Tự tạo cơ hội: Nuôi lươn, chình trên cát
Với lợi thế là vùng biển, có nguồn thủy hải sản tươi phong phú, rẻ... cùng với diện tích vườn rộng, anh Hồ Phú bỏ ra hơn 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống bể nuôi hơn 150 m2 để nuôi lươn và cá chình thương phẩm.
Anh Hồ Phú hào hứng với mô hình nuôi lươn trên cát. ẢNH: B.N.L
Mô hình nuôi lươn và cá chình trên cát tưởng chừng mới lạ nhưng lại gặt hái được kết quả không ngờ. “Đặc điểm của cá chình là phải sống trong môi trường nước luôn sạch và không tù đọng. Vì vậy, ở vùng cát muốn nuôi được cá chình và lươn thì phải đầu tư hệ thống cấp và tiêu nước thường xuyên”, anh Phú cho biết.
Theo anh Phú (45 tuổi, ở thôn An Bằng, xã Vinh An, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), mặc dù là vùng cát, nhưng mạch nước ngầm tại An Bằng khá tốt, nên anh Phú đã đầu tư hệ thống giếng bơm để cấp nước cho hồ nuôi. Nguồn nước sau khi vào hồ đã xử lý và luôn đảm bảo nước luân lưu không tù đọng.
Tận dụng
“Gia đình mình có kinh doanh ăn uống, hằng ngày nguồn thủy sản tươi sau khi chế biến để phục vụ khách, phần vụn bỏ ra kết hợp với số cá nhỏ mua lại của ngư dân, vợ chồng mình bỏ công chế biến thành thức ăn cho cá chình và lươn. Chi phí nguồn thức ăn không cao, chủ yếu là công chế biến, trong khi ở quê thời gian buôn bán cũng vừa phải nên mình đã đầu tư làm thêm”, anh Phú chia sẻ. Với 2 hồ nuôi, diện tích hơn 100 m2, với cá chình mỗi vụ anh thu khoảng 200 triệu đồng, thời gian nuôi khoảng 2 năm.
Từ kết quả của việc nuôi cá chình, vừa qua, được hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới, gia đình anh Phú đã đầu tư thêm hồ để nuôi lươn. Hiện tại hồ nuôi lươn thương phẩm của anh có 3.000 con giống và đang phát triển tốt. Anh Phú cho biết vụ đầu nuôi, mặc dù được hỗ trợ giống và kỹ thuật nhưng do chưa có kinh nghiệm nên lươn phát triển chưa đạt yêu cầu.
Theo kế hoạch, sau 5 tháng nuôi, lươn có thể xuất bán với trọng lượng 250 gr con. Gia đình anh nuôi được hơn 3 tháng rồi, nhưng tốc độ phát triển cũng chậm so với kế hoạch, hiện tại trọng lượng mới hơn 150 gr. “Tuy lươn chưa phát triển đúng kế hoạch, nhưng sau chừng ấy thời gian nuôi, mình cũng đã hiểu và có thêm nhiều kinh nghiệm. Ví như khi lươn nhỏ mà cho nhiều thức ăn quá, thức ăn dư cũng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Nhưng nếu khi lươn đã lớn mà cho ăn không đủ thì cũng lâu lớn”, anh Phú cho biết.
Mở rộng
Từ kinh nghiệm cá chình đúc kết được và kết hợp với nuôi lươn, giờ đây anh Phú có thể tự tin về thành công của mô hình. Anh Phú chia sẻ thêm, dù kế hoạch nuôi là 5 tháng, đạt trọng lượng 250 gr/con là có thể xuất bán, nhưng anh dự kiến sẽ nuôi cho đến khi đạt trọng lượng từ 300 - 500 gr/con mới bán, với giá khoảng 150.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Đình Xuân Thịnh, Phó chủ tịch phụ trách kinh tế UBND xã Vinh An, cho biết: “Thực hiện chương trình nông thôn mới, tại xã Vinh An có triển khai mô hình nuôi lươn để phát triển kinh tế. Trước khi chọn hộ ông Hồ Phú, phía dự án đã đi khảo sát kiểm tra và nhận thấy gia đình ông Phú có đủ điều kiện kinh tế, có kinh nghiệm (đã nuôi chình trước đó) và có đủ diện tích ao hồ đảm bảo nên đã chọn để triển khai thí điểm.
Theo đó, dự án hỗ trợ về kỹ thuật, vốn với 100% giống nuôi cùng 50% chi phí thức ăn. Phía gia đình phải có điều kiện đối ứng là kinh phí xây dựng ao nuôi (phải đảm bảo diện tích trên 30 m2) cùng với công chăm sóc. Mặc dù chưa thu hoạch nhưng theo đánh giá ban đầu thì mô hình đang phát triển tốt. Hiện tại, dự án cũng đã khảo sát và chọn thêm 2 hộ khác tại địa phương để nhân rộng mô hình”.
Related news
Sau gần một năm thực hiện, mô hình nuôi cá chạch của hộ bà Trần Thị Phúc, ngụ tại khóm 2, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau đã thành công, mở ra hướng phát triển mới trong nghề nuôi trồng thủy sản.
Nuôi ghép chạch đồng và cua đồng trong ruộng lúa là một hướng đi mới khả quan, được nhiều người dân quan tâm do vốn đầu tư ít, dễ nuôi, hầu như không bị bệnh, thức ăn sẵn có trong tự nhiên.
Nuôi ghép chạch đồng và cua đồng trong ruộng lúa là một hướng đi mới khả quan, được nhiều người dân quan tâm do vốn đầu tư ít, dễ nuôi, hầu như không bị bệnh, thức ăn sẵn có trong tự nhiên.