Trúng mùa lúa thu đông
Máy gặt ầm ì trên đồng, lúa vừa ra hạt vô bao. Ghe chở lúa xuôi ngược theo dòng kênh. Lúa về nhà chất đầy trước sân. Còn nhiều ruộng lúa đang trổ chín vàng óng chờ thu hoạch.
Hơn một tuần trước, nông dân Ngô Đức Thiện ở kênh 4B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang thu hoạch xong 2 ha lúa vụ TĐ. Anh chọn giống IR50404 vì dễ làm. Năng suất lúa tươi đạt 800 kg/công.
Lúa mới chín đã có thương lái tới đặt cọc, gặt xong bán tươi tại ruộng 86.000 đ/giạ (20 kg/giạ), tính ra 4.300 đ/kg. Với 2 ha lúa, anh có trong tay gần 70 triệu đồng...
TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV Kiên Giang cho biết, do 2 năm qua không có lũ, diện tích lúa TĐ 2015 ở Kiên Giang mở rộng trên 85.000 ha, tăng hơn 9.000 ha so vụ TĐ 2014.
Đến nay có hơn 28.000 ha lúa TĐ đã thu hoạch, năng suất đạt bình quân 5,29 tấn/ha. Tuy chưa tổng kết cả vụ nhưng đây là mức cao.
Có thể nói nông dân Kiên Giang đã quen SX lúa TĐ, vì thuận lợi là có nguồn nước ngọt, mưa giảm, nắng nhiều hơn về cuối vụ; sâu bệnh ít, chi phí giảm. Chỉ cần thị trường tiêu thụ có giá tốt hơn thì nông dân làm lúa ăn chắc hơn vụ HT.
Những năm trước, ở 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp thuộc vùng đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền luôn dẫn đầu SX lúa vụ TĐ với diện tích lớn nhất vùng. Tuy nhiên, nông dân lo canh cánh lũ lớn gây thiệt hại. Vài năm qua không có lũ về, mức nước thấp nên thuận lợi cho canh tác lúa ở vùng đất có chân ruộng sâu.
TS Trần Ngọc Thạch, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL:
“Khảo sát tại các địa phương, xu thế nông dân sử dụng giống xác nhận tăng lên. Trên một cánh đồng không có quá nhiều giống, chỉ tập trung 3 - 5 giống trong bộ giống chủ lực theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT. Các tỉnh thượng nguồn năng suất đạt bình quân 5 - 5,5 tấn/ha. Khu vực bán đảo Cà Mau đạt trên 5 - 6 tấn/ha...".
An Giang có kế hoạch SX lúa vụ TĐ 2015 khoảng 160.000 ha trong vùng đê bao an toàn. Đồng Tháp gieo sạ 144.400 ha, tăng khoảng 20.000 ha so vụ TĐ năm trước.
Đi thăm đồng lúa TĐ ở các địa phương, ông Huỳnh Hiệp Thành, GĐ Trung tâm Khuyến nông An Giang cho rằng, do bà con đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” nhằm giảm chi phí SX nên lúa trúng mùa. Nếu không gặp mưa bão bất thường, năng suất lúa tươi đạt trên 7 tấn/ha nằm trong tầm tay.
Bà Nguyễn Thị Kiều, PGĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ đánh giá, nhìn chung vụ lúa TĐ 2015 thắng lợi. Hiện nông dân Cần Thơ thu đã hoạch 52.400/72.000 ha lúa, đạt hơn 80% diện tích, năng suất bình quân 5,2 tấn/ha, tăng hơn vụ TĐ cùng kỳ 200 kg/ha, cuối tháng 10 thu hoạch dứt điểm.
Theo các doanh nghiệp thu mua lúa gạo quanh khu vực quận Thốt Nốt (Cần Thơ), giá lúa đang tăng liên tục, tăng hơn 250 - 300 đ/kg, so với trước thời điểm có tin gạo Việt Nam sẽ XK 450.000 tấn sang thị trường Philippines.
Ông Trần Thanh Vân, PGĐ Cty CP GENTRACO (Cần Thơ) cho hay, lúa TĐ đang vào mùa thu hoạch rộ, giá đang lên nên rất khó mua lúa tươi. Hơn 1 tuần trước, Cty thu mua 500 tấn/ngày, nay chỉ mua được 50 tấn/ngày.
Nguyên nhân do giá XK gạo phẩm cấp trung bình tăng lên thêm 10 USD/tấn, tính ra giá gạo tăng thêm 220 đ/kg. Theo đó, một số DN tư nhân có vốn đã tăng giá mua, trữ lúa gạo.
Th.S Nguyễn Phước Tuyên, Sở NN-PTNT Đồng Tháp nhận định, qua theo dõi tình hình thị trường có thể dự đoán lúa TĐ rất sáng sủa.
Các nước SX lúa gạo trong khu vực đang mùa giáp hạt. Philippines, Indonesia đã có kế hoạch NK gạo với số lượng lớn. Do khô hạn, một số nước SX lúa gạo như Thái Lan, Myanmar, Lào có khả năng giảm nguồn cung.
Thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm giá sẽ tốt lên, có lợi cho nông dân trồng lúa. Nhất là vụ TĐ, Đồng Tháp đã thu hoạch hơn 100.000 ha, đạt hơn 80% diện tích gieo trồng, năng suất 5,47 tấn/ha.
Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, lúa TĐ ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch. Vụ này toàn vùng SX 886.000 ha, tăng hơn 66.000 ha so vụ TĐ năm 2014.
Dự kiến năng suất bình quân trên 4,5 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 3,9 triệu tấn, tăng khoảng 350.000 tấn so với vụ TĐ trước.
Related news
Thị trường nông sản đang nóng dần lên khi hàng loạt trái cây đang chín rộ. Điểm đáng mừng là sức tiêu thụ mạnh và giá ổn định hơn so với cùng kỳ, mặc dù giá đã có chiều hướng giảm.
Sau 3 năm thực hiện, dự án “Chăn nuôi bò thịt bán chăn thả trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Hồ Văn Sơn, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phụng Hiệp, làm chủ nhiệm đã mang lại nhiều kết quả đáng kể.
Do biến động giá cao su giảm sâu trong thời gian qua nên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam điều chỉnh giảm diện tích trồng mới năm 2015 tại các doanh nghiệp thực hiện dự án tại các tỉnh Tây Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên. Nhưng, dù kế hoạch giao trồng mới giảm nhiều so với những năm trước, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện.
Có dịp trở lại xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay từng ngày của mảnh đất trước đây còn gặp nhiều “gian khó”. Phóng tầm mắt dọc hai bên đường những ngôi nhà mới khang trang mọc lên san sát nhau tạo nên khung cảnh trù phú, yên vui.
Liên tiếp phải ngưng sản xuất đến 4 vụ do nắng hạn kéo dài, từ tháng 8 năm 2014 đến nay, do vậy, đối với người dân vùng hạn trong tỉnh Ninh Thuận là phải làm mọi cách để bảo vệ đàn gia súc, nguồn thu nhập chính đối với kinh tế gia đình. Cách hiệu quả nhất lúc này đang được nhiều hộ chăn nuôi bò, dê, cừu áp dụng là tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp với trồng bắp, trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc.