Trồng hoa hồng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên Cao nguyên đá
Những năm qua, việc trồng hoa hồng đã đem lại thu nhập khá cho một số hộ dân ở thị trấn Phố Bảng. Qua giới thiệu của lãnh đạo Hội Nông dân huyện Đồng Văn, tới thăm vườn hồng đang độ ra hoa của chị Lý Thị Sủi, thôn Xóm Mới, thị trấn Phố Bảng; là một trong những hộ trồng hoa có hiệu quả, đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền.
Chị Sủi vui vẻ chia sẻ: “Cơ duyên đến với nghề trồng hoa hồng là vào năm 2009, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ nhân dân ở thị trấn trồng hoa hồng, một loại cây mới, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thấy có hỗ trợ nên gia đình tôi đã mạnh dạn tham gia trồng thử 6.000m2, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng hơn 100 triệu đồng tiền giống (khoảng 10.000 cây giống); gia đình tự bỏ ra thêm 13 triệu đồng để thuê nhân công về làm đất, chăm sóc cây hoa”.
Được biết, đây là một loại cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao, chị Sủi đã cố gắng trồng hoa theo đúng quy trình kỹ thuật; sau một vụ thì cây ra hoa đẹp. “Mang hoa đi bán thu về được khoảng 20 triệu đồng, nếu tính toán thì không đủ tiền vốn bỏ ra”, chị Sủi nhớ lại.
Dù vụ đầu kết quả chưa khả quan, song nhận thấy đây là loại cây dễ trồng ở địa phương, có giá trị kinh tế cao; gia đình chị Sủi quyết tâm trồng hoa hồng, bỏ hẳn loại cây trồng cũ trước đây là ngô, đậu tương. Sau khi nắm bắt được kỹ thuật trồng hoa, chị Sủi còn tự đi học hỏi thêm kinh nghiệm ở tỉnh khác như: Vĩnh Phúc, Nam Định và nhiều nơi khác.
Trở về, chị quyết định mở rộng diện tích trồng hoa lên 1 ha, thuê nhân công chăm sóc vườn hoa. Nhờ có được kinh nghiệm trồng, cách phòng trừ sâu bệnh; hàng năm, vườn hồng nhà chị cho thu hoạch đều từ 3 - 4 vụ/năm; hoa ra bông to, đẹp và có nhiều ưu điểm hơn các loại hoa hồng khác trên thị trường.
Chị Sủi cho biết thêm: “Khó khăn trong việc trồng hoa hồng ở đây là thời tiết ở địa phương rất khắc nghiệt, vào mùa Đông thường hay xuất hiện sương muối, gây bệnh cho cây, mùa hè thì có thể có hiện tượng mưa đá. Do vậy, năm nào cũng bị mất 1 vụ thu hoạch hoa. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, cần nhiều công chăm sóc, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ khó thực hiện”.
Sau một thời gian kiên trì với cây hoa hồng, đến nay, sản phẩm hoa hồng của gia đình chị Sủi đã có tiếng trên thị trường; nhiều thương lái từ các nơi như Đồng Văn, thành phố Hà Giang, Tuyên Quang, thậm chí cả Hà Nội đã tìm đến mua hoa. Vào vụ thu hoạch hoa, hàng ngày, gia đình chị Sủi đều bận rộn đóng gói hoa gửi xe khách chuyển đi các tỉnh khác nhau.
Giá bán hoa trên thị trường dao động từ 1 – 4,5 nghìn đồng/bông tùy từng thời điểm trong năm. Hàng ngày, vườn hồng của chị Sủi đã tạo thêm công việc cho 2 lao động chăm sóc vườn hoa; vào thời gian cao điểm thu hoạch hoa thì phải thuê thêm từ 5 – 6 lao động, trả tiền công khoảng 120 nghìn đồng/ngày.
Chị Sủi tiết lộ: “Trồng hoa hồng cho thu nhập khá tốt, từ ngày trồng hoa, gia đình tôi đã xây được một ngôi nhà 2 tầng, hàng năm trừ các chi phí, cũng có thu nhập trung bình từ 200 – 250 triệu đồng/năm”. Thấy cây hoa hồng đem lại lợi nhuận cao, chị Sủi đã khuyến kích họ hàng, người thân trồng thêm diện tích 4 ha và giới thiệu cây hoa hồng cho bà con trong vùng. Đây có thể xem là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả, người dân nên tham khảo nhân rộng ở những nơi có điều kiện thời tiết phù hợp.
Related news
Trong những năm gần đây, chưa bao giờ giá sa pô giữ ở mức cao và kéo dài như năm nay. Hiện nay, giá sa pô đang có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn còn khá cao. Trước diễn biến này, nhiều nơi nông dân bắt đầu chọn cây sa pô để thay thế những cây trồng kém hiệu quả khác.
Sau gần 2 năm nuôi thử nghiệm thành công tại Việt Nam, Công ty TNHH Ba Huân và các doanh nghiệp, trang trại nuôi gà đẻ khu vực phía Nam vừa ký hợp tác cung cấp, sản xuất giống gà đẻ thương phẩm Hy – Line.
Anh là người tiên phong, cũng là người giúp nông dân trong xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình nuôi dông (kỳ nhông) trên cát. Anh là Phạm Khắc Bảo (25 tuổi, thôn Hải Triều, xã Cam Hải Đông) chủ một trại nuôi dông có giá trị lên đến cả tỷ đồng.
Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.