Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chuyển mạnh lúa, ngô kém hiệu quả sang dâu tằm

Chuyển mạnh lúa, ngô kém hiệu quả sang dâu tằm
Author: Minh Hậu
Publish date: Wednesday. November 3rd, 2021

Những năm gần đây, người dân huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tập trung chuyển đổi diện tích lúa, bắp kém hiệu quả sang sản xuất dâu tằm cho hiệu quả cao.

Nhờ phát triển nghề dâu tằm, người dân vùng Đầm Ròn cải thiện nguồn thu nhập, ổn định đời sống. Ảnh: M.H. 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông (Lâm Đồng), khu vực Đầm Ròn thuộc 3 xã gồm Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông là nơi có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số trên 90%. Đây là khu vực có nhiều diện tích đất ven sông, suối và người dân chủ yếu sản xuất lúa một vụ, trồng bắp…

Những năm gần đây, việc sản xuất lúa, bắp đạt hiệu quả thấp, chỉ thu về khoảng 2 - 3 triệu đồng/1.000m2 mỗi năm nên ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi mô hình, khuyến khích và hỗ trợ vốn để người dân chuyển diện tích lúa, bắp kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đam Rông, cây dâu tằm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và đặc biệt vốn đầu tư không quá cao, kỹ thuật canh tác đơn giản, đầu ra ổn định nên địa phương khuyến khích người dân sản xuất. Đến nay, sau 4 năm thực hiện việc chuyển đổi từ đất lúa, bắp kém hiệu quả sang dâu tằm, người dân đã đi vào nề nếp sản xuất, cải thiện nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống.

Theo đánh giá, xã Đạ M’Rông hiện có 138 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích ở vào khoảng 50,7ha. Trong số này có 87 hộ dân được nhà nước hỗ trợ nguồn vốn phát triển với diện tích tổng cộng 24,7ha.

Tại xã Đạ M’Rông, quy mô sản xuất dâu tằm hộ gia đình giao động từ 1.000 - 5.000m2. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Bí thư Đảng ủy xã Đạ M’Rông cho hay, trong giai đoạn 2018 - 2021, nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm mà 10 hộ gia đình đã thoát nghèo.

Về phần người dân, nhận thấy việc phát triển dâu tằm cho kết quả khả quan nên hiện có 32 hộ dân xã Đạ M’Rông đang đăng ký chuyển đổi 5,7ha lúa một vụ, đất trồng bắp kém hiệu quả qua trồng dâu. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2022, địa phương này sẽ có thêm 20 ha dâu tằm.

Trong khi đó, xã Đạ Tông cũng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với quy mô 137 hộ, diện tích khoảng 52,4ha. Trong số này có 105 hộ được nhà nước hỗ trợ sản xuất với tổng diện tích khoảng 31,4ha. Toàn bộ diện tích dâu ở địa phương là chuyển đổi từ đất lúa một vụ kém hiệu quả ở các cánh đồng Đạ Nhinh, Đạ Kao, Păng Út, Chiêng Tor, Buôn Yông, Liêng Trang. Kỹ thuật canh tác đang ngày càng được cải thiện và hiện nay, năng suất dâu của địa phương đạt 3 - 3,5 tạ/1.000m2.

Tại xã Đạ Long, người dân cũng thực hiện chuyển đổi khoảng 6,7ha qua sản xuất dâu tằm và dự kiến tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Theo ngành nông nghiệp huyện Đam Rông, nghề trồng dâu nuôi tằm ở 3 xã vùng Đầm Ròn mang lại hiệu quả rõ rệt. Các hộ dân trồng dâu nuôi tằm có nguồn thu nhập trung bình 7 triệu đồng/hộp tằm.

Chính quyền huyện Đam Rông xác định việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm là hướng đi quan trọng giúp bà con vùng Đầm Ròn thoát nghèo. Do vậy, địa phương đang tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tập trung sản xuất, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm để phát triển kinh tế.

Tại Lâm Đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển rộng ở 11 huyện, thành phố với tổng diện tích dâu ở vào khoảng 9.344ha, trứng giống tằm khoảng 242.395 hộp, sản lượng kén hiện đạt gần 60.000 tấn. Tỉnh đang đẩy mạnh ngành tơ tằm theo hướng sản xuất hiệu quả, tập trung sản xuất chuyên canh, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định với diện tích dự kiến 10.000ha vào năm 2023.


Related news

Hiểu đúng về dư lượng thuốc BVTV trong nông sản Hiểu đúng về dư lượng thuốc BVTV trong nông sản

Để bảo vệ mùa màng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải phun thuốc BVTV đúng cách, liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly.

Monday. November 1st, 2021
Nông nghiệp hữu cơ có thể thành 'cốt lõi mới' của mối quan hệ EU-châu Phi Nông nghiệp hữu cơ có thể thành 'cốt lõi mới' của mối quan hệ EU-châu Phi

Sản phẩm hữu cơ đóng vai trò tiên phong và trung tâm trong các ưu tiên của Ủy ban châu Âu về nông nghiệp và châu Phi có thể tận dụng cơ hội này.

Monday. November 1st, 2021
Nghiên cứu đột phá trong ngành thức ăn chăn nuôi Nghiên cứu đột phá trong ngành thức ăn chăn nuôi

Trung Quốc đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực sinh tổng hợp, bằng cách chuyển carbon monoxide thành protein đầu tiên trên thế giới với công suất dự kiến

Wednesday. November 3rd, 2021