Trúng cá ngừ đại dương cuối vụ
Theo ông Lê Văn Dũng - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.Xương Huân (TP Nha Trang), tập đoàn có 10 chiếc tàu thì đã có bảy chiếc đạt sản lượng cao.
“Tháng trước, dù đi cả tháng nhưng mỗi tàu chỉ câu được 7 - 8 con cá nên lỗ nặng. Còn chuyến này hầu hết các tàu đều được 30 - 40 con cá ngừ đại dương, sản lượng khoảng 1,5 - 2 tấn cá” - ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, chuyến vừa rồi tàu ông lãi trên 100 triệu đồng, mỗi ngư dân được chia 9 triệu đồng.
Ông Lê Thành Đồng, một ngư dân ở Nha Trang, cho hay cả hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ của gia đình ông trúng lớn trong chuyến rồi nên ngay sau khi cập cảng bán cá, lại lấy đá lạnh và nhu yếu phẩm để ra khơi ngay.
“Bây giờ đã là cuối vụ đánh bắt cá ngừ nên tranh thủ đi chuyến cuối rồi về “làm nước” cho tàu, đợi tháng 11 âm lịch bắt đầu vụ mới” - ông Đồng nói.
Dù không giải thích được vì sao cuối mùa cá ngừ đại dương lại xuất hiện nhiều, nhưng ông Đồng cho biết những tàu đánh bắt cá theo vụ cá Bắc, đánh ở phía đông bắc Hoàng Sa mới trúng luồng cá này.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - trưởng cảng cá Hòn Rớ - cho biết do lượng tàu đánh bắt xa bờ những tháng cuối vụ giảm nhiều, chỉ còn khoảng 70 chiếc, nên có thể các tàu còn bám biển câu được nhiều cá hơn.
Theo ông Hiếu, không chỉ thắng lớn về sản lượng đánh bắt, ngư dân “trúng” giá bởi giá bán cá ngừ đại dương từ cuối tháng 9-2015 đến nay giữ ở mức cao nhất so với hai năm qua.
Trước đây giá cá chỉ ở mức 90.000 - 95.000 đồng/kg loại 1, gần đây đã tăng lên 108.000 - 110.000 đồng/kg, trong khi đó giá dầu lại giảm nên ngư dân có lãi khá”.
Tuy nhiên, ông Võ Khắc Én - phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa - nhận định việc ngư dân trúng cá ngừ đại dương cuối mùa chỉ là gặp may chứ không ổn định lâu dài.
Theo ông, để luôn có thu nhập cao từ nghề câu cá ngừ đại dương, phải thực hiện hiệu quả đề án tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị.
“Ngư dân phải đồng loạt áp dụng phương thức thu câu, bảo quản, sơ chế sản phẩm theo công nghệ hiện đại mới nâng cao sản lượng, chất lượng cá ngừ đại dương.
Chứ hiện nay người thực hiện, người không, khi đem sản phẩm về đều mua đồng giá thì nghề câu cá ngừ đại dương vẫn lúc được mùa, lúc mất mùa mà thôi” - ông Én nói.
Ngư dân tham gia mô hình khai thác cá ngừ kiểu Nhật
Ông Vũ Hoàng Quang, đại diện liên doanh Công ty Tư vấn đóng tàu Việt - Nhật và Công ty Yanmar (Nhật Bản), cho biết trong tháng 11-2015 liên doanh này sẽ tổ chức đội tàu sáu chiếc đi đánh bắt cá ngừ đại dương kiểu Nhật mà liên doanh này đã thử nghiệm thành công tại Khánh Hòa thời gian qua.
“Có năm tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân miền Trung được chúng tôi mời tham gia đội đánh bắt của mình. Chúng tôi sẽ chuyển giao, hướng dẫn năm tàu này cách câu, bảo quản cá ngừ kiểu Nhật và dò tìm ngư trường bằng công nghệ vệ tinh mà tàu Yanmar 01 chúng tôi đã thực hiện thành công trong năm 2015” -ông Quang cho biết.
Được biết vào cuối tháng 6-2015, liên doanh này công bố đã thực hiện các chuyến đi biển trong vòng chỉ 9-10 ngày (tàu của ngư dân thường hơn 20 ngày) và câu được lượng cá khoảng 2 tấn, nhờ bảo quản tốt nên bán cho đối tác Nhật Bản với giá 150.000 đồng/kg.
Related news
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, diện tích tôm được thả trong năm nay là 9ha tại xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B. Giá tôm giống năm nay cao hơn năm trước không nhiều, dao động từ 180 đồng - 185 đồng/con, cao hơn khoảng 15 đồng/con. Hiện đàn tôm phát triển rất tốt.
Cuối tuần qua, nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, TP. HCM và khu vực ĐBSCL cho biết, giá heo hơi hiện chỉ còn xấp xỉ 40.000 đồng/kg. Không chỉ heo hơi giảm giá, nhiều chủ trại heo giống cũng “than ngắn thở dài” khi cả tháng trở lại đây, họ không bán heo con ra được mặc dù giá đã liên tục giảm sâu.
Hằng năm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hàng ngàn ha rơm phải bỏ tại ruộng hoặc rải rác tại các cặp bờ kênh. Lũ về, những hạt lúa còn sót lại trôi theo dòng nước tứ tán rơi đều trên mặt ruộng, nằm im trong lòng đất chờ cơ hội phát triển thành lúa von. Còn những đống rơm, trôi lênh đênh trên mặt nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm cản trở giao thông đường thủy. Có không ít nông dân cũng đã tận dụng nguồn rơm dư thừa này để trồng nấm.
Sóc Trăng là một trong 5 tỉnh ở ĐBSCL (gồm Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau) triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên dịch bệnh tôm vẫn diễn biến phức tạp, tôm chết nhiều, dẫn tới thủ tục đền bù thiệt hại gặp rắc rối.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GAP tại phường Đông Lễ - TP. Đông Hà, xã Hải Lệ - TX. Quảng Trị, xã Hải Thượng – huyện Hải Lăng. Quy mô của mô hình là 01 ha với 3 hộ tham gia, mật độ thả nuôi 2,5 con/m2. Tổng kinh phí của mô hình là hơn 80 triệu đồng, trong đó TTKNKN hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn.