Trồng Chuối Đuổi Nghèo

Đến nay, toàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) có hơn 450ha trồng chuối chuyên canh, trong đó hơn 300ha trồng tập trung, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Chuối đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo. Anh Zơrâm Thanh Hanh (38 tuổi) - Chủ tịch Hội nông dân (ND) xã Jơ Ngây dẫn chúng tôi đến vùng chuyên canh chuối mốc ở thôn Bờ Rùa. Zơrâm Thanh Hanh cho biết:
Đầu năm 2009, cùng với vận động đồng bào Cơtu khai hoang hàng trăm ha đất vườn đồi, vườn rừng, Ban quản lý dự án phát triển vùng huyện Đông Giang phối hợp với ngành nông nghiệp, Hội ND địa phương mở nhiều khóa tập huấn hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối theo hướng chuyên canh. Ban quản lý dự án phát triển huyện Đông Giang đã đầu tư gần 300 triệu đồng mua hơn 45.000 gốc chuối giống hỗ trợ cho gần 1.000 hộ.
Anh Alăng Cáo (41 tuổi), ở thôn Bờ Rùa, chủ nhân của 3 sào chuối mốc cho biết: “Đây là vùng chuyên canh chuối mốc của thôn với 7 hộ trồng gần 3.000 bụi chuối mốc hơn 3 năm nay. Gia đình mình trồng 400 gốc, bình quân mỗi tháng mình thu trên 800.000 đồng. Ngoài ra, mình bán 2 đợt cây chuối giống, thu về gần 3,5 triệu đồng. Nhà các anh Raphat Nhân, Bling A Thiên, Alăng Dân… cũng có số gốc chuối và thu nhập như mình”.
Chúng tôi đến thôn Kèn (xã Jơ Ngây), hai bên con đường bê tông là những vườn chuối mốc, chuối lùn lặc lè buồng. Già Alăng Nghích (81 tuổi) đang chăm sóc vườn chuối mốc cho biết: “Nhà tôi trồng hơn 200 bụi chuối. Nhờ chuối mà có tôi tiền trang trải chi tiêu trong nhà, các cháu ăn học…”.
Xác định chuối là cây chủ lực phù hợp với địa hình miền núi, năm 2012 huyện Đông Giang xây dựng Đề án phát triển cây chuối hàng hóa giai đoạn 2012-2015 với tổng vốn đầu tư 16.077 triệu đồng. Theo Đề án, đến năm 2015 trên địa bàn huyện trồng 700ha chuối.
Dự án trồng chuối ở Đông Giang đã chứng tỏ hiệu quả, bởi thu nhập cao gấp 8 – 10 lần các loại hoa màu khác. Theo Hội ND huyện Đông Giang, gần 1.000 gia đình trong huyện đã giảm nghèo nhờ chuối.
Related news

Bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2014-2015, hầu hết nông dân trong tỉnh đều phấn khởi khi cả hai vụ sản xuất trong năm 2014 đều đạt được những kết quả thuận lợi. Năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao, giá cả ổn định (trừ giá mủ cao su xuống thấp hơn những năm trước) là tiền đề để nông dân tiếp tục đầu tư sản xuất thâm canh nâng cao năng suất cây trồng.

Xã Ia Bă từ lâu được xem là mảnh đất có nhiều tiềm năng trong việc nuôi cá nước ngọt theo hình thức quảng canh của huyện Ia Grai. Thời gian gần đây, mô hình này đang được Hội Nông dân địa phương dành nhiều sự quan tâm, nhằm giúp bà con tiếp tục sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Được hỗ trợ bởi nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình; nhờ đó, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Qua quá trình khảo nghiệm, giống lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá mang đến cho nông hộ những mùa vàng năng suất, chất lượng cao. Rồi giống lạc L23 được phòng chuyên môn đề xuất với chính quyền địa phương bổ sung vào cơ cấu giống mới của huyện. Hay cách chăn nuôi lợn quy mô trang trại theo hình thức khép kín mang lại nhiều lợi ích kinh tế...

Hậu Giang đã và đang tập trung mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác thông qua các dự án ưu tiên mời gọi doanh nghiệp gần xa, trong đó có các đối tác nước ngoài như Hàn Quốc tham gia đầu tư vào địa bàn tỉnh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực nông nghiệp vốn có tại địa phương.