Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Chanh Leo, Mô Hình Mới Cho Hiệu Quả Cao Ở Hướng Hóa

Trồng Chanh Leo, Mô Hình Mới Cho Hiệu Quả Cao Ở Hướng Hóa
Publish date: Friday. December 20th, 2013

Đối với vùng núi Hướng Hóa (Quảng Trị) có điều kiện về đất đai và tiểu vùng khí hậu đặc biệt rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển, nhất là các loại cây trồng ưa thích khí hậu mát mẻ. Cây chanh leo được trồng thử nghiệm ở xã Hướng Lộc đem lại hiệu quả kinh tế cao mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây, nhất là đồng bào dân tộc ít người.

Là một trong những xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn phía nam Hướng Hóa, xã Hướng Lộc được chương trình 135 đầu tư công trình thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp và khai hoang nhiều diện tích đất trồng trọt, giao thông đi lại cũng tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, do phần lớn là đồng bào dân tộc ít người trình độ sản xuất còn hạn chế nên từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp ở xã đạt hiệu quả thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Trong khi người dân đang loay hoay trên vùng đất đai rộng lớn nhưng không biết trồng cây gì thì mô hình trồng cây chanh leo của gia đình anh Nguyễn Văn Minh và chị Võ Thị Thu Hồng được mọi người quan tâm vì tính hiệu quả đem lại của nó.

Sau nhiều năm trồng rừng kinh tế trên diện tích đất 25 ha đạt hiệu quả khá, nhưng chị Hồng và anh Minh vẫn không bằng lòng với nghề trồng rừng mà vẫn luôn ấp ủ tìm một giống cây mới đưa về trồng thử nghiệm trên vùng đất màu mỡ và khí hậu mát mẻ này để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Là người vùng đồng bằng lên miền núi lập nghiệp, có kinh nghiệm sản xuất lại có trình độ học vấn nên vợ chồng chị Hồng luôn vạch ra nhiều kế hoạch làm ăn bài bản.

Sau khi khai thác xong rừng trồng, anh chị quyết định chuyển toàn bộ đất trồng rừng kinh tế của gia đình sang trồng cây chanh leo. Xuống giống từ đầu năm 2013, sau 6 tháng tích cực chăm sóc đúng kỹ thuật, đến tháng 8 vừa rồi, chỉ với lứa đầu thu bói, trang trại 25 ha chanh của chị Hồng đã thu hoạch hơn 100 tấn. Với giá bán tại vườn vào thời điểm đó từ 8-10 ngàn đồng/kg, gia đình chị Hồng thu được khoảng 1 tỷ đồng. Sau đó, gia đình chị lại tiếp tục thu hoạch các lứa chanh tiếp theo với năng suất cao hơn.

Chị Hồng cho biết: “Đất ở Hướng Lộc khá tốt, thấy khí hậu vùng này mát mẻ và sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng cây chanh leo và thị trường tiêu thụ sản phẩm, gia đình chúng tôi quyết định chuyển toàn bộ đất rừng đã thu hoạch sang trồng chanh leo. Sau 1 năm trồng đầu tiên, chúng tôi nhận thấy cây chanh leo rất dễ trồng, thời gian trồng ngắn, chỉ 6 tháng là cho thu hoạch. Mùa vụ thu hoạch chính là vào mùa hè nhưng quanh năm cũng có thu hoạch lai rai. Năng suất bình quân chanh leo từ 40- 60 tấn/ha/năm và cho thu nhập từ 250- 400 triệu/ha/năm”.

Như vậy, với 25 ha chanh leo, năm 2013, gia đình chị Hồng thu hoạch hơn 1.000 tấn quả, trị giá khoảng 7- 9 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí gia đình chị có mức thu nhập không nhỏ. Trang trại trồng chanh của chị Hồng giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 3- 5 triệu đồng/người/tháng. Vào thời vụ thu hoạch rộ, chị thuê thêm lao động mùa vụ. Hiệu quả từ trồng cây chanh leo của gia đình chị Hồng đã mở ra cho vùng đất này một hướng canh tác mới, đồng bào nơi đây rất quan tâm tìm hiểu trang trại trồng chanh của chị.

Ông Hồ Xuân Lợi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hướng Lộc cho biết: “Phần lớn đất của xã trước đây người dân trồng sắn nhưng hiệu quả thấp, bây giờ thấy trồng cây chanh leo hiệu quả cao như vậy đồng bào cũng muốn trồng lắm, sắp tới xã sẽ tạo mọi điều kiện cho đồng bào làm theo”.

Huyện Hướng Hóa có lợi thế về đất đai và tiểu vùng khí hậu mát mẻ, nhiều loại cây trồng đã phát triển thành công trên vùng đất này và cho hiệu quả kinh tế cao như cây cà phê, sắn, chuối. Huyện cũng đã quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn và tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Vì thế việc thử nghiệm thành công mô hình cây chanh leo của trang trại anh Nguyễn Văn Minh và chị Võ Thị Thu Hồng gợi mở cho địa phương một hướng sản xuất mới.

Ông Võ Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: Huyện rất hy vọng vào sự phát triển bền vững của cây chanh leo này. Nếu sau vài vụ khẳng định được sự thích nghi về điều kiện đất đai và khí hậu vùng nam Hướng Hóa và giá cả chanh leo ổn định trên thị trường thì trên cơ sở quy hoạch sản xuất nông nghiệp và chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện sẽ khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích một số loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh leo, nhất là ở xã Hướng Lộc và vùng đồng bào dân tộc ít người. Tuy nhiên, việc phát triển cây chanh leo cũng phải thực hiện theo từng bước hợp lý sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng và cung ứng sản phẩm cho thị trường trong tỉnh, trong nước, chị Hồng còn có kế hoạch xuất khẩu chanh leo ra thị trường nước ngoài. Từ năm 2014, anh chị sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng chanh leo cho đồng bào trong vùng, đồng thời hỗ trợ giống, phân bón để giúp đồng bào có thể phát triển được cây chanh leo có hiệu quả và bao tiêu sản phẩm cho họ, góp phần giúp đồng bào thoát nghèo nhanh và bền vững.


Related news

Câu Chuyện Làm Giàu Của Một Nông Dân Vùng Biên Câu Chuyện Làm Giàu Của Một Nông Dân Vùng Biên

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tân Hồng, khởi nghiệp gian nan với số đất ít ỏi trồng lúa ở vùng biên giới nhưng bằng sự năng động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang đến thành công cho anh Nguyễn Văn Phụng (SN 1969) ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng.

Thursday. October 9th, 2014
Vị Xuyên Tăng Diện Tích Cải Xa-Lát Vụ Đông Vị Xuyên Tăng Diện Tích Cải Xa-Lát Vụ Đông

Cải Xa-lát là loại cây trồng vụ Đông, đã được bà con nông dân xã Đạo Đức trồng đại trà trong những vụ Đông trước đây. Qua thực tế cho thấy, đây là loại cây trồng ngắn ngày, công chăm sóc ít, nguồn tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Thursday. October 9th, 2014
Sản Xuất Đậu Tương Hàng Hóa Vùng Miền Núi Phía Bắc Còn Đó Những Nghịch Lý Sản Xuất Đậu Tương Hàng Hóa Vùng Miền Núi Phía Bắc Còn Đó Những Nghịch Lý

Mấy năm gần đây, sản xuất đậu tương của các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm dần về diện tích, sản lượng, năng suất không thay đổi qua những mùa vụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và lượng nhập khẩu tăng lên hàng năm... đây thực sự là nghịch lý sản xuất đậu tương đã, đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang.

Thursday. October 9th, 2014
Yên Minh Triển Khai Gieo Trồng 3.600 Ha Cây Vụ Đông Yên Minh Triển Khai Gieo Trồng 3.600 Ha Cây Vụ Đông

Huyện Yên Minh vừa phát động phong trào sản xuất cây vụ Đông năm 2014. Theo kế hoạch, huyện triển khai gieo trồng 3.600 ha cây rau, đậu các loại, tăng gấp 5 lần so với vụ Đông năm 2013. Cụ thể: Gieo trồng 2.800 ha cây rau màu; trên 450 ha đậu; 100 ha khoai tây; 210 ha khoai lang.

Thursday. October 9th, 2014
Cá Tra Mất Thế… Độc Quyền Cá Tra Mất Thế… Độc Quyền

Chiếm hơn 80% thị phần trên thế giới, do đó cá tra được xem là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Song, vấn đề đáng buồn là nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ngày càng đi vào ngõ cụt, bởi giá cá bấp bênh càng sản xuất càng thua lỗ. Vì sao cá tra lại rơi vào tình cảnh khốn đốn như vậy...

Thursday. October 9th, 2014