Khoai môn ế ẩm, nông dân bấm bụng băm cho cá ăn
Đến nay, ngay cả ngành nông nghiệp địa phương cũng không thể thống kê đầy đủ diện tích khoai môn được người nông dân trồng bao nhiêu, song cây trồng này hiện tập trung nhiều nhất ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Chợ Mới.
Một chủ vựa khoai môn ở xã Hội An, huyện Chợ Mới nói cho biết: “Năm ngoái, ngoài việc mua củ cái (khoai ăn) để giao hàng cho các thương lái từ TP.HCM, vựa của tôi còn được các thương lái khắp Nam, Trung, Bắc, đặt hàng khoai giảo (khoai giống). Trung bình mỗi tuần tôi bán hàng chục tấn khoai giảo, nhưng năm nay thì vẫn chưa thấy thương lái đâu”.
Thấy “dễ ăn”, nông dân (ND) 2 huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn cũng đua nhau chở giống lên núi trồng dưới tán rừng, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Năm 2014, mặc dù đường lên núi rất khó khăn nhưng ông N.C.T chi hàng trăm triệu đồng đưa khoai môn giống lên trồng trên 2ha đất trên núi Dài, huyện Tri Tôn. “ND bên cánh Tà Lọt (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) trúng khoai môn, tôi thấy ham quá. Giữa năm 2013, thương lái từ Campuchia xuống mua giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Trồng dưới tán rừng trên núi này (núi Dài, huyện Tri Tôn), khoai môn chỉ cần 3.000 đồng/kg cũng đã có lãi” – ông T cho biết.
Sau khi ông T trồng, khoai phát triển tốt, nhiều ND canh tác trên núi Dài cũng ùn ùn trồng theo. Thậm chí, ở dưới đồng bằng, nhiều hộ còn thuê thêm đất để trồng khoai môn.
Do quá nhiều hộ đua nhau trồng khoai môn, sản lượng dư thừa nên từ đầu năm 2015 đến nay, giá khoai rớt liên tục và hiện tại chỉ còn bằng 1/5 so trung bình những năm trước. Ông Nguyễn Văn Sanh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Mới cho biết: “Nhận thấy khoai môn không nằm trong danh mục quy hoạch của địa phương và số lượng trồng tăng quá nhanh, chúng tôi khuyến cáo bà con nên cân nhắc không trồng nhiều. Tuy nhiên chỉ cần thấy giá hấp dẫn tức thời, họ vẫn đua nhau trồng”. Cũng theo lời ông Sanh: “Cách đây vài ngày có người kêu bán 4 công (0,4ha) khoai môn giá chỉ có 1 triệu đồng mà thương lái còn vặn vẹo không muốn mua”.
Ê chề hơn nữa là toàn bộ khoai môn trồng trên các núi 2 huyện miền núi đều có chung số phận “nằm chờ”. Ông N.C.T cho biết, 2ha khoai môn của ông đã quá ngày thu hoạch hơn nửa năm rồi, mà không ai mua. “Ở dưới đồng bằng giá 1.000 đồng/kg, mà chỗ bán được chỗ không. Còn ở trên núi này, kêu thương lái họ không thèm ngó tới gì cả. Hơn 2ha khoai của tôi thu hoạch ít nhất cũng 60 tấn mà bây giờ phải nằm chờ, bỏ thì không đành mà chờ thì không biết đến bao giờ ” – ông T than vãn.
Trước việc bán chẳng ai mua, nhiều ND vùng núi Dài đang có “sáng kiến” là băm khoai môn nấu cho cá ăn. Theo Phòng NNPTNT huyện Chợ Mới, hiện có không dưới 250ha khoai môn đến ngày thu hoạch, kêu bán mà chẳng ai mua.
Related news
Các địa phương miền núi xác định phát triển kinh tế rừng đóng vai trò then chốt, tạo ra đòn bẩy để giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, dấu ấn phát triển kinh tế rừng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực đất đai và bộc lộ một số bất lợi cần khắc phục.
Nhà máy sản xuất kêu khó khăn, lỗ; các siêu thị, cửa hàng bán lẻ kêu lãi không đáng kể; trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua giá cao hơn nhiều nước trong khu vực, vậy vấn đề nằm ở đâu?
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 39 nghìn ha lúa, trong đó diện tích lúa mùa sớm chiếm khoảng 60%. Hiện nay, lúa mùa sớm đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp, lúa mùa trung giai đoạn làm đòng- trỗ bông, lúa mùa muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh.
Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.
Làm ra hạt gạo là điều quen thuộc với người nông dân. Thế nhưng để sản xuất được “gạo sạch” là cả một quá trình không hề đơn giản. Việc tập đoàn Quế Lâm sản xuất thành công gạo hữu cơ đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân tỉnh TT- Huế.