Trồng tiêu ở đất Bình Quế

GIA đình anh Lê Văn Chút (tổ 14, thôn Bình Phụng, xã Bình Quế) có 3 sào đất vườn. Trước đây, toàn bộ diện tích này được trồng bắp và gừng, mỗi năm cho thu hoạch 3 - 4 triệu đồng. Nhận thấy việc trồng các loại cây này không mang lại hiệu quả cao nên từ đầu năm 2014, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư gần 20 triệu đồng để cải tạo lại diện tích đất, trồng gần 200 trụ tiêu.
Anh Chút cho biết: “Năm 2010 tôi được đi tham quan một số vườn tiêu tại tỉnh Quảng Trị. Thấy điều kiện đất đai ở đó cũng gần giống với địa phương mình nên tôi đã ấp ủ ý định thay đổi diện tích hoa màu của nhà mình để trồng tiêu. Nhưng khi đó, vì chưa có kinh nghiệm nên mãi đến năm 2014, khi đã tìm hiểu được những kỹ thuật cơ bản trong việc trồng và chăm sóc tiêu tôi mới tiến hành trồng”.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu hiệu quả, ông Trương Văn Hương (một nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng tiêu tại huyện Tiên Phước) cho biết, để trồng tiêu thành công, việc chọn giống tốt có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và khả năng đề kháng với dịch bệnh sau này. Mặt khác, phải chọn những giống có nguồn gốc rõ ràng, đã kiểm định được năng suất và khả năng kháng dịch bệnh, chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường. Và phải chọn dây đã già cứng cáp có nhiều mắt rễ bám thì cây sẽ phát triển tốt hơn. Cắt lấy khoảng 3 - 4 mắt, chiều dài tối ưu là 30 - 40cm tùy vào khoảng cách của mắt dây. Kinh nghiệm của ông là chọn giống đảm bảo chất lượng. Theo đó, khi mua giống, ông lựa chọn mua những đơn vị cung ứng có uy tín. Đất đai được chuẩn bị kỹ càng, nhất là việc xử lý đất phải sạch bệnh bằng cách phát, dọn cỏ dại sạch sẽ, đào hố và xử lý hố kỹ càng trước lúc xuống giống khoảng 1 tháng bằng cách bón vôi bột, phun thuốc diệt nấm, mối, kiến. |
Theo anh Chút, tiêu là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ những kỹ thuật trong các khâu từ chọn giống, chuẩn bị đất đai, trồng và chăm sóc. Trong thời gian đầu, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với việc áp dụng có hiệu quả các cách chăm sóc nên vườn tiêu của anh phát triển tốt, không bị dịch bệnh. “Mình phải mạnh dạn thay đổi thì mới có cơ hội thoát nghèo được.
Khi phát hiện những cái mới, cái hay, cái phù hợp thì nên vận dụng làm chứ cứ sợ khó, sợ thất bại thì không thể phát triển được” - anh Chút chia sẻ. Cũng tại thôn Bình Phụng, gia đình anh Trương Công Hậu cũng có hơn 100 gốc tiêu trồng được hơn 2 năm đang sinh trưởng tốt. Anh Hậu cho biết: “Vì thời tiết của miền Trung thường nắng hạn kéo dài nên để cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt thì mình phải chủ động nước và phải tưới thường xuyên để giữ độ ẩm cho cây. Đồng thời phải bón phân chuồng cung cấp đầy đủ chất hữu cơ để cây tiêu phát triển tốt”.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số vườn tiêu trên địa bàn xã, ông Nguyễn Thái Hậu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho biết, hiện địa phương có hơn 100 hộ trồng tiêu, hầu hết vườn tiêu chưa đến mùa thu hoạch nhưng đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương trong vài ba năm tới. Ông Hậu cho biết thêm, đầu năm 2015, Tổ chức A.O.G của Úc tại Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật và hơn 30 triệu đồng để mua giống tiêu cho một số người dân tại xã Bình Quế.
Các giống tiêu được chọn lọc kỹ càng, đặc biệt lần này, giống tiêu của huyện Tiên Phước được ưu tiên vì có nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện đất đai của xã Bình Quế. “Trong thời gian tới, Bình Quế sẽ mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng tiêu.
Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn nữa về kỹ thuật để phổ biến kiến thức chăm sóc tiêu cho bà con. Chúng tôi khuyến khích bà con nên chọn trồng giống tiêu Tiên Phước vì địa phương này có những điểm tương đồng điều kiện tự nhiên, vì thế sẽ thuận lợi hơn trong quá trình trồng và chăm sóc” - ông Nguyễn Thái Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế nói.
Related news

Thị trường nông sản đang nóng dần lên khi hàng loạt trái cây đang chín rộ. Điểm đáng mừng là sức tiêu thụ mạnh và giá ổn định hơn so với cùng kỳ, mặc dù giá đã có chiều hướng giảm.

Khoai môn là cây trồng truyền thống của người dân một số ấp thuộc xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, những năm gần đây, do điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, cây môn trở thành cây màu chủ lực của xã Đại An, tạo nguồn thu ổn định cho người dân. Tuy nhiên, do thiếu điện phục vụ tưới tiêu nên diện tích khoai môn của xã Đại An khó có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Gia đình anh Lê Băn Bực ở ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chuyên làm nghề trồng nấm rơm. Mỗi năm sản xuất ít nhất 5 vụ nấm, nhưng từ tháng 10/2014 đến nay, anh đã tạm dừng công việc trồng nấm rơm để chuyển sang trồng dưa hấu với lý do nấm rơm thường bị mất mùa dẫn đến thua lỗ.
Năm 2015, toàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) xuống giống được 59ha gừng, tập trung nhiều ở các xã Phương Bình, Hòa An, Kinh Cùng và Hiệp Hưng… đến nay đã thu hoạch khoảng 4,5ha. Sau khoảng thời gian dài giá gừng đứng ở mức cao trung bình từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì đến nay giá gừng chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg.

Nhiều năm nay, rau củ an toàn là một vấn đề được rất nhiều người tiêu dùng cũng như các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hiện diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn rất hạn chế; người trồng rau chưa thực sự mặn mà đầu tư cho sản phẩm này.