Trồng lúa không bón phân vô cơ, hiệu quả vẫn tốt
Ở ĐBSCL, nhiều mô hình sản xuất lúa mùa, gần như không bón phân vô cơ, năng suất lúa chỉ 3 - 4 tấn/ha, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn lúa thâm canh.
Trang trại của ông Việt canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, kết hợp với nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với thâm canh 3 vụ lúa/năm. Ảnh: LQV.
Ông Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Kiên Giang) cho rằng, nông dân cần phải xác định lấy hiệu quả kinh tế thay cho năng suất cao thì mới giảm được lượng phân bón cần thiết.
Thâm canh tăng vụ liên tục nhiều năm liền, đất đai không còn màu mỡ thì khi giảm lượng phân bón hóa học, chắc chắn một điều là năng suất lúa sẽ giảm theo. Tuy nhiên, phải tính toán để giảm lượng phân bón bao nhiêu là vừa đủ để giữ năng suất hợp lý nhất.
Theo ông Việt, để giảm phân bón trong sản xuất lúa, nông dân phải áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật. Không thâm canh tăng vụ quá mức, để có thời gian cày ải, phơi đất, tạo độ phì nhiều, trả lại cho đất bằng chính nguồn hữu cơ từ rơm rạ. Trước khi vào vụ, cần chuẩn bị đất thật kỹ, sạ thưa với lượng lúa giống dưới 100 kg/ha, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như SRI, IPM…
Khi sạ thưa, sẽ giúp giảm lượng phân bón, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật. Lượng phân ít nên cần xác định đúng thời điểm cây lúa cần nhất để bón, sẽ tăng hiệu quả sử dụng.
Theo ông Việt, lượng phân vô cơ có thể sử dụng rút xuống ở mức chỉ 25 - 30 kg/công (tương đương khoảng 50% nông dân thường dùng), chấp nhận năng suất lúa có thể giảm 300 - 500 kg/ha, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo sẽ không thấp hơn.
Bản thân ông Việt cũng là người sản xuất lúa với lượng phân bón hóa học rất ít, thậm chí là bỏ hẳn không sử dụng.
Ông Việt kể: Từ năm 2017 đến nay, ông đã chuyển diện tích đất lúa hơn 2,5 ha của gia đình ở khu phố Minh Phú, Thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, từ canh tác 2 vụ lúa/năm, sang làm lúa 1/vụ năm kết hợp nuôi cá ruộng.
Ông chọn giống lúa mùa truyền thống của địa phương để canh tác, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV trong canh tác, thay vào đó là sử dụng công nghệ sinh thái, trồng hoa để thu hút thiên địch. Ốc bươu vàng thì dùng vịt để diệt. Rầy thì bơm nước lên cao để cá ăn. Riêng phân bón thì chủ yếu là chất hữu cơ từ rơm rạ, cỏ dại… cắt để tự phân hủy.
Chỉ khi lúa mới gieo cấy, nếu bị mưa nhiều, ngập úng thì dùng khoảng 2 - 3 kg phân NPK, trộn với 10 kg phân trùn quế để rải giúp lúa vượt lên nhanh. Còn lại là lúa tự phát triển theo môi trường tự nhiên cho tới khi thu hoạch.
Không chỉ canh tác trên diện tích của gia đình, ông Việt còn liên kết với nông dân trong huyện, mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa truyền thống, kết hợp nuôi trồng thủy sản (lúa - tôm) với diện tích hơn 40 ha.
Mô hình này được nông dân ủng hộ nhiệt tình. Vì canh tác không sử dụng phân, thuốc hóa học, lại không thâm canh tăng vụ nên được 3 cái lợi: Thứ nhất là đất khỏe, thứ 2 là cây lúa khỏe và thứ ba là người khỏe (khỏe do không tiếp xúc với hóa chất độc hại, không phải lam lũ quanh năm trên đồng ruộng và sản phẩm làm ra an toàn khi tiêu dùng).
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), để đạt năng suất 1 tấn lúa/ha, hàm lượng dinh dưỡng tiêu chuẩn mỗi nguyên tố đa lượng cây lúa cần là 15 kg đạm (nguyên chất), 6 kg lân và 18 kg kali. Tự thân trong đất đều có chứa các nguyên tố đa lượng này, đủ để cây lúa đạt đến một năng suất nhất định (thường khoảng từ 2 - 4 tấn/ha, tùy loại đất).
Như vậy, phân bón chỉ góp phần làm năng suất tăng thêm chứ không phải quyết định toàn bộ năng suất của một vụ lúa. Sản xuất lúa khôn ngoan trong bối cảnh giá phân bón tăng cao ngất ngưởng như hiện nay, nông dân cần chọn giải pháp bón phân theo năng suất mong muốn, để có được hiệu quả kinh tế cao nhất.
Canh tác theo phương pháp truyền thống, sử dụng giống lúa mùa, lại không sử dụng phân, thuốc hóa học nên năng suất lúa ông Việt thu hoạch trung bình chỉ đạt từ 3 - 3,5 tấn/ha, tùy loại giống lúa. Nhưng bù lại giá bán gạo cao, cộng với nguồn thu từ thu hoạch cá đồng, bán vịt nuôi trong ruộng lúa… vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với làm lúa thâm canh năng suất cao.
Related news
Sản phẩm hữu cơ đóng vai trò tiên phong và trung tâm trong các ưu tiên của Ủy ban châu Âu về nông nghiệp và châu Phi có thể tận dụng cơ hội này.
Trung Quốc đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực sinh tổng hợp, bằng cách chuyển carbon monoxide thành protein đầu tiên trên thế giới với công suất dự kiến
Những năm gần đây, người dân huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tập trung chuyển đổi diện tích lúa, bắp kém hiệu quả sang sản xuất dâu tằm cho hiệu quả cao.