thế vùng vịnh và các khu vực ven biển, những năm gần đây người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa đã chọn nuôi nhiều đối tượng cá biển đa dạng và phong phú như: cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá hồng, cá chim trắng…
Cánh cửa xuất khẩu thu hẹp lại khiến cho những người nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long phải treo ao nhằm tránh thua lỗ.
Có thể sau một đêm đánh bắt, mỗi tàu cá khai thác vùng biển gần bờ có thể kiếm được gần trăm triệu đồng. Trúng cá, giá nhiên liệu lại giảm, cuộc sống ngư dân dường như dễ thở hơn...