Cao Thủ Bắt Lịch Bằng Tay

Anh Nguyễn Văn Mạnh (40 tuổi, ngụ xã Văn Giáo, Tịnh Biên, An Giang) được mệnh danh “cao thủ” bắt lịch bằng tay. Tận mắt thấy biệt tài “thiên phú” của Mạnh, khách du lịch trầm trồ và thích thú.
Bắt cả chục kg lịch/ngày
Khi kênh Trà Sư mùa cạn nước, người dân trong xóm lại thấy anh Mạnh tay cầm chiếc can nhựa chạy xe gắn máy rảo khắp kênh, rạch để bắt lịch. Lớn lên tại vùng quê nghèo, cái nghề này đã gắn chặt với anh Mạnh từ nhỏ. Anh kể, ngày trước, cá và tôm ở kênh Tha La, Trà Sư nhiều vô kể.
Cha anh Mạnh - ông Nguyễn Văn Nhứt (72 tuổi), được người dân đặt cho biệt danh “ma lươn”. Hồi đó, lươn, lịch nhiều đến nỗi người ta chỉ ăn những con to bằng cườm tay.
“Mùa nước vừa rút khô đồng, cha tôi men theo bìa rừng tràm bắt nhiều con nặng gần 1kg. Ngày xưa nghèo khó mà ăn toàn đồ sang, còn bây giờ lươn to cỡ 1kg hiếm lắm. Mấy năm nay, người ta bắt lươn, lịch bằng dụng cụ xuyệt điện, cào điện theo kiểu tận diệt nên loài này giảm mạnh về số lượng”- anh Mạnh trần tình.
Thuở nhỏ, anh Mạnh theo cha bắt lươn, lịch nên “tậu” được cái nghề này luôn. Đến nay, anh đã theo đuổi cái nghề bắt lịch khoảng 30 năm ròng. “10 tuổi, tôi đã biết bắt lịch rồi. Lúc đó, chưa biết lặn sâu để bắt những con lịch to. Bắt lịch riết, mình cảm nhận được dòng sông, kênh, rạch nào thường có lịch trú ngụ.
Chỉ cần nhìn xuống nước thấy “tim sôi” từ dưới đáy nổi lên biết chắc là có lịch. Cách bắt như vầy: Lịch hay lươn toàn thân đều có nhớt và thường đào hang ách. Khi bắt mình dùng hai tay chặn 2 đầu, rồi dùng ngón tay giữa bấu chặt thân chúng. Chứ bắt theo kiểu nắm cả bàn tay thì lịch, lươn đều sẩy mất”- anh Mạnh chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Mạnh lý giải thêm, lịch khác lươn ở chỗ thích đào hang dưới lớp bùn tại nơi nước chảy xiết. Do đó, lịch là loài sống ở môi trường rất sạch. Thức ăn chủ yếu là cá, tôm, tép. Đặc biệt, tại những bãi bồi ven sông lượng bùn nhiều là tạo môi trường thuận lợi để con lịch đào hang trú ẩn.
Dường như lịch có mặt quanh năm nên thời gian nào anh đi bắt cũng có lịch. Vào mùa nước nổi, anh đi bắt mỗi ngày dính cả chục kg lịch. Nước vừa rút khô đồng là thời điểm anh Mạnh bắt được khá nhiều. “Hổm rày, về xã Khánh An làm tiếp lúa bên vợ, mỗi ngày bắt dính lịch cũng vài ký. Hiện nay, lịch có giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, mỗi ngày chỉ cần bắt dính 2kg lịch là đủ sống…”- anh Mạnh cười tươi.
Biểu diễn cho khách du lịch xem
Sở hữu được biệt tài này, anh Mạnh không chỉ được người dân trong xóm biết đến, mà du khách xa gần còn thán phục khi thấy anh lặn sông bắt lịch. Hôm rồi, ngay mùa nước nổi, phía bến phà Châu Giang (Châu Đốc) nước chảy xiết, anh Mạnh nhảy xuống sông sâu vẫn bắt dính lịch “bự” để biểu diễn cho khách du lịch xem.“Anh Màng làm du lịch nông dân ở gần nhà thấy tôi bắt lịch giỏi nên mời theo để biểu diễn cho khách “Sài thành” xem. Tại dòng kênh Vĩnh Tế, nước chảy còn mạnh hơn ở bến phà Châu Giang, tôi lặn một hơi đưa lên hai con lịch, ai cũng vỗ tay rần rần”- anh Mạnh thiệt tình.
Hiện tại, anh Mạnh được xem là “cộng tác viên” của điểm du lịch nông dân xã Văn Giáo. Hễ có đoàn khách du lịch nông dân nào đến xã Văn Giáo là anh Mạnh được mời biểu diễn. Đặc biệt, vào mùa nước nổi, anh Mạnh rất “đắt sô” biểu diễn bắt lịch cho du khách xem cái tài của dân miền Tây.
Ông Lê Văn Màng, phụ trách điểm du lịch nông dân tại xã Văn Giáo, nói rằng: “Mạnh được trời phú cho cái tài bắt lịch. Trong quá trình tìm lịch, nếu thấy hang lươn thì Mạnh cũng bắt được. Có lần, Mạnh còn bắt dính con lươn màu vàng nặng 1,7kg. Ngoài ra, anh còn kiêm luôn việc bắt rắn, chuột, ếch… Vừa rồi, nhiều đoàn khách Sài Gòn đến An Giang chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa nước nổi, tôi mời Mạnh đi cùng đoàn. Có đoàn nhờ anh Mạnh bắt vài kg lịch, rồi mua với giá cao đãi mọi người ăn tại chỗ”.
Nghề bắt lịch bằng tay có từ thời cha ông đi mở đất, những tưởng đã thất truyền, ấy vậy mà ngày nay ngư dân vẫn còn lưu giữ.
Ngày trước, ông Nguyễn Văn Nhứt (72 tuổi, cha Mạnh) cũng là người giỏi nghề bắt lịch, lươn “khủng” bằng tay. Khi mùa lúa gặt xong, ông Nhứt men theo những bờ kênh, lung, đìa bắt dính lươn to bằng cườm tay. Lúc còn trai trẻ, ông Nhứt cũng lặn bắt lịch rất giỏi, người dân trong xóm ai cũng phục sát đất.
Related news

Trong tháng 7 và 8, các nhà máy sản xuất đạm Cà Mau, đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc đều tạm ngừng hoạt động một thời gian để bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, dự kiến nguồn cung phân đạm nói chung và ure nói riêng sẽ tiếp tục ổn định.

Ngày 26-8, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang tổ chức ra mắt mô hình Tổ liên kết nuôi cá điêu hồng, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành.

Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại 13.732ha. Trong đó, tôm nuôi bị thiệt hại từ 30 - 70% trên 10.660ha, thiệt hại trên 70% là trên 3.000ha.

Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có hơn 2.150 hộ và 41 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản các loại.

Từ giữa tháng 5.2015 đến nay, các hộ nuôi cá lồng trên biển tại Hải Minh (thuộc tổ 46, khu vực 9, phường Hải Cảng - TP Quy Nhơn - tỉnh Bình Định) gặp nhiều khó khăn do cá nuôi bị dịch bệnh chết và giá cá duy trì ở mức thấp. Theo thống kê của UBND phường Hải Cảng, hiện ở Hải Minh có 86 hộ nuôi cá lồng biển, gồm 176 bè với 1.013 lồng nuôi (nhiều nhất là cá chẽm, cá hồng, cá bớp, cá mú…), tăng 5 hộ và 57 bè so với cuối năm 2014.