Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Xen, Nuôi Xen - Giải Pháp Ổn Định Và Phát Triển Vườn Dừa Ở Bến Tre

Trồng Xen, Nuôi Xen - Giải Pháp Ổn Định Và Phát Triển Vườn Dừa Ở Bến Tre
Publish date: Thursday. October 11th, 2012

Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen hiệu quả trong vườn dừa, với việc lựa chọn cây trồng xen, vật nuôi xen thích hợp với đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh. 
Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Khoa học và Công nghệ, nếu so sánh giữa trồng độc canh cây dừa với dừa xen cacao, dừa xen chanh thì lợi nhuận trung bình hàng năm của mô hình dừa xen cacao đạt 90 triệu đồng/ha, dừa xen chanh đạt trên 61 triệu đồng/ha (dừa chuyên canh là 43 triệu đồng/ha). Lợi nhuận hàng năm còn lệ thuộc vào các yếu tố rủi ro gây thiệt hại như giá cả thấp, sâu bệnh, dẫn đến việc thay đổi cây trồng. Như vậy, nếu gặp phải các rủi ro nêu trên, thiệt hại kinh tế của mô hình chuyên canh là cao nhất. Trong khi đó, mô hình trồng xen là giải pháp kéo giảm thiệt hại khi gặp các rủi ro, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.

Ngay thời điểm dừa khô liên tục rớt giá, các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa càng khẳng định ý nghĩa thiết thực góp phần ổn định nguồn thu cho người trồng dừa. Trong đó, dừa xen cacao được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay với tổng thu nhập tăng gấp đôi so với trồng dừa chuyên canh. Cacao còn được đánh giá là cây có khả năng chống chịu cao, thích ứng rộng. Các giống cacao được nhân rộng để trồng xen vườn dừa hiện nay là TD3, TD5, TD8, TD9, TD10, TD11. Các nhà khoa học đã khẳng định, cây dừa được xem là cây che bóng mát cho cacao, để cacao thuận lợi phát triển. Ngược lại, cacao cũng có tác dụng che phủ, giữ ẩm cho vườn dừa.

Lá cacao có thể là nguồn chất hữu cơ cải thiện đất trồng dừa. Như vậy, mô hình cacao trồng xen trong vườn dừa sẽ hạn chế sự bốc, thoát hơi nước, góp phần giữ ẩm cho vườn dừa trong mùa khô. Bên cạnh đó, một số mô hình trồng xen khác phổ biến như: dừa xen cây có múi; dừa xen măng cụt, dâu; dừa xen chuối... Đặc biệt, mô hình dừa xen bưởi da xanh kết hợp nuôi tôm càng xanh cho hiệu quả cao hơn. Chúng tôi đến thăm mô hình của ông Hồ Văn Phi, ấp Tân Long 2 (xã Tân Thành Bình - Mỏ Cày Bắc). Ông Phi có 6.500 m2 đất trồng dừa. Tận dụng những khoảng đất trống, ông trồng xen bưởi da xanh, dưới mương vườn nuôi tôm càng xanh. Hiện nay, mỗi lứa dừa (khoảng 1 tháng) ông thu hoạch trên 6 trăm dừa (720 trái). Ngoài ra, cứ 20 ngày, bưởi da xanh cho thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng.

Tận dụng mương vườn, ông nuôi tôm càng xanh, mỗi năm cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Nhờ trồng xen và nuôi xen nên trong thời gian qua, mặc dù dừa khô rớt giá, nhưng kinh tế gia đình ông Phi vẫn ổn định. Trao đổi với chúng tôi, ông Phi khẳng định, thu nhập từ mô hình trồng xen bưởi da xanh trong vườn dừa và nuôi tôm càng xanh, lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng chuyên canh cây dừa. 
Ông Huỳnh Văn Trương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Bình cho biết: Hiện nay, toàn xã có trên 1.165 ha dừa. Trong thời gian qua, bà con nông dân đã trồng xen các loại cây cacao, bưởi da xanh, chanh, tắc… Nhìn chung, các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. 
Ông Phạm Văn Hòn, ở ấp Hưng Long (xã Hòa Lộc - Mỏ Cày Bắc) là một nông dân sản xuất giỏi từ mô hình trồng dừa xen cây bưởi da xanh. Với 1 ha đất, ông trồng dừa ta và các loại dừa uống nước như xiêm xanh, xiêm lục, xiêm đỏ. Tận dụng những khoảng đất trống, ông trồng xen trên 100 gốc bưởi da xanh. Mặc dù đã bước sang tuổi 74, nhưng ông vẫn cần cù lao động, ham học hỏi và sáng tạo trong sản xuất, nên vườn của ông cho hiệu quả cao. Mỗi lứa dừa, với 9 công đất trồng dừa, ông thu hoạch trên 1 thiên trái (1.200 trái). Riêng bưởi da xanh, cứ 20 ngày, bán được từ 4 đến 5 triệu đồng. Đối với dừa xiêm, cây đã bắt đầu cho trái và ông cũng có nguồn thu nhập khá cao. Ông Hòn cho biết, để bưởi da xanh phát triển tốt, tuổi thọ cao, cho trái bền thì cần phải có độ che mát nhất định và trồng xen trong vườn dừa là điều kiện tốt nhất. 
Diện tích dừa có xu hướng tăng thêm, đặc biệt trong môi trường biến đổi khí hậu, cây dừa có khả năng thích ứng cao. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm cao cấp chế biến từ dừa ngày càng nhiều. Vì thế, giá dừa xuống thấp trong thời gian qua chỉ là tạm thời, nông dân cần yên tâm sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên vườn dừa. Bởi, đây cũng là biện pháp có thể giúp cây dừa trụ vững, ổn định và phát triển.


Related news

Nghề Trồng Lúa Nghề Trồng Lúa

Dạy cho chính những người nông dân thực thụ cách trồng lúa đúng quy trình, chăm sóc lúa đúng cách... Đó là hình thức dạy nghề tại chỗ rất hiệu quả cho bà con nông dân ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Monday. June 18th, 2012
Phát Triển Vùng Trồng Cây Dược Liệu Phát Triển Vùng Trồng Cây Dược Liệu

Ở nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định, việc trồng cây dược liệu cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến dược phẩm và cho thị trường tiêu dùng đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa

Tuesday. June 26th, 2012
Tôm Hùm Rớt Giá, Người Nuôi Lao Đao Tôm Hùm Rớt Giá, Người Nuôi Lao Đao

Sau cú sốc tôm hùm nuôi lồng tại các xã: Vạn Thạnh (Vạn Ninh), Cam Bình (Cam Ranh) bị chết hàng loạt vì bệnh sữa, người nuôi trong tỉnh Khánh Hòa lại đang gặp phải khó khăn khác khi giá tôm liên tục giảm. Đến thời điểm này, giá tôm hùm chỉ còn 800 ngàn đồng/kg

Wednesday. June 27th, 2012
Liên Kết Bền Vững Liên Kết Bền Vững

Người nuôi cá tra thương phẩm và các DN chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đang gặp khó trước áp lực vốn đầu tư sản xuất. Muốn nuôi 1 ha cá tra, nông dân cần đầu tư vốn từ 6 - 8 tỉ đồng

Thursday. June 21st, 2012
Trồng 150ha Cao Su Tại Huyện Đạ Tẻh Trồng 150ha Cao Su Tại Huyện Đạ Tẻh

Ngày 27.6, UBND huyện Đạ Tẻh cho biết đã có văn bản đề nghị tỉnh UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ thêm 2,8 tỷ đồng để tiếp tục trồng 150ha cao su theo đề án trồng mới 300ha cao su trong cả năm của tỉnh Lâm Đồng tại địa bàn huyện Đạ Tẻh.

Thursday. June 28th, 2012