Trồng Nấm Sò Có Thể Làm Giàu
Đó là khẳng định của vợ chồng chị Vũ Thị Tươi và anh Sin Sao Lù, trú tại tổ 4, thị trấn Cốc Pài, chủ cơ sở sản xuất và chế biến nấm Sò ở huyện Xín Mần.
Là một nông dân ở tỉnh Thái Bình, chị Tươi kết duyên với anh Lù ở Tuyên Quang nhưng quê gốc xã Tả Nhìu (Xín Mần). Cuộc sống khó khăn, 2 năm trở lại đây, chị Tươi cùng chồng quyết định về quê hương Xín Mần tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế. Ban đầu anh chị làm công nhân cho Công ty VinaFood nằm trên địa bàn huyện, chuyên thực hiện các dự án, mô hình trồng rau, nấm...
Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, năm 2013 công ty phá sản. Với 2 năm kinh nghiệm tích lũy được và nhờ sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, tháng 8.2014, vợ chồng chị Tươi xây dựng cơ sở trồng và chế biến nấm Sò tại tổ 4, thị trấn Cốc Pài. Cho đến nay, vợ chồng chị đã đầu tư hơn 120 triệu đồng thuê hơn 100m2 mặt bằng làm địa điểm trồng nấm và đã trồng 8.000 bịch nấm.
Hầu hết số bịch nấm giống gia đình chị nhập từ một cơ sở sản xuất của người quen ở tỉnh Thái Nguyên với giá thành 20.000/bịch (tính cả công vận chuyển). Theo cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài cho biết: Nấm khi bắt đầu được cấy phôi, với thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch hiệu quả. Nếu chăm sóc tốt mỗi bịch nấm có thể cho thu hoạch tối đa trong vòng 4 tháng.
Cùng cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài tham quan cơ sở sản xuất nấm của chị Tươi, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những gì chị Tươi chia sẻ: Chỉ sau 3 tháng nấm cho thu hoạch, mỗi ngày tôi và chồng có thể hái được từ 30 đến 50 kg nấm. Cho đến nay cơ sở của tôi đã xuất bán ra thị trường gần 3 tấn nấm, với giá thành 50 nghìn đồng/kg đổ buôn và 60 - 70 nghìn đồng/kg bán lẻ, chúng tôi đã thu đủ số vốn bỏ ra và cơ bản đã có lãi.
Trong khi 8 nghìn bịch nấm của gia đình tiếp tục được thu hoạch trong khoảng 1 tháng nữa mới phải thay, cho đến lúc đó chắc chắn sẽ còn hái thêm được cả tấn nấm nữa và sẽ lãi thêm hàng chục triệu đồng. Cũng theo chị Tươi, trồng nấm không khó, công chăm sóc chủ yếu là tưới nước sạch để đảm bảo các bịch nấm không bị bệnh.
Vì vậy cho đến nay, dù trồng hàng nghìn bịch nấm nhưng chị chưa phát hiện ra bịch nào bị bệnh và hỏng. Bên cạnh đó, để có được những cây nấm tươi, ngon thì phải hiểu, nắm chắc và thường xuyên theo dõi thời tiết, thời gian sinh trưởng của cây nấm để có biện pháp chăm sóc (tưới nước), thu hái hợp lý.
Theo kinh nghiệm những người trồng nấm và kỹ thuật trồng nấm thì cây nấm chủ yếu phát triển về đêm và thời gian phát triển thường tính bằng giờ chứ không bằng ngày như những loại cây khác. Cho nên người nắm được kiến thức trồng nấm sẽ có thể thu hoạch được sản lượng nấm lớn và chất lượng.
Mặc dù mới đầu tư trồng nấm và thu hoạch chưa đến 4 tháng, ngoài thị trường huyện Xín Mần, cơ sở sản xuất nấm của chị Tươi đã mở rộng thị trường cung cấp nấm cho các huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình và Bắc Hà (Lào Cai). Chị Tươi cho biết, nếu trồng nấm với số lượng lớn chắc chắn sẽ làm giàu được từ cây nấm.
Vì vậy, trong năm 2015, gia đình chị tiếp tục sẽ trồng thêm khoảng 4 nghìn bịch nấm nữa và đầu tư thiết bị tự sản xuất bịch nấm giống để giảm thiểu chi phí và cung cấp cho các địa phương, gia đình trong và ngoài huyện có nhu cầu sản xuất.
Related news
Mùa khô hạn, chuồng trại nuôi dê phải khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, tránh được nóng và ẩm ướt. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 50 – 80cm. Chuồng nuôi cần đảm bảo diện tích: Dê đực giống: 1,5 - 2m2, dê thịt 0,6m2. Cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống hàng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần/lần.
Vịt trời vốn bị coi là loài không có tác dụng. Nhưng vài năm trở lại đây, một số hộ nông dân miền xuôi đã thuần chủng, nuôi loài vật này, thu nhập cao. Cách làm này đã được ông Cầm Văn Luân, bản Chiến, xã Chiềng San (Mường La, Sơn La) học tập, áp dụng xây dựng mô hình nuôi vịt trời hiệu quả.
Năm 2012, Công ty TNHH Trung Đồng (TP.Biên Hòa) nhập lô bò Úc nguyên con đầu tiên về Việt Nam. Tiếp theo đó, không thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm và không trong ngành thực phẩm tham gia nhập và phân phối bò Úc, như: Vissan, Hoàng Anh Gia Lai... “Cơn sốt” nhập bò Úc hiện vẫn lan nhanh.
Hiện nay, trong khi nhiều thanh niên nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm, không mấy người mặn mà với công việc nhà nông thì anh Mai Tất Thát (thôn Bảo Châu, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) lại quyết tâm theo đuổi, đưa giống thỏ trắng New Zealand về nuôi thử nghiệm. Bằng niềm đam mê, sự sáng tạo, anh đã vượt qua mọi gian khó, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên đất quê hương.
Trong tháng 6 tới, những lứa bò Kobe đầu tiên “made in Việt Nam” xuất chuồng và bán tại thị trường Lâm Đồng.