Từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp
Xác định nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ yếu của địa phương, những năm qua, huyện Quang Bình đẩy mạnh phát triển SXNN theo hướng thâm canh, dần hình thành vùng sản xuất tập trung, chất lượng cao; định hướng với 5 loại cây trồng chủ yếu như: Lúa, ngô, lạc, chè, cam và 2 con gia súc là trâu, lợn.
Xây dựng, thực hiện các mô hình (MH) và đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, nhận thức của người dân về SXNN hàng hoá bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các SXNN được nâng lên; chuỗi liên kết 4 nhà trong SXNN dần hoàn thiện, củng cố, qua đó đã góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện. Theo đó, những đặc sản mang thương hiệu Quang Bình như: Gạo chất lượng cao, cam sành Yên Hà, chè Shan Xuân Minh, Tiên Nguyên... dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Diện mạo nền nông nghiệp Quang Bình đã có sự phát triển vượt bậc.
Trước đây, các loại cây trồng như cam, chè được trồng manh mún, không chăm sóc kỹ càng nên chỉ đáp ứng nhu cầu của cư dân địa phương. Sau khi huyện triển khai MH sản xuất tập trung, hình thành vùng hàng hóa, sản phẩm nông sản địa phương đã có cơ hội mở rộng thị trường đến trong và ngoài tỉnh. Điển hình như MH trồng cam theo hướng tiêu chuẩn VietGap có hiệu quả kinh tế khả quan, đang được đầu tư, mở rộng. Những năm trước, cam chỉ có giá tại vườn khoảng 3.000 – 5000 đồng/kg; thì giờ đây, để mua 1 kg người tiêu dùng phải bỏ ra khoảng 13.000 – 15.000 đồng/kg, thậm chí hơn 20.000 đồng vào đầu mùa.
Kết quả của sự thay đổi đó là nhờ định hướng đúng đắn của địa phương để từ đó thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Hiện, huyện đang tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng trồng tập trung và xây dựng MH thành lập Tổ sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn 4 xã Yên Hà, Tiên Yên, Hương Sơn và Vĩ Thượng; hình thành vùng sản xuất tập trung, chất lượng cao. Đầu năm 2015, các xã vùng quy hoạch trồng cam đã đăng ký diện tích thực hiện trồng mới vượt chỉ tiêu 878,31/676 ha, gồm giống cam sành Hà Giang và giống cam Vinh, hiện đã cấp giống đợt 1 cho các xã được 105 ha, tương đương với 42.000 cây giống.
Ngoài MH trồng cam sành, chè Shan; trong những năm gần đây, MH trồng Thảo quả dưới tán rừng đã và đang cho thấy hiệu quả khả quan, cây Thảo quả dần trở thành một trong những cây trồng quan trọng góp phần vào việc bảo vệ rừng, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế chung của huyện. Hiện, MH Thảo quả được trồng và phát triển tốt ở 3 xã Tân Nam, Tiên Nguyên và Xuân Minh với tổng diện tích lên đến 100 ha.
Cơ chế Nhà nước hỗ trợ 2,6 triệu đồng/ha (hỗ trợ 1.500 đồng/cây, mật độ 1.600 cây/ha); cùng với đó, giá trên thị trường hiện tại dao động ở mức 20 – 30 nghìn/kg quả tươi, thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, ngô; cho thấy, đây là một hướng đi rất khả thi, góp phần cải thiện đời sống cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Song song thực hiện MH Thảo quả, huyện triển khai giao rừng cho các hộ dân vừa trồng Thảo quả, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng, do vậy đã hạn chế được việc khai thác lâm sản trên địa bàn.
Thêm nữa, MH hỗ trợ hộ nghèo thông qua hộ khá, giàu (hộ có điều kiện) phát triển nuôi lợn Móng cái sinh sản có hiệu quả, bền vững. Với cơ chế huyện hỗ trợ 100 giá giống, sau khi lợn nái đẻ lần 1 chuyển cho hộ nghèo, cận nghèo 2 con lợn con/nái; đẻ lần 2 chuyển cho hộ nghèo, cận nghèo 1con lợn con/nái, từ 2 xã ban đầu với 260 con đã phát triển thành 434 con, giá trị thu được ước đạt trên 150 triệu đồng. Hiện, MH này được mở rộng triển khai tại 10/15 xã, thị trấn với 72 hộ và 144 con lợn. Ngoài ra, huyện cũng đang tiếp tục triển khai nhiều MH, đề án khác đã và đang phát huy hiệu quả như sản xuất lúa, ngô hàng hóa; sản xuất cá giống, cá thịt, nuôi gà thả đồi và lợn đen tại lòng hồ Thủy điện sông Chừng...
Các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Quang Bình hiện đã có mặt tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Với hướng đi hiệu quả này, kinh tế nông nghiệp Quang Bình có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương.
Related news
Gom cá giống đưa đi các tỉnh xa có nhiều rủi ro nhưng với ai thạo nghề vẫn có lãi. Đó là chia sẻ của những người làm nghề thu mua cá giống tại xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Nhờ "đội quân" này mà các ao nuôi ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc có đủ nguồn giống để sản xuất.
Ngoài ra, 100% hộ dân đã chủ động dự trữ cỏ khô, rơm, thức ăn tinh, đảm bảo thức ăn cho gia súc những ngày giá rét. Đồng thời, các hộ sử dụng nương, ruộng gần nhà trồng thêm ngô dày, cỏ VA06, cỏ voi (52 ha) cung cấp thức ăn xanh cho gia súc trong mùa đông.
Trong khi đó ở Thạch Thành (Thanh Hóa), nhiều gia đình lại đang có thu nhập cao từ con nuôi đặc sản, được bà con duy trì trong nhiều năm, theo hướng mở rộng sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Sau hơn 6 tháng ứng dụng quy trình sản xuất hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP, sáng 27/11/2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long phối hợp Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 trao giấy chứng nhận VietGAP (ảnh) cho 10 nông dân của Hợp tác xã Rau - củ quả Tân Bình (ấp Tân Thới, xã Tân Bình, Bình Tân, Vĩnh Long), với tổng diện tích 5ha. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 86 triệu đồng, thời hạn 2 năm.
Ông Phạm Văn Trường, ấp 2, xã Long Hòa cho biết: Lúa trồng ở đây đảm bảo sạch 100%, không dư lượng thuốc BVTV. Lúa bị sâu, rầy bà con xả nước vào ngập đọt ngâm khoảng 12 giờ rồi xả nước ra không con nào sống nổi. Các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao được trồng trên đất nuôi thủy sản.