Trồng lúa Séng Cù, lợi nhuận tăng 200%
Vừa được năng suất, vừa được giá bán
Tham gia dự án từ năm 2013, chị Trần Thị Ngần với diện tích 20 sào cho biết, giống lúa này vừa được về năng suất (250kg/sào/vụ), lại vừa được về giá (13.000-15.000 đồng/kg thóc), giá trị mỗi sào đạt tới 65-70 triệu đồng/vụ, tăng gần 200% so với gieo cấy lúa lai.
Cũng như nhiều hộ nông dân khác tham gia dự án lúa chất lượng cao, thu nhập của gia đình chị Ngần đã tăng đáng kể, cuộc sống gia đình được cải thiện nhanh chóng và vững chãi.
Từ chỗ ăn mặc, chi tiêu eo hẹp, hiện tại gia đình chị đã mua sắm được các thiết bị đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, xe máy…
Cán bộ và bà con thăm mô hình sản xuất lúa chất lượng tại xãThanh Phú, huyện Sa Pa, Lào Cai.
Khi tham gia vào dự án này, gia đình chị Ngần cũng như những hộ nông dân khác được hỗ trợ về mọi mặt từ chọn giống, kĩ thuật gieo trồng, chăm sóc, dùng thuốc bảo vệ thực vật cho đến thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Chị Ngần cho biết, ban đầu, chị được UBND xã, cán bộ khuyến nông tuyên truyền vận động chuyến từ lúa lai sang cấy lúa chất lượng, sử dụng giống Séng Cù, đồng thời được cán bộ khuyến nông và bảo vệ thực vật tập huấn trang bị kiến thức, kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như:
Cấy nông tay, cấy mạ non, cấy một dảnh, kỹ thuật chọn tạo giống lúa, kỹ thuật khử lẫn…
Đặc biệt việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI đã giúp gia đình chị tiết kiệm được chi phí đầu vào do giảm được lượng giống, phân bón.
Việc cấy thưa, cấy mạ non giúp cây lúa đẻ khỏe, đẻ tập trung hạn chế sâu bệnh hại do đó giảm chi phí cho việc mua thuốc và công phun thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra tham gia dự án chị còn được tập huấn các kiến thức về quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc bốn đúng, sử dụng và ghi chép có hiệu quả sổ nhật ký đồng ruộng, thăm đồng thường xuyên…
Bên cạnh đó, Dự án sản xuất lúa chất lượng cao còn có sự kết hợp giữa các Tổ nhóm nông dân với doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Chị Ngần cho biết: “Giá bán lúa, gạo Séng Cù cao hơn các loại khác và được tiêu thụ nhanh hơn, có khi thương lái đến tận ruộng mua”.
Cùng với đó, gạo Séng cù của Mường Vi đã được xây dựng thương hiệu thành công từ năm 2008, có bao bì nhãn mác đảm bảo nên bán được giá cao, giá bán trung bình trong 3 năm trở lại đây là 15.000 đồng/kg thóc, trong khi các giống lúa khác chỉ 6.000-7.000 đồng/kg.
Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao
Theo TS.Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, việc phát triển các giống lúa chất lượng cao là xu hướng tất yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB) và đã hội tủ các điều kiện cần và đủ để phát triển lúa chất lượng cao gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa.
TS.Phan Huy Thông cũng cho rằng, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, việc phát triển lúa chất lượng cao rất phù hợp bởi điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng với từng tiểu vùng khác nhau, nhiều giống lúa đặc sản địa phương nổi tiếng.
Do đó, cần phải biết tận dụng và phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó để phát triển thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.
“Chỉ có con đường liên kết theo chuỗi, doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xuất khẩu thì những sản phẩm lúa chất lượng vùng miền núi phía Bắc mới có cơ hội được đi xa hơn nữa”, ông Thông khẳng định.
Mô hình sản xuất giống lúa thuần dòng Japonicavụ Xuân 2015 tại xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng cho rằng, phát triển lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa là lựa chọn tất yếu cho các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, bởi các địa phương này có nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng, có chất lượng đặc trưng.
”Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao ngày càng tăng, đặc biệt đối với khu vực thành thị, người có thu nhập cao, khách du lịch.
Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng “liền vùng, cùng trà, cùng giống”- ông Định nói.
Dự án Sản xuất lúa chất lượng cao là một trong bảy dự án hợp phần nằm trong đề án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2011-2015” của Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai.
Cho đến nay trên toàn bộ tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn, Mường Khương, Sa Pa và thành phố Lào Cai với tổng quy mô lên đến 3.050ha.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh MNPB nói chung đã phát triển thành công nhiều mô hình Sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2011- 2015.
Diện tích gieo cấy lúa hàng năm toàn tỉnh Lào Cai là 30.000ha; cơ cấu các giống lúa lai chiếm 62,8%, các giống lúa thuần (Séng Cù, Bắc Thơm, Hương Thơm...) chiếm 37,2%, tăng 12,4% so với năm 2010.
Năng suất lúa bình quân đạt 48,8 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt 148.348 tấn/năm.
Related news
Dự án cạnh tranh nông nghiệp và Trung tâm Tư vấn - phát triển công nghệ Nha Hố đã đầu tư 1,7 tỉ đồng cho 750 nông hộ xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải - Ninh Thuận) và phường Văn Hải (T.p Phan Rang Tháp Chàm) nhằm mở rộng 50 ha diện tích trồng tỏi an toàn trong vụ đông xuân 2012 – 2013.
Giá củ hành tím ở Sóc Trăng đã tăng trở lại và đang ngập ngừng ở mức 15.000 đồng/kg khiến một số nhà rẫy đang trong tâm trạng phập phồng càng nôn nao hơn. Bởi trước đó không lâu, từ tháng 10 âm lịch, giá hành đầu mùa bỗng nhảy lên 25.000 đồng/kg rồi lao dốc mạnh đã khiến người dân trồng hành đặc sản ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hụt hẫng.
Giá gà công nghiệp lại giảm mạnh sau gần hai tháng giữ ở mức giúp người chăn nuôi có lãi 500 – 1.000 đồng/kg. Hiện, gà công nghiệp bán tại trại chỉ còn 27.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 – 4.500 đồng/kg so với hồi đầu tháng, khiến cho người nuôi bị lỗ 3.000 đồng/kg.
Vụ lúa đông xuân sớm tại các địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười đã bắt đầu thu hoạch rộ. Thế nhưng khác mọi năm, lúa chín đầy đồng nhưng vắng bóng thương lái trong khi giá lúa chỉ còn dưới 5.000 đồng/kg.
Chỉ với hơn 1.000 m2, nhưng đó là nơi cô Nguyễn Hoàng Linh (phường An Thạnh, TX.Thuận An - Bình Dương) mở mô hình nuôi gà và heo, tuy quy mô không lớn nhưng mang lại nguồn lợi nhuận khá cao.