Trồng Rau Màu Sạch

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất đem lại lợi nhuận thì việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nhiều người dân. Vì vậy, thời gian qua, thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ đã vận động thành lập các tổ, nhóm sản xuất để hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho bà con nông dân, trong đó có câu lạc bộ (CLB) trồng rau màu sạch ở ấp Khánh Hưng 1.
Trong mấy năm gần đây, người dân thị trấn Trà Lồng đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích lúa năng suất thấp sang trồng rau cải sạch an toàn và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau gần 3 năm thành lập, với 7 thành viên, CLB trồng rau màu sạch ở ấp Khánh Hưng 1 đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên. Anh Hồ Thanh Hài, Chủ nhiệm CLB, tâm sự: Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, nếu trồng lúa sẽ cho thu nhập không cao. Chính vì vậy, qua nhiều lần tham quan các mô hình, tôi mạnh dạn lên liếp trồng màu với diện tích gần 3.000m2. Sau nhiều năm canh tác, cùng với việc rút tỉa kinh nghiệm, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật nên những năm gần đây, cuộc sống gia đình đã khá giả lên nhiều, mức thu nhập trên dưới 40 triệu đồng/năm.Tại CLB trồng rau màu sạch ở ấp Khánh Hưng 1, định kỳ mỗi tháng họp lệ từ 1-2 lần để chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm hiểu và phòng trừ một số loại bệnh thường gặp trên cây màu. Nhờ vậy, trong những năm qua, các thành viên trong CLB đã ăn nên làm ra, đời sống được cải thiện. Anh Hồ An Khương, thành viên CLB, chia sẻ: “Gia đình tôi tận dụng diện tích 2.000m2 để trồng các loại rau xà lách, cải xanh, cải ngọt, cho thu nhập hàng ngày từ 100.000-200.000 đồng. Ngoài ra, còn tận dụng nguồn thức ăn từ các loại rau để nuôi heo giảm được nhiều chi phí”. Hiện cuộc sống gia đình anh Khương đã khấm khá hơn trước. Mặc dù trồng màu có cực công, nhưng thu nhập cao hơn gấp mấy lần so với cây lúa nên tới đây, gia đình anh sẽ tiếp tục trồng để cải thiện nguồn thu nhập.
Hiện toàn thị trấn Trà Lồng có 168ha trồng màu các loại, nhờ người dân áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật nên hiệu quả mang lại khá cao. Theo UBND thị trấn Trà Lồng, hiệu quả từ mô hình trồng rau sạch trên địa bàn là không thể phủ nhận. Trong thời gian tới, thị trấn sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình này, đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư hỗ trợ cây con giống cũng như tổ chức nhiều cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây màu cho bà con nông dân. Anh Hồ Văn Tuấn, cán bộ khuyến nông thị trấn Trà Lồng, cho biết: Những năm gần đây, người dân trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng nhiều mô hình phù hợp như: nuôi cá, trồng màu. Nhưng cái khó của thị trấn hiện nay là việc tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, vì điều kiện còn hạn chế. Trong năm 2012, địa phương sẽ liên hệ với Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ cùng các công ty sản xuất giống tổ chức hội thảo, cũng như tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác để giúp cho bà con nắm bắt được quy trình sản xuất, đem lại hiệu quả cao hơn trong quá trình canh tác.
Một điều cần nói thêm ở đây là bên cạnh hiệu quả của cây màu thì cái khó trong việc phát triển rau cải sạch hiện nay là thị trường tiêu thụ vẫn chưa ổn định, giá cả còn nhiều bấp bênh, thậm chí giá không hơn rau bình thường. Trong khi, rau cải sạch lại có quy trình chăm sóc và đầu tư tốn kém hơn. Do đó, để mô hình trồng rau sạch an toàn ngày càng phát huy hiệu quả, thị trấn Trà Lồng cần có những chính sách đầu tư đúng mức để cây rau màu sạch có hướng đi phù hợp, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện hơn…
Related news

Chị Bòng cho biết, thu nhập hàng năm của gia đình chị sau khi trừ chi phí vẫn còn 800 triệu đồng... Là người tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình sinh kế mới của người dân vùng cát trắng xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, chị Hồ Thị Bòng, thôn Đông Hải, xã Quảng Ngạn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dự án giao đất giao rừng cho người dân chăm sóc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn của lâm trường Lắk – huyện Lắk – Tỉnh Đắk Lắk đã tạo việc làm cho không ít hộ gia đình trên địa bàn huyện Lắk.

Nhờ tính cần cù, chịu khó và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nông dân Lê Văn Nhang (66 tuổi), thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Làm giàu không dễ nhưng cũng không khó với những người có ý chí và nghị lực như anh Nguyễn Thanh Sơn ở thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Với nhiều người dân thôn Nhuận Trạch (xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội) thì cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thung là tấm gương vượt khó để làm giàu trên vùng chiêm trũng quê hương.