Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá lúa thấp, nông dân gặp khó

Giá lúa thấp, nông dân gặp khó
Publish date: Friday. September 11th, 2015

Mùa này, nếu ai đi dọc theo con lộ thuộc ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình sẽ thấy cảnh người dân phơi lúa đầy sân, nhiều nhà lúa vào bao chất đống nhưng không bán được.

Anh Phan Văn Lành, ấp 6, xã Tân Lộc, cho biết: “Năm nay năng suất lúa thấp, chưa đến 30 giạ/công. Ðến thời điểm này đã cắt và vận chuyển vào nhà xong rồi mà hồi hộp chưa biết có bán được hay không. Lúa khu vực này bà con đã lấy cọc của thương lái với giá từ 4.500 - 4.600 đồng/kg, thế nhưng khi giá lúa sụt lại chỉ còn 3.800 đồng/kg, thương lái bỏ cả tiền cọc”.

Thương lái bỏ của

Trước tình cảnh này, nông dân chịu thiệt kép, bởi lúa năng suất đã thấp, cộng thêm chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu rồi gặt, kéo lúa vào nhà... trong khi giá giảm chóng mặt mà thương lái cũng không thèm mua.

Thương lái thoả thuận giá với bà con tại ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Chỉ riêng một điểm tập kết lúa của nông dân khu vực ấp 1 (có nhiều điểm tập kết lúa như thế trong ấp) với lượng lúa thu hoạch của khoảng 60 công đất mà thương lái chỉ đặt tiền cọc 5 triệu đồng thì việc họ bỏ tiền cọc khi giá xuống quá thấp thì cũng dễ hiểu.

Ông Nguyễn Văn Minh, ấp 1, xã Tân Lộc, cho biết: “Tôi có 1,8 ha trồng lúa, năm nay chỉ đạt 30 giạ/công. Ngoài chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, thì mướn máy gặt cũng 300.000 đồng/công. Chi phí bỏ ra là thế, nhưng giờ lúa bán không được. Trước khi lúa chín, thương lái đến xem đồng và họ đã đặt trước tiền cọc 2 triệu đồng với giá 4.500 đồng/kg. Thế nhưng, khi gặt xong đem vào thì lái không mua và họ bỏ luôn tiền đã đặt cọc. Giờ không biết tính sao, năm nay may mắn lắm thì cũng chỉ hoà vốn”.

Thế nhưng giá lúa giảm, không chỉ nông dân gặp khó mà ngay cả thương lái cũng chẳng vui vẻ gì. Giá lúa giảm, thương lái càng thu mua thì càng lỗ nên thà bỏ cọc để chịu lỗ ít hơn.

Anh Nguyễn Trường Vũ Lâm, thương lái thu mua lúa cho chủ ghe Nguyễn Văn Lắm, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nói: “Năm nay giá cả sụt giảm liên tục, nông dân gặp khó khăn mà thương lái cũng khó mua. Nguyên nhân giá giảm là do các kho hạn chế mua vào vì chưa có hợp đồng xuất khẩu”.

Khi giá lúa giảm quá sâu như hiện nay, chuyện nông dân bị ép giá lại tiếp diễn. Khi thu hoạch xong mà không thể bán được, họ bán tống, bán tháo để trả tiền nhân công, tiền vật tư nông nghiệp.

Lợi dụng điểm này, thương lái lại càng có cơ hội ép giá, trục lợi. Anh Phan Văn Dấu, ấp 1, xã Tân Lộc Ðông, tếu táo: “Giá lúa giờ chỉ còn có 3.800 đồng/kg mà còn không bán được thì nông dân trồng lúa lấy gì mà sống. Bỏ công làm lụng mấy tháng trời, cuối cùng cũng lỗ vốn. Biết thế nuôi cá phi còn lời hơn, giờ 4 kg lúa còn chưa đổi được 1 kg cá phi nữa thì trồng lúa làm gì?!”.

Nông dân kêu khổ

Tình trạng giá lúa sụt giảm, nông dân bị lỗ nặng không chỉ xảy ra ở địa bàn huyện Thới Bình mà hầu như tất cả các địa phương trồng lúa trong tỉnh đều cùng chung cảnh ngộ. Thương lái  Nguyễn Trường Vũ Lâm nói: “Chúng tôi mua lúa gần khắp Cà Mau và thấy chất lượng lúa năm nay xấu quá, giá lại đột ngột xuống thấp nên dù đã đặt tiền cọc rồi cũng phải bỏ, không thể mua theo giá đã đặt cọc. Nếu mua theo gá cọc thì lỗ nặng hơn”.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Bà con trên địa bàn xã đang vào vụ thu hoạch nhưng giá lúa năm nay dân không vui rồi. Hiện bà con thu hoạch chưa được 40% nhưng giá có nơi báo về là chỉ còn 3.800 đồng/kg trong khi năm vừa rồi giá lúa từ 4.500 - 4.800 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân bị thiệt do năng suất vụ này thấp trong khi chi phí đầu tư lại cao”. 

Bà Trương Thị Phi, ấp Bình Minh I, xã Trần Hợi, nói: “Tôi có 13 công đất nhưng mấy ngày nay mưa lớn quá, lúa bị sập gần như toàn bộ. Dựa vào cớ này, thương lái không chịu mua mặc dù trước khi lúa chín lái đã vào đặt cọc 1 triệu đồng và đưa 200 cái bao để đựng. Lái định giá lúa khi đặt cọc là sẽ mua với giá 4.400 đồng/kg, nhưng giờ họ vào nói là lúa sập, giảm chất lượng nên không mua nữa”.

Vậy là vụ này gia đình bà Trương Thị Phi coi như lỗ nặng. Bà Nguyễn Hồng Nhi, thị trấn Trần Văn Thời, buồn bã cho biết: “Lúa năm nay sập, giá rẻ chỉ còn 3.800 đồng/kg. Gia đình tôi được 20 công lúa giờ sập gần phân nửa. Lúa sập muốn gặt để lấy lại được bao nhiêu hay bấy nhiêu nhưng họ đòi đến 700.000 đồng/công nhưng cũng không có người gặt”.

Vụ này, năng suất lúa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đạt khá cao, từ 30-35 giạ/công. Thế nhưng, người trồng lúa chỉ mong hoàn vốn bởi giá lúa giảm và chi phí thuê nhân công lại tăng cao. Nếu cắt bằng máy thì giá cũng từ 350.000 đồng/công trở lên, nếu lúa sập quá nhiều thì lên đến 500.000 đồng/công. Bà Trương Thị Phi cho biết: “Nếu cắt máy là 350.000 đồng, mướn họ chở vào thì tính 1 công thêm 150.000 đồng. Nếu mưa tiếp tục thì lỗ nặng hơn nữa, mướn cắt tay 1 công 500.000 đồng mà lúa sập người ta không chịu cắt!”.

Ông Trần Quốc Trạng, chủ máy gặt đập đang hoạt động trên địa bàn xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Lúa năm nay sập nhiều nên bà con nông dân bị thiệt hại khá nặng. Ví dụ 1 công lúa sập cắt bằng tay thu được 15 bao, còn cắt bằng máy thì chỉ thu được 8 - 9 bao, do những lớp sập phía dưới máy không cắt được”.

Bà Huỳnh Thị Oanh, thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp, thương lái mua lúa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, nói: “Tôi thu mua lúa trên 10 năm nay nhưng thấy giá lúa năm nay thấp quá không chỉ dân bán lúa không lời mà ghe chúng tôi mua cũng chẳng lãi được bao nhiêu. Tôi mua lúa ở đây chở về bán lại cho nhà máy ở An Giang. Mấy ngày trước, tôi đặt cọc giá 4.200 đồng/kg giờ phải chịu mua giá 4.100 đồng/kg, coi như lỗ chứ giá bây giờ chỉ 3.800 đồng/kg”.

Ông Ðỗ Văn Sử, Phó Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Năng suất lúa của bà con trên địa bàn huyện những năm gần đây khá cao, nếu bán được giá cao thì nông dân trồng lúa sẽ khấm khá. Thế nhưng, giá lúa thời điểm này xuống quá thấp khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Với mức giá 4.100 đồng/kg, năng suất 30 giạ/công thì trừ chi phí, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công thì chỉ hoà vốn, còn năng suất thấp hơn sẽ lỗ”.

Ông Nguyễn Trường Giang kiến nghị: “Với tình hình giá lúa thấp hiện nay, bà con nông dân cần có chính sách hỗ trợ để người dân có thể tái sản xuất vụ mùa tới”./.


Related news

Hành Tây Rớt Giá Thảm Hại Hành Tây Rớt Giá Thảm Hại

Giá hành tây được thu mua tại vườn ở Lâm Đồng chỉ còn 1.500 đồng/kg (ngày 7/3), giảm tới 70% so với thời điểm này năm trước nhưng vẫn rất ít thương lái hỏi mua.

Friday. March 9th, 2012
Rau Má Phá Thế Độc Canh Rau Má Phá Thế Độc Canh

Người dân làng Phước Yên (xã Quảng Thọ, Quảng Điền, TT- Huế) đang có cuộc sống sung túc nhờ cây rau má. Người đi tiên phong trồng rau má là anh Cao Quảng Thiện.

Saturday. March 10th, 2012
Cao Bằng: Xây Dựng Nhiều Mô Hình Sản Xuất Hàng Hóa Cao Bằng: Xây Dựng Nhiều Mô Hình Sản Xuất Hàng Hóa

Hội Làm vườn Cao Bằng đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Không những vậy, Hội còn tập trung chú trọng xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa, cho thu nhập cao làm điểm học tập cho hội viên

Friday. June 10th, 2011
Bưởi Da Xanh Vào Vụ Tết Bưởi Da Xanh Vào Vụ Tết

Đến tỉnh Bến Tre vào những ngày cuối năm, đâu đâu cũng thấy người dân trồng bưởi da xanh hồ hởi, phấn khởi cười nói râm ran, bàn về cách chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, cách thu hoạch bưởi vào thời điểm nào bán được giá…

Tuesday. December 27th, 2011
Nuôi Cá Trắm Đen Lãi Ròng 300 Triệu Nuôi Cá Trắm Đen Lãi Ròng 300 Triệu

Qua theo dõi và chắt lọc sau nhiều năm nuôi cá, bác Thểu nhận thấy trong các loài cá truyền thống thì con trắm đen có nhiều triển vọng cho con đường làm giàu, vì nó vừa có trọng lượng lớn, thịt chắc ngon ngọt, lại đang phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

Saturday. June 11th, 2011