Trồng xen mắc ca như thế nào?

Theo bà Phan Thị Hồng Lâm - Giám đốc Dự án cây mắc ca (Công ty TNHH Thương mại Du lịch Đức Anh) tại miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên: “Diện tích khuyến cáo dành cho những vườn mắc ca thuần là 6m x 6m (khoảng 300 cây/ha). Nếu trồng xen trong diện tích cà phê, chè, ca cao... thì có thể trồng từ 100 cây mắc ca/ha (10m x 10m) đến 180 cây/ha (6m x 9m)”. Sở dĩ có sự chênh lệch trong phương pháp trồng xen, theo bà Lâm, là do tùy theo giống mắc ca, thành phần đất, độ dốc mà có khoảng cách trồng khác nhau. Bà Lâm cũng cho rằng: “Nếu trồng xen trong vườn cây công nghiệp, thì thời gian thu hoạch mắc ca sẽ lâu hơn, nhưng nông dân có thể tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích và tận dụng được ưu thế của mắc ca là cây chắn gió tầng cao, che nắng, che sương, vì đặc điểm của cây này là cây có tán to, lá rậm”.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Đình Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, thì trong thực tế hiện nay, phần đông nông dân dù trồng xen vẫn trồng theo mật độ 6m x 6m. Mật độ này hoàn toàn sai so với khuyến cáo. Chứng thực cho điều này, ông Quảng dẫn tôi đến một vườn mắc ca trồng xen cà phê ở thôn 3, xã Lộc Quảng (Bảo Lâm). Mặc dù cà phê vẫn xanh tốt và mắc ca đang trong giai đoạn cho trái non, nhưng về lâu dài, ông Quảng cho rằng vườn cà phê này sẽ bị tụt giảm năng suất và sản lượng vì mắc ca sẽ chiếm ưu thế về tầng cao và khả năng quang hợp.
Ông Hồ Đình Quảng phân tích: “Chỉ cần sau 4 - 5 năm trồng, nếu được tỉa cành tạo tán đúng theo kỹ thuật, thì đường kính tán mắc ca thông thường đã là 3 mét và cây đã cao 4 - 5 mét. Nếu cứ theo đà phát triển này thì sau 10 năm, vườn cà phê sẽ hoàn toàn biến thành “rừng” mắc ca. Và lúc đó, nông dân chỉ còn một lựa chọn duy nhất, hoặc là chặt cà phê, hoặc là chặt mắc ca!”. Đó là chưa kể, nếu vào thời điểm thu hoạch rộ mà giá mắc ca trên thị trường không đảm bảo lợi nhuận hoặc không ổn định thì nông dân coi như hoàn toàn mất trắng. Vì vậy, theo ông Quảng: “Cần thận trọng khi khuyến cáo người dân trồng xen mắc ca trong cà phê hoặc chè. Nếu trồng xen, thì nên trồng xen mắc ca trong vườn cà phê với mật độ 12 x 12 mét. Mật độ này mới có thể đảm bảo độ rộng cần thiết để duy trì cả 2 cây.
Cũng theo ông Quảng, đặc điểm của mắc ca là thu hoạch trái rụng. Trong khi đó, người trồng chè hoặc cà phê theo hướng bền vững hiện nay thường giữ cỏ dại lại trong vườn để giữ ẩm và bảo vệ các loài thiên địch. Với một lớp cỏ dày bên dưới gốc như thế thì liệu người thu hoạch mắc ca có thấy trái rụng để lượm hay không. Nếu không kịp thời lượm trái rụng thì trái mắc ca sẽ bị hỏng từ đất, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Thêm vào đó, mắc ca không yêu cầu đất tốt nhưng phải là đất thoát nước tốt, thông thoáng. Việc chăm sóc mắc ca thời kỳ thu hoạch cũng khuyến cáo nên thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc cây để phòng kiến và chuột. Chỉ chi tiết này cũng đủ để khiến người nông dân “đau đầu” khi quyết định trồng xen 2 loại cây này.
Một đặc điểm khác nhau giữa mắc ca và cà phê là tuổi thọ. Mắc ca có tuổi thọ kinh tế từ 40 - 60 năm, thậm chí có những cây ở vùng chuyên canh có thể vượt qua trăm tuổi. Trong khi đó, cà phê có tuổi thọ thấp hơn. Nên việc chọn thời điểm trồng xen 2 loại cây này cũng cần được tính toán, không nên trồng xen khi cà phê đang độ thu hoạch rộ, năng suất cao. Theo Ban chỉ đạo Dự án mắc ca Lâm Đồng, cây mắc ca nên xen canh với cà phê có năng suất dưới 3 tấn/ha và cà phê đang trong giai đoạn tái canh để tránh gây xáo trộn cơ cấu cây trồng.
Related news

Hiện nay, cá chạch được người tiêu dùng ưa thích, thị trường tiêu thụ ổn định. Thành công của mô hình này sẽ là cơ sở để các ngành chức năng của thành phố Cà Mau đánh giá hiệu quả kinh tế, xây dựng quy trình nuôi để chuyển giao và nhân rộng, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Chăn nuôi phát triển đồng nghĩa với việc lượng chất thải từ chăn nuôi thải ra môi trường ngày càng nhiều. Hiện nay, việc ứng dụng xây hầm biogas vào chăn nuôi nhằm xử lý triệt để nguồn chất thải, tiết kiệm chi phí tiền mua khí đốt, góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt khu vực đông dân cư đang được một số địa phương thực hiện, mang lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nạn đánh bắt mang tính hủy diệt NLTS vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai diễn ra khá phức tạp. Trên 50 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay, tịch thu và tiêu hủy 250 cheo lừ xếp mắt lưới nhỏ, 50 bộ kích điện, xử phạt hành chính trên 140 triệu đồng là con số đáng báo động.

Diện tích chè của Hà Giang hiện có 20.305 ha, diện tích cho thu hoạch 16.932 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 57.598 tấn. Ngành chè đã và đang mang lại đời sống, thu nhập cho hàng chục NGHÌN đồng bào. Tuy nhiên, khảo sát thực tiễn cho thấy đời sống của người làm chè hiện nay vẫn còn thấp, các mối liên kết còn bấp bênh. Rất cần một “cú hích” để ngành chè phát triển đúng với tiềm năng.

Tại hội nghị, tiến sỹ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi nhuyễn thể nói riêng đạt hiệu quả kinh tế cao phụ thuộc vào nguồn giống tốt và khoa học kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các tỉnh phía Bắc trong nuôi nhuyễn thể là nguồn giống trong nước sản xuất ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu con giống của ngư dân, phần còn lại phải nhập giống chủ yếu từ Trung Quốc nên khó kiểm soát chất lượng con giống.