Tỷ Phú Lê Văn Hồng Khởi Đầu Sự Nghiệp Từ 1 Ngư Phủ

Từ một người làm công trên những chuyến tàu đánh bắt hải sản (HS) đã trở thành một ông chủ doanh nghiệp với hơn 10 chiếc tàu đánh bắt HS công suất lớn. Đó là ông Lê Văn Hồng, Phường 2, TP. Mỹ Tho, chủ đội tàu khai thác HS ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Từ 1 người làm thuê
Gia đình ông Hồng có truyền thống đi biển. Do kinh tế gia đình chỉ đủ ăn, đủ mặc nên ông quyết định nghỉ học để theo nghề biển. Ông Hồng kể: Ngay từ khi còn trẻ, ông từng là ngư phủ làm thuê cho các chủ tàu đánh bắt HS ở các ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Hơn 10 năm làm ngư phủ, ông cảm thấy làm thuê cơ cực nhưng chẳng dư dả. Khoảng năm 36 tuổi, ông bàn tính với các anh em trong gia đình và một số người bạn để vay tiền đóng riêng 1 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn.
Đến năm 1994, được sự ủng hộ của gia đình cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp tại địa phương, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng mới 1 chiếc tàu cá công suất lớn để khai thác HS xa bờ theo chủ trương của Nhà nước, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông cũng quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Kim Hằng để thu mua cá cho ngư dân.
Niềm vui trúng mùa của một ngư phủ tại Cảng cá Mỹ Tho.
Đến đây, bước ngoặt cuộc đời của ông đã bắt đầu bước sang trang mới. Chỉ trong 10 năm (1994 - 2003), ông Hồng đã tăng số lượng tàu cá từ 1 chiếc ban đầu lên 6 chiếc có công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Từ năm 2004 - 2013, ông đã đóng thêm 4 chiếc tàu công suất lớn, nâng tổng số tàu của ông lên 10 chiếc có công suất từ 400 - 750CV. Chiếc lớn có chiều dài 26 m, ngang 7 m, sâu 3,8 m.
Rồi ông tâm sự: “Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ cho thủy sản có hiệu lực kể từ tháng 8. Nhưng hiện tại, tôi đã đóng thêm 1 chiếc tàu cá có công suất lớn hơn để đoàn tàu của gia đình ngày thêm hùng mạnh”.
Từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển xa nên bản thân ông và bà con ngư dân có điều kiện đầu tư gắn máy công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt HS hiện đại hơn.
Những năm gần đây, sản lượng HS đánh bắt của đội tàu ông hàng năm dao động khoảng 5.000 tấn, chủng loại khai thác là cá ngừ đại dương. Năm 2012, tổng doanh thu từ tiền bán cá trên 7 tỷ đồng và năm 2013 trên 10 tỷ đồng.
Chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong quá trình khai thác HS và làm dịch vụ thu mua trên vùng biển xa, ông Hồng cho biết: “Chủ tàu cần xem lại cách thức ăn chia với thuyền viên trong mỗi chuyến biển để thuyền viên không bỏ tàu. Doanh nghiệp phải có nhiều tàu hoặc các chủ tàu phải liên kết lại với nhau để giảm chi phí chuyến biển, sản phẩm vào bờ tươi, bán được giá hơn nhờ các tàu cá luân phiên vào bờ thì mới có hiệu quả…”.
Ông tâm sự tiếp: “Mặc dù đánh bắt ngoài khơi khó khăn, gian khổ nhưng tôi luôn động viên các con phải cố gắng bám biển đánh bắt nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình”.
Không quên những ngày gian khó
Với đoàn tàu gồm 10 chiếc, ông Hồng đã tạo việc làm cho 150 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/tháng. Ông còn có những chế độ hỗ trợ khác để tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo đời sống cho anh em thuyền viên; đồng thời động viên anh em yên tâm lao động, tích cực tham gia đánh bắt xa bờ tại những ngư trường trọng điểm là Trường Sa và Hoàng Sa để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Ngoài ra, hàng năm vào những dịp lễ, tết ông Hồng cũng có những phần quà cho anh em ngư dân ăn tết. Sau khi ăn tết xong thường thì ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng âm lịch, đội tàu của ông Hồng tổ chức ra quân đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trường Sa từ 1 - 1,5 tháng. Tàu cá bám biển liên tục với sự hỗ trợ của các tàu cá khác, HS đánh bắt sẽ được chuyển nhanh chóng về đất liền nên chất lượng cao và không cần sử dụng các chất bảo quản gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, ông Hồng luôn nhiệt tình ủng hộ các hoạt động từ thiện nhân đạo, cảm thông những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Năm 2014, doanh nghiệp Kim Hằng được sự quan tâm và ghi nhận của UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan Trung ương là doanh nghiệp tiên tiến làm kinh tế giỏi.
Ông Hồng cũng vừa được ngành Nông nghiệp và UBND tỉnh chọn làm đại diện ngư dân tham gia đánh bắt ở vùng biển xa trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình “Trái tim biển đảo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tại chương trình này, ông Hồng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nghề cá.
Với sự động viên này, ông Hồng cho biết sẽ cố gắng phấn đấu hướng tới mục tiêu đóng mới từ 4 - 6 tàu cá công suất lớn để tiếp tục đánh bắt xa bờ. Để nghề đánh bắt HS xa bờ phát triển hơn nữa trong thời gian tới, ông Hồng kiến nghị:
“Tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội của địa phương và Trung ương tạo điều kiện, có những chính sách hỗ trợ về lãi suất thấp cho vay tiền dài hạn và trung hạn để phát triển đóng mới đội tàu đánh bắt xa bờ. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con ngư dân tăng cường bám ngư trường, làm giàu cho quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Related news

BOX: ĐBSCL hiện có khoảng 11.000 ha bưởi Năm Roi và da xanh. Theo quy hoạch đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL sẽ trồng thêm 25.000 ha bưởi Năm Roi và bưởi da xanh, nhằm phục vụ cho XK. Như vậy sẽ nâng tổng diện tích bưởi đặc sản của vùng ĐBSCL lên 36.000 ha. Trong đó, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre là 3 tỉnh có diện tích bưởi lớn nhất, chiếm 74% diện tích bưởi toàn vùng.

Nhờ thời tiết năm nay thuận lợi, không xảy ra mưa lũ nên mai lá năm nay sinh trưởng và phát triển tốt, cây không bị sâu bệnh, lá xanh, dáng đẹp nên thương lái xem rất ưng ý. Gía bán mai cũng tăng lên từ 15-20% so với năm ngoái nên nhiều nhà vườn thời điểm này đã có doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Hiện, huyện Lạng Giang đã thành lập Hội Sản xuất và tiêu thụ nấm với gần 300 hội viên tham gia, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn nấm thương phẩm, gồm các loại chủ yếu là nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm mỡ... đem lại doanh thu vài trăm triệu đồng cho mỗi hộ sản xuất.

Sản lượng tôm nuôi của tỉnh tăng mạnh là do năm nay tình hình thời tiết tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, giá thương phẩm cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng luôn ở mức cao nên người dân mạnh dạn đầu tư thả nuôi.

Từ đây, su su được chuyển bằng ô tô đông lạnh lên Lào Cai, xuất qua Trung Quốc. Một ngày, gia đình ông Bảo xuất từ 5 – 6 tấn su su rau qua bên kia cửa khẩu. Tại thị trường trong nước, mỗi ngày, ông Bảo chuyển từ 1,5 – 2 tấn su su cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.