Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bảo Hiểm Nông Nghiệp Giúp Nông Dân Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững

Bảo Hiểm Nông Nghiệp Giúp Nông Dân Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững
Publish date: Monday. May 19th, 2014

Tam Dương là một trong 3 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc được chọn tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên đàn gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định 315/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm triển khai, BHNN đã giúp nông dân trong huyện yên tâm đầu tư vào sản xuất, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Bảo hiểm Nông nghiệp giúp người dân hạn chế rủi ro khi dịch bệnh xảy ra, giúp chăn nuôi phát triển bền vững.

Với điều kiện thuận lợi về đất đai và thị trường tiêu thụ, trong những năm qua, ngành chăn nuôi của Tam Dương phát triển nhanh cả về quy mô và sản lượng. Năm 2013, tổng số đàn gia súc, gia cầm của huyện đạt trên 2, 6 triệu con.

Tham gia chương trình này, Tam Dương có 3 xã: Hoàng Hoa, Hoàng Lâu và Kim Long, thực hiện thí điểm cho các đối tượng vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gà và vịt. Thực tế cho thấy, thiên tai, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất cây trồng, vật nuôi.

Đặc biệt là ngành chăn nuôi, luôn chịu nhiều rủi ro do có nhiều loại dịch bệnh; trong khi đó, vốn đầu tư bỏ ra lại cao. Tuy mới ở giai đoạn thí điểm song BHNN cho thấy đây là một chính sách mới có nhiều ưu điểm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên phạm vi tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp Huyện Tam Dương cho biết: “Ngay sau khi có quyết định 315, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) nhằm hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể để nông dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia BHNN, BCĐ huyện thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc và UBND 3 xã thí điểm chỉ đạo sâu sát và có những đề xuất kịp thời để chương trình mang lại hiệu quả tốt nhất cho người dân”.

Cụ thể, BCĐ huyện đã tổ chức thống kê số lượng từng đối tượng vật nuôi tham gia của các hộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ năng khai thác cho 180 lượt người và cấp Chứng chỉ bảo hiểm cho 31 đại lý, tập huấn cho 360 lượt hộ nông dân về quy trình chăn nuôi. BCĐ Huyện đã vận động được 1.073 hộ tham gia, trong đó: Hộ nghèo chiếm 87%, hộ cận nghèo chiếm 2,2%; hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm 10,7% với tổng số trên 300.000 con gia súc, gia cầm.

Tổng giá trị bảo hiểm trên 100 tỷ đồng; tổng phí bảo hiểm gần 3,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,2 tỷ đồng. Trong 3 năm qua, Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc đã chi trả bồi thường cho các hộ chăn nuôi gặp rủi ro của huyện với tổng số tiền trên 128,6 triệu đồng.

Qua thực tiễn triển khai BHNN, nhận thức của người dân về công tác phát triển chăn nuôi bền vững được nâng cao, nhất là việc phòng chống dịch và lợi ích, sự cần thiết của BHNN. Trong 3 xã của huyện, Hoàng Hoa được đánh giá là địa phương làm tốt nhất trong việc vận động và triển khai thí điểm BHNN cho các hộ nông dân.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2012 - 2013, BCĐ xã đã vận động được 682 hộ tham gia. Tổng số phí bảo hiểm là hơn 2, 5 tỷ đồng, trong đó, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, các hộ tham gia phải đóng hơn 40 triệu đồng. Đồng thời, đây cũng là địa phương duy nhất trong 3 xã tham gia được chi trả bảo hiểm với số tiền hơn 128 triệu đồng, trong đó chủ yếu là bảo hiểm cho lợn thịt và gà thịt.

Là một trong những hộ nghèo tham gia chương trình, chia sẻ với chúng tôi về lợi ích của việc tham gia BHNN cho vật nuôi, bà Đinh Thị Nguyệt, xã Hoàng Hoa cho biết: “Gia đình tôi tham gia chương trình này từ năm 2012. Tuy nhiên, đến năm 2013, gia đình có 2 con lợn thịt chẳng may bị bệnh mà chết. Ngay sau đó, cán bộ xã, cán bộ thú y và đại diện Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc đã đánh giá rủi ro và chi trả bồi thường kịp thời cho gia đình với số tiền 6 triệu đồng/con.

Với số tiền được hỗ trợ, gia đình tôi đã mua thêm lợn để tái đàn”. Không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo như bà Nguyệt, song tham gia BHNN đã khích lệ gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, xã Hoàng Hoa tiếp tục chăn nuôi. Bà Hiền tâm sự: “Năm 2012 và 2013, do bị bệnh tụ huyết trùng nên nhà tôi có 3 con lợn bị chết và gia đình đã được chương trình chi trả bảo hiểm. Qua đó, đã động viên, khích lệ tạo niềm tin để gia đình tái đầu tư, yên tâm sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa: Triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp là chủ trương, chính sách đúng đắn, thiết thực. Điều đáng mừng ở xã là không chỉ có các hộ nghèo, cận nghèo mà còn có các hộ không thuộc diện này tham gia. Công tác bồi thường chi trả cho các hộ bị thiệt hại được kịp thời, đúng quy định, giúp các hộ chăn nuôi có điều kiện nhanh chóng tái đàn, khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, cũng giống như các địa phương khác, khi triển khai chương trình này, huyện Tam Dương gặp không ít khó khăn bởi bảo hiểm vật nuôi còn là một lĩnh vực mới, phức tạp, khó thực hiện do lĩnh vực chăn nuôi hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún chưa thực sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; người dân chưa quen với BHNN, chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích và quyền lợi của mình khi được tham gia.

Mặt khác, trong những năm gần đây, do giá bán sản phẩm đầu ra xuống thấp, giá đầu vào liên tục tăng, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, trong khi đó phí bảo hiểm lại cao, đối tượng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, các hộ tham gia còn mang tính chất thăm dò, đối tượng tham gia chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, không thuộc diện nghèo và cận nghèo còn ít.

Được biết, mặc dù chương trình thí điểm đã kết thúc, song tại 3 xã của huyện, thời gian thi hành hợp đồng bảo hiểm vẫn còn hiệu lực nên BCĐ thí điểm BHNN huyện vẫn duy trì việc theo dõi, đảm bảo hỗ trợ kịp thời các hộ dân tham gia chương trình khi có trường hợp vật nuôi bị chết.

Hầu hết các hộ dân tham gia đều mong muốn trong các năm tiếp theo, chương trình tiếp tục được triển khai sâu rộng, giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra, góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng ổn định và bền vững.


Related news

Đạm Cà Mau Hấp Dẫn Ngân Hàng Đạm Cà Mau Hấp Dẫn Ngân Hàng

Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu của Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) chiều 25/11 ở TP HCM, Tổng giám đốc Bùi Minh Tiến cho hay, theo lộ trình ngày 11/12, Đạm Cà Mau sẽ chào bán 128,9 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tương đương 24,36% vốn điều lệ với giá khởi điểm 12.000 đồng một cổ phiếu. Dự kiến, đến cuối quý I/2015 công ty sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP HCM.

Wednesday. November 26th, 2014
Củ Dền Đà Lạt Giá Cao Kỷ Lục Củ Dền Đà Lạt Giá Cao Kỷ Lục

Hiện tại, củ dền tại vườn có giá 18.000 đồng một kg, bán lẻ tại chợ Đà Lạt từ 23.000 đến 25.000 đồng, được ghi nhận là cao nhất từ trước tới nay. Vào thời điểm đầu năm, giá loại củ này chỉ trên dưới 1.000 đồng một kg, nhiều nhà vườn đã phải phá bỏ hoặc cho bò ăn, dẫn đến hạn chế canh tác.

Wednesday. November 26th, 2014
Mía Trắng Đồng, Dân Trắng Tay Mía Trắng Đồng, Dân Trắng Tay

Bà Dàng tâm sự: “Giá mía quá rẻ, tôi bán chỉ được 700 đ/kg. Thương lái đặt cọc có 1 triệu đồng và hẹn hơn 20 ngày nữa mới tới thu mua. Trong khi mía đã trổ cờ, đến lúc đó mía bị bọng ruột và khô hết, chắc chẳng còn được mấy tấn/công. Tình hình này thì nông dân trắng tay, không biết lấy đâu ra vốn đầu tư cho vụ tiếp theo”.

Wednesday. November 26th, 2014
Đồng Tháp Tạo Đột Phá 5 Nhóm Nông Sản Đồng Tháp Tạo Đột Phá 5 Nhóm Nông Sản

Được phù sa sông Cửu Long bồi đắp và điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Đồng Tháp có tiềm năng to lớn trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản .. Từ năm 2012, Đồng Tháp đã vươn lên tốp đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cao (CPI) cấp tỉnh, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Wednesday. November 26th, 2014
Chặt Cây Rừng, Thu Hoạch Quả Non Bán Cho Thương Lái Trung Quốc Chặt Cây Rừng, Thu Hoạch Quả Non Bán Cho Thương Lái Trung Quốc

Hàng trăm người dân đổ về huyện Sơn Hà, Tây Trà và Sơn Tây (Quảng Ngãi) triệt hạ cây rừng phòng hộ để thu hoạch ươi đang còn tươi, non.

Friday. June 20th, 2014