Cây Tiêu Bén Duyên Trên Đất Bình Sơn
Cách đây 5 năm, một số hộ dân các xã khu đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã mang giống tiêu nổi tiếng ở Vĩnh Linh về trồng. Nhưng cây tiêu mọc lên còi cọc nên nhiều người muốn bỏ. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, cây tiêu bỗng phát triển xanh tốt, đơm hoa, kết trái, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển cây tiêu.
Năm 2009, anh Đặng Tấn Thượng, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải mang từ Buôn Hồ (Đắk Lắk) về 15 cây tiêu giống Vĩnh Linh. Ban đầu, anh chỉ trồng cho vui chứ không có ý trồng với mục đích kinh tế. Vì thế, sau khi trồng anh chỉ bỏ ít phân chuồng, tưới ít nước rồi bỏ mặc cho cây tiêu tự phát triển. Vậy mà sau 3 năm, những cây tiêu đã ra trái. Đến nay, những gốc tiêu ngày nào đã sai quả, năng suất năm sau cao hơn năm trước.
Nhận thấy cây tiêu thật sự “bén duyên” trên vùng đất quê mình, anh Thượng trồng thêm 45 gốc trong vườn nhà và 100 gốc trồng bám trên rẫy cây xà cừ. Anh Thượng chia sẻ: “Đất này trồng tiêu sai quả lắm. Vừa rồi tôi thu được khoảng 100kg tiêu. Với giá bán từ 150 – 200 nghìn đồng/kg, tôi thu về gần 20 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nếu muốn đầu tư trụ bê tông có sắt bên trong thì phải bỏ vốn nhiều”.
Đứng trước vườn tiêu xanh ngút tầm mắt, lão nông Phạm Vững hồ hởi chia sẻ: “Giống tiêu thật ưa đất này! Lúc mới đem giống về trồng, nó lên còi cọc lắm. Tôi cứ tưởng, đất này không thích hợp cho cây tiêu nên cũng chẳng chăm bón gì. Ai dè chỉ sau 2 năm, tiêu đã vươn lên xanh tốt”. Hiện tại, vườn tiêu của ông Vững có trên 60 gốc, trong đó 30 gốc đã được 8 năm tuổi.
Không giống như những nông dân khác, lão nông Vững có cách trồng tiêu vô cùng đặc biệt. Thông thường, nông dân hay sử dụng biện pháp đôn dây tiêu vào năm thứ 2. Sau khi rễ nhú ra từ các khoanh dây được đôn xuống thì vun gốc bón phân cho tiêu. Tuy nhiên, ông Vững không làm như thế mà cạo vỏ trên các đốt thân tiêu, rồi tưới nước liên tục, như thế tiêu sẽ nứt nhiều chèo.
Cứ như thế, trung bình một gốc tiêu, ông Vững sẽ tạo ra được 3 gốc và gốc nào cũng cho sai quả. Ngoài ra, lợi dụng trong vườn có cây cối nên ông Vững áp dụng mô hình trồng tiêu trên “trụ sống”. Tất cả cây cối trong vườn từ xoài, sung, mận cho đến cây cau ông đều biến thành trụ cho tiêu bám vào.
Nói về kinh nghiệm trồng tiêu, ông Vững cho biết: Cây tiêu coi vậy chứ cũng khó tính. Đặc biệt là vào mùa nắng, không nên tưới nước nhiều mà hãy để cho tiêu chịu hạn. Khi nào trời gần mưa mới tưới nước, nếu không tiêu sẽ bị lỏng gốc mà chết.
Có thể xây dựng vùng chuyên canh tiêu?
Thấy cây tiêu sinh trưởng tốt, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên lão nông Vững muốn mở rộng diện tích trồng, nhưng điều khiến ông lo chính là không có vốn để đầu tư xây trụ.
“Vườn tôi rộng tới cả mẫu. Giờ tôi muốn đúc trụ trồng tiêu hết nhưng không có vốn. Bởi chi phí mỗi trụ bê tông có sắt bên trong có giá gần cả triệu đồng. Nhưng bây giờ mình già rồi, lấy đâu ra số tiền lớn thế”, lão nông Vững cho hay.
Tuy nhiên, không vì thế mà ông Vững bỏ ý định mở rộng diện tích trồng tiêu. Ông bảo: “Không có điều kiện thì mỗi năm mình trồng thêm 10 gốc. Như vậy năm nào mình cũng có tiêu bán, tha hồ có tiền dưỡng già”.
Ông Phạm Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải nhận định: “Phải nói cây tiêu trồng trên đất Bình Hải là rất thích hợp. Hiện tại, toàn xã có khoảng 10 hộ trồng tiêu với tổng diện tích khoảng 1ha. Lúc đầu, người dân chưa thấy được hiệu quả của cây tiêu nên chỉ trồng quanh vườn theo kiểu cho leo lên cây mít, cây xoài. Những năm gần đây, thấy cây tiêu có giá nên nhiều người đã bỏ công chăm sóc kỹ hơn, đầu tư đổ trụ bê tông để trồng”.
Còn theo ông Phan Diệp- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn thì cây tiêu được huyện xếp vào nhóm cây có tiềm năng và lợi thế. Do vậy, huyện cũng đang có kế hoạch trong thời gian tới sẽ phát triển, mở rộng diện tích trồng tiêu. Trong đó, tập trung ở các xã khu đông và một số xã khu tây như: Bình Minh, Bình Khương, Bình An. Tuy nhiên, một khi đã trồng với mục đích kinh tế thì cần phải có sự đầu tư, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để mang lại hiệu quả cao nhất.
Related news
Đến trại chim bồ câu Mạnh Trung (Tân Hiệp, Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng), ấn tượng đầu tiên là hàng trăm cặp chim bồ câu lông trắng, chân hồng được nuôi nhốt trong lồng xếp thành một dãy dài. Nhẹ nhàng bắt một con bồ câu ra, anh Phùng Mạnh Trung - chủ trại chim cho biết hiện trại có hơn 500 cặp bồ câu, tất cả đều là giống của Pháp. Ít ai nghĩ trại chim có giá trị hơn nửa tỉ đồng này là của một thanh niên mới ngoài đôi mươi.
UBND huyện Chương Mỹ cùng Chi cục Thủy sản Hà Nội vừa phối hợp tổ chức mít tinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản và trực tiếp thả hơn 150kg cá giống (trên 6.000 con cá chép, cá chày mắt đỏ và cá trôi) xuống sông Bùi (địa phận xã Thủy Xuân Tiên).
Xã Phước Hòa (Tuy Phước) có nhiều diện tích mặt nước nằm ven đầm Thị Nại, là 1 trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại. Nợ nần chồng chất khiến các chủ hồ tôm trở thành những “chúa chổm” vùng đầm.
Là người có diện tích trồng mướp lớn nhất xóm 2, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định, mỗi tháng anh Nguyễn Triều Hải có thu nhập cả chục triệu đồng.
Trong khoảng một tháng trở lại đây, trên vỉa hè khu vực đầu cầu phía bờ trái sông Đà thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) xuất hiện một vài người bán những xâu chim đã được vặt lông sẵn, mỗi xâu có 30 – 40 con. Sáng ngày 17/4 lại xuất hiện một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh rêu bán chim.