Tỷ Phú Ngao Biển
Nơi ấy gần cửa biển vốn là vùng bãi bồi hoang dại, cỏ mọc um tùm chỉ có những loài sú, vẹt tồn tại nhưng có một người đã biến vùng hoang vu ấy thành “kho vàng”, anh trở thành tỷ phú từ nghề nuôi ngao biển và cung ứng ngao giống, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân vùng “chân sóng”. Đó là anh Thái Bá Khang ở Sơn Hải - Quỳnh Lưu.
Chúng tôi tìm về “vựa ngao” Sơn Hải - Quỳnh Thọ - Quỳnh Lưu những ngày đầu năm. Mưa lạnh như cứa vào da thịt nhưng anh Thái Bá Khang vẫn ra chòi canh để chăm sóc ngao biển. Dưới lớp sóng bạc long lanh huyền ảo ấy là cả một “kho vàng” có trị giá cả hàng chục tỷ đồng.
Khang nhớ lại: Hơn chục năm vật lộn với nghề nuôi ngao biển, nhiều khi tưởng như trắng tay, nhưng với ý chí thoát nghèo tôi đã quyết tâm đưa nghề nuôi ngao về với vùng biển Quỳnh Lưu.
Thái Bá Khang sinh năm 1969, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, hết lớp 8 đã phải nghỉ học để theo nghề bắt cua, cào nghêu mỗi khi thủy triều xuống, rồi lại theo bố ra biển đánh bắt hải sản. Gần 20 năm theo nghề biển Khang bỗng nảy ra ý tưởng: Cả một vùng bãi bồi Sơn Hải, Quỳnh Thọ lâu nay bà con làm nghề cào nghêu vất vả nhưng vẫn không đủ ăn, trong khi thị trường ngao lại tiêu thụ rất mạnh.
Mình có thể cải tạo vùng bãi bồi nuôi ngao để làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Khang đưa ý tưởng này bàn với vợ và người thân thì ai cũng can ngăn, lo sợ đi vay tiền để mua ngao giống “ném” xuống biển làm sao mà thành.
Nhưng với lòng kiên định, Khang quyết tâm theo nghề nuôi ngao. Sau khi xin chủ trương của xã Sơn Hải, năm 2001 anh bắt tay vào cải tạo vùng bãi bồi hoang hóa ven biển. Hơn một năm trời vật lộn với nắng gió, Khang đã cải tạo biến vùng bãi bồi thành khu nuôi ngao bằng phẳng.
Năm 2002 tích góp và vay mượn được số tiền gần 200 triệu đồng, Khang khăn gói vào Bến Tre mua 12 tấn ngao giống về thả. Đưa xe ngao giống về mừng chưa kịp lo, chuẩn bị thả xuống bãi triều thì thấy ngao giống chết mất gần 80% số lượng.
Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng không “bảo ôn” được nhiệt độ. Nhiều người tưởng Khang đã nản chí, ai ngờ anh lại quyết định bán đất, bán nhà được 180 triệu đồng để tiếp tục lao vào “canh bạc” ngao giống. Khang còn “ôm” tiền vào Bến Tre mua ngao giống.
Lần này Khang trích kinh phí để thuê “chuyên gia” kèm đưa ngao giống về. Do được bảo vệ trong các thiết bị “bảo ôn” đảm bảo quy định nhiệt độ nên tỷ lệ ngao sống đạt trên 90%. Khi thả xuống bãi triều xong, Khang mới thấy lòng nhẹ nhõm.
Diện tích ban đầu nuôi thả khoảng 3 ha, ngay vụ thu hoạch đầu tiên đã thắng lợi, nhiều người nể phục Khang. Thấy được nghề nuôi ngao phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây, Khang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 6 ha vùng bãi triều, anh đã ra vùng Giao Thủy - Nam Định để lấy giống ngao, vừa đỡ kinh phí đi lại và cung đường ngắn hơn nên tỷ lệ ngao sống cao hơn. Liên tiếp được mua ngao, lợi nhuận anh thu về có năm đạt 3 - 4 tỷ đồng.
Có năm ngao rớt giá chỉ bán được 30% khối lượng còn lại vẫn nằm chờ trong vây dưới bãi. Nhưng theo Khang thì làm ăn có lúc lên lúc xuống phải biết chấp nhận và chờ thời. Tiềm năng nuôi ngao biển là rất lớn, trong khi nhiều diện tích bãi bồi vẫn còn hoang hóa.
Khang đã thuê thêm các diện tích đất bãi của xã, của bà con ở Quỳnh Thọ tăng diện tích trên 30 ha nuôi ngao thương phẩm (diện tích nuôi ngao lớn nhất Nghệ An), tạo công ăn việc làm cho 20 lao động cố định và trên 100 lao động thời vụ của địa phương.
Anh Khang dẫn tôi ra bãi triều và tự tay mò ngao lên ngắm nghía phấn khởi: Thị trường ngao chủ yếu tiêu thụ ở Trung Quốc, họ rất ưa chuộng vì ngao của ta con đều, màu sắc trắng đẹp, đảm bảo chất lượng. Do chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật nên bãi ngao phát triển ổn định, đạt năng suất bình quân 30 tấn/ha.
Giá ngao thương phẩm có năm đạt 24.000 đ/kg, nay hạ xuống chỉ còn 13.000 đ/kg với giá đó vẫn lãi. Riêng trong năm 2013, gia đình Khang doanh thu từ ngao trên 12 tỷ đồng. Nuôi ngao sau 15-16 tháng là cho thu hoạch, thời gian khá lâu nên Khang áp dụng thả giống quanh năm để có thu hoạch xen tỉa.
Anh Khang nói thêm: Nuôi ngao cũng lắm công phu, không ngừng phải học hỏi kỹ thuật đúc rút kinh nghiệm. Để nuôi ngao biển theo hướng bền vững thì trước tiên phải chọn bãi nuôi. Bãi nuôi ngao thường là bãi triều, nơi có nguồn nước ngọt nhất định chảy vào. Đáy là cát bùn, độ mặn từ 15-25‰, thời gian phơi bãi không quá 4-5 giờ/ngày.
Phải đặc biệt cải tạo vệ sinh bãi nuôi, khi triều xuống cần cày xới mặt bãi sâu khoảng 5-10 cm, san phẳng mặt bãi để ngao giống dễ dàng chui xuống, tránh bị nước triều cuốn đi. Tạo luống có cùng hướng với dòng chảy của thủy triều khi lên, xuống.
Mỗi luống rộng 1,5m, giữa hai luống có lối đi để tránh dẫm lên bãi sau khi thả giống. Những vùng nuôi ngao có thời gian phơi bãi trên 5 giờ/ngày cần có biện pháp giữ nước, tạo độ ẩm cho bãi nuôi. Khang quây lưới quanh bãi, dùng lưới có cỡ mắt lưới 2a = 1cm, cao 80cm. Dùng cọc tre, gỗ để giăng lưới.
Chọn và thả giống thì phải ngao giống có chất lượng tốt, ngao nhỏ có hình tròn đều, màu hồng - trắng. Tùy thuộc vào kích cỡ giống, tuy nhiên kích cỡ tối thiểu từ 0,5-1cm/con. Nuôi ngao không cần cho ăn, vì thức ăn của ngao là các động thực vật phù du có trong nước.
Tuy nhiên, vì mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, nguồn nước bị ô nhiễm… nên rất dễ dẫn tới hiện tượng ngao chết hàng loạt. Khi gặp điều kiện bất lợi, ngao có thể trồi lên mặt đáy và di chuyển đi nơi khác. Vì vậy, cần theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời. Hàng ngày khi nước triều rút, cần nhặt rác, ngao chết, vệ sinh bãi nuôi để tránh làm ô nhiễm bãi.
Nuôi ngao luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu giống, có năm thiếu giống đất bãi phải bỏ hoang vì vậy để chủ động nguồn giống, từ năm 2005 anh Khang đã mạnh dạn ương nuôi ngao giống trên 1 ha, chủ yếu sử dụng nguồn giống ngao Trung Quốc, Nam Định. Để chủ động hoàn toàn giống ngao và cung cấp cho thị trường, từ năm 2009 anh Khang đã tiến hành nghiên cứu, tổ chức việc sản xuất ngao giống sinh sản thử nghiệm nhưng thất bại nhiều hơn thành công.
Phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt" đến năm 2013, anh Khang với các chuyên gia thủy sản mới sản xuất ngao giống sinh sản thành công từ chuyển giao công nghệ của Đài Loan. Đến nay, anh đã xây dựng được cơ sở nuôi ngao chuyên nghiệp từ khâu sản xuất giống, ươm nuôi, khai thác, và tiêu thụ sản phẩm.
Dẫn chúng tôi ra khu sản xuất giống rộng khoảng trên 3 ha, các ao, bể đều được đổ bê tông và hệ thống máy móc hiện đại như hệ thống lọc nước, bể ngao đẻ… tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng, riêng trong năm 2013 đã sản xuất được gần 1 tỷ con ngao giống, đáp ứng được đủ cho mình và cung ứng giống cho nhiều cơ sở trên địa bàn. Được biết cơ sở anh Khang là nơi đầu tiên sản xuất được ngao giống của các tỉnh miền Trung.
Chưa thỏa mãn với thành công, anh Khang còn có ý tưởng sưu tầm và nhân rộng giống ngao bản địa ở địa bàn tỉnh Nghệ An bởi đây là giống ngao có ưu điểm sống khỏe, thích nghi với môi trường của vùng biển địa phương sản phẩm mang nhiều hương vị đặc trưng có giá trị thương hiệu.
Related news
Nhà nông trẻ Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1986) đã mạnh dạn chuyển đổi cả ngàn mét vuông diện tích đất trồng mía để xây dựng chuồng trại chăn nuôi “thuần hóa” giống gà Đông Tảo (một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam) tại thôn 3, xã Mê Linh, Lâm Hà, Lâm Đồng đạt thu nhập tăng cao mỗi tháng.
VEPR dự báo ngành chăn nuôi Việt Nam chịu tác động tiêu cực nhất của TPP, còn đại diện Cục Chăn nuôi tin vẫn có nhiều sản phẩm có thể cạnh tranh, ví dụ như lợn cắp nách
Khi lòng hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) tích nước cùng với tập quán chăn thả "gửi trâu cho trời" đã hình thành nên những đàn trâu, bò hoang bị "kẹt lại" giữa rừng, trở nên vô chủ. Cũng từ đó, ở Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) có một nghề khá đặc biệt, không kém phần hiểm nguy: nghề bắt trâu, bò hoang.
Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 68 cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn, trong đó có 55 cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô từ 300-10.000 con/chuồng/lứa, sản xuất được trên 2 triệu con xuất chuồng/năm với sản phẩm thịt hơi đạt 5.770 tấn;
Để tồn tại trước tình trạng giá thịt (đùi gà Mỹ) giảm đến khó ngờ, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai lên tiếng sẽ tìm cách khởi kiện ngành gia cầm Mỹ bán phá giá.