Trồng Rau Nhút Sạch
Rau nhút là loại chỉ ưa sống và phát triển tốt ở vùng nước sạch sẽ. Người trồng rau nhút cũng không cần sử dụng nhiều phân, thuốc nên loại rau này còn được xem là thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đó là điều kiện thuận lợi để mô hình trồng rau nhút được nhiều hộ dân ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú - An Giang) nhân rộng.
Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan địa điểm tập trung trồng rau nhút gần trung tâm chợ Vĩnh Tre, ông Nguyễn Lê Văn Hoàng, người chuyên đi thu mua rau nhút hồ hởi giới thiệu: “Vùng này hộ nào cũng trồng từ mười mấy tới hai chục công trở lên, cung cấp nguồn rau quanh năm cho các bạn hàng. Trồng rau nhút được lợi ở chỗ nhẹ vốn, thu hoạch được nhiều đợt trong một lần xuống giống và lợi nhuận cũng khá nên thích hợp để nhiều hộ nghèo áp dụng”. Theo những hộ trồng tại đây, rau nhút sở dĩ gọi là “rau sạch” vì nó được trồng tuân thủ theo nguyên tắc từ đầu đến lúc thu hoạch.
Không giống như những chỗ khác trồng theo bờ sông, kênh rạch, rau ở đây trồng trong hào, trước đó phải tát sạch nước, xử lý vôi và ốc bươu, xả nước rửa trôi mới bơm nguồn nước vào để trồng. Hễ bị nhiễm nguồn nước bẩn từ ngoài vào, rau sẽ chết hoặc bệnh làm giảm năng suất, cọng rau cũng không tươi ngon, dẫu có bán ra thị trường cũng không ai mua. Anh Đỗ Văn Lộc, trồng 20 công rau nhút chia sẻ: “Loại rau này không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hiếm khi rau bị bệnh mới dùng thuốc đặc trị, ngoài ra chỉ cần phun thuốc dưỡng cho rau xanh tươi, thậm chí nếu nguồn nước đảm bảo, rau phát triển tốt và không có biểu hiện lạ thì không cần đến thuốc dưỡng cũng được”.
“Trồng rau nhút dễ mà không dễ, nhưng khó cũng không khó”, đó là lời chia sẻ chung của những người có kinh nghiệm trồng lâu năm. Vài ba vụ đầu tiên, họ cũng chịu thua lỗ vì không nắm rõ kỹ thuật. Kinh nghiệm ở đây chủ yếu là “nghề truyền nghề”, chứ không có sách vở nào cụ thể, phải chú ý màu rau và canh chừng liên tục để đoán biết chúng có biểu hiện bệnh gì hay không và tìm cách điều trị thích hợp. Rau nhút sau khi trồng chỉ 20 ngày là có thể thu hoạch, cứ 10 ngày hái một đợt đến lứa thứ 6 mới thay dây mới.
Bình quân mỗi công đạt năng suất trên 300kg, bán với giá 3.000 đồng, người trồng đã có khoản lời 1 triệu đồng/công. Với những nông dân đang gắn bó với mô hình này (đa phần thuộc hộ nghèo), rau nhút đã giúp họ tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể ngoài làm ruộng và các nghề theo mùa vụ. Bên cạnh đó, nghề hái rau nhút cũng giúp cho số đông lao động tại chỗ có việc làm liên tục với tiền công 100.000 đồng/người, chỉ bỏ ra hai đến ba tiếng đồng hồ bắt đầu từ 3 giờ sáng hàng ngày.
Nhờ đầu ra thuận lợi, để ý thêm tính “sạch” của loại rau này, ông Hoàng bèn nghĩ thêm ý tưởng chế biến rau thành mặt hàng “cao cấp” hơn, chuyên cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh. Rau sau khi thu mua về, trừ số lượng giao tại các chợ địa phương, phần khác ông cùng gia đình gia công bóc bỏ phần “phao” trên thân rau, chọn lọc, rửa sạch và bó gọn đẹp hơn, vận chuyển lên Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh để bán lại với giá cao hơn. Hàng này, ông Hoàng bỏ công đi tìm rau nhút ở khắp nơi, từ vùng trồng ở thị xã Châu Đốc đến các xã vùng trong của Châu Phú để đảm bảo có đủ nguồn rau bán ra.
Nếu giá rau nhút mua tại chỗ chỉ 3.000 đồng/kg, qua trung gian ra đến chợ tăng lên 7.000 – 8.000 đồng/kg thì “rau nhút sạch” qua sơ chế của ông có thể bán với giá gấp đôi. Ông Hoàng cho biết, trước đó ông chuyên theo nghề trồng nấm rơm, sau vì nguyên liệu rơm ngày càng khan hiếm, ông bèn tìm kế sinh nhai khác. Chạy xe lòng vòng thấy bà con trồng rau nhút nhiều quá, ông mua về làm đầu mối phân phối cho các chợ, thấy thuận lợi nên gia đình ông đã đeo theo nghề 2 năm nay.
Dễ làm, dễ kiếm lời nhưng những người trồng rau nhút hiện nay vẫn còn trăn trở bởi đa số họ đều thuộc hộ nghèo, phải thuê đất để trồng rau nên điều kiện sản xuất chưa được mở rộng. Mong muốn duy nhất của bà con là được hỗ trợ về vốn, liên kết các hộ để giúp đỡ nhau cùng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Related news
Chiều 1/10, trận mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại TP Đà Lạt và các vùng phụ cận gây ra tình trạng lụt cục bộ, làm ngập nhiều nhà cửa và diện tích rau, hoa của người dân.
Bệnh thán thư đang phát sinh gây hại mạnh một số vườn chuối tiêu (chuối lùn) ở các địa phương.
Từ khi chính quyền huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) quyết liệt thực hiện Đề án hỗ trợ cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn trên địa bàn, nhiều hộ nông dân đã thay đổi thói quen trồng trọt, biến những mảnh đất quanh năm phủ đầy cây dại trở thành những vườn cây cho quả ngọt bốn mùa.
Từ nguồn vốn đầu tư của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND - thuộc T.Ư Hội NDVN) cho vay dự án nuôi bò sinh sản, các hộ dân thôn Thống Hạ, xã Việt Thống, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã tự tin mua bò giống, mở rộng chăn nuôi...
Sau 5 tháng điều tra vụ Công ty CP Sản xuất – thương mại Thuận Phong có dấu hiệu tổ chức sản xuất phân bón giả, đến nay cơ quan điều tra tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Hàng hóa của công ty bị niêm phong, cả trăm công nhân phải nghỉ việc.