Triển Vọng Từ Cây Đậu Phộng

Vài năm trở lại đây, nông dân huyện Tịnh Biên (An Giang) đã thực hiện chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế. Trong đó, đậu phộng được xem là loại cây có hiệu quả kinh tế cao và thích nghi tốt với điều kiện canh tác nông nghiệp tại huyện miền núi này.
“Trồng đậu phộng tính ra lời nhiều hơn trồng lúa vì chi phí nhẹ hơn mà cũng không tốn công chăm sóc nhiều. Mấy năm nay, nhờ có đậu phộng mà gia đình tôi có cuộc sống khá hơn. Hồi trước làm lúa cực lắm mà bán không được bao nhiêu. Đất ở vùng này cao, thiếu nước để trồng lúa nên nhiều người chuyển sang trồng đậu phộng mang lại thu nhập ổn định” - ông Chau Kên, nông dân xã An Cư thật tình. Đưa tay chỉ về rẫy đậu phộng đang phát triển xanh tốt, ông Chau Kên nói về cách trồng đậu phộng một cách say sưa.
Có lẽ, đối với người dân vùng Bảy Núi, việc tìm được loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như đậu phộng đã là một niềm vui, khá nhiều loại cây trồng không thể “ở lại” với vùng đất này. “Trồng cây đậu phộng không cần nhiều nước, chỉ việc cày đất lên rồi bắt liếp, sau đó xuống giống, khi tỉa mỗi bụi cách nhau 2 tấc, khoảng cách đó sẽ giúp cây đậu phộng phát triển tốt và cho nhiều củ. Tuy nhiên, nên chú ý rải vôi vào rẫy vì như vậy củ đậu phộng sẽ không bị bộp, nhiều người bỏ qua việc này nên khi bán không có giá cao” - ông Chau Kên nhiệt tình hướng dẫn.
Người nông dân chỉ nhọc công khâu xuống giống, sau đó thì lâu lâu bơm nước một lần vào rẫy đậu phộng. Khi đậu phộng phát triển được 30 ngày thì tiến hành nhổ cỏ, bón phân rồi lấp đất thêm vào gốc. Theo ông Chau Kên, khâu lấp đất rất quan trọng, nếu không thực hiện công việc này thì đậu phộng không có nhiều củ, thậm chí có cây không cho củ. Thời gian xuống giống đến khi thu hoạch đậu phộng kéo dài khoảng 3 tháng.
Năng suất bình quân khoảng 15-20 giạ/công. Ông Chau Kên cho biết, giá đậu phộng luôn ở mức cao, dao động từ 240.000 - 300.000 đồng/giạ. Vụ trước, ông bán 3 công đậu phộng, sau khi trừ tiền vốn 2 triệu, ông lãi khoảng 4-5 triệu đồng/công.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư Tạ Văn Các cho biết: “Từ năm 2004, nông dân tại xã An Cư đã bắt đầu làm quen với cây đậu phộng, lúc đầu gặp nhiều khó khăn nhưng sau đó cây đậu phộng cũng “mặn mà” với vùng này nên bà con trồng mỗi lúc nhiều hơn và đã góp phần cải thiện kinh tế tại địa phương.
Những mảnh ruộng nào khó trồng lúa thì nông dân trồng đậu phộng, lợi nhuận cao hơn 2-3 lần trồng lúa”. Ông Các cho biết thêm, diện tích trồng đậu phộng của xã tăng lên rất nhanh nhưng nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp lại đang khó khăn.
Hiện, xã chỉ có 2 hệ thống bơm điện, phục vụ cho 120 héc-ta đất nông nghiệp nên vấn đề cần thiết hiện nay là chủ động được nguồn nước, nhằm giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp. Theo định hướng của Hội Nông dân xã An Cư, sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng đậu phộng trên địa bàn 6 ấp của xã, biến đậu phộng trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương.
Ông Chau Sóc, nông dân xã Văn Giáo (Tịnh Biên) chia sẻ: “Tôi có 7 công ruộng trên, trồng lúa hoài mà không có ăn. Năm nào mưa nhiều thì còn đỡ, không mưa thì trắng tay. Thấy trồng lúa khó quá nên tôi trồng đậu phộng, nhổ bán cũng có tiền mà dễ ăn hơn lúa nữa”.
Cũng như bao nhiêu nông dân khác, ông sẽ tiếp tục trồng đậu phộng với mong muốn loại cây này sẽ mang đến thu nhập cao hơn cho gia đình ông. Ông Sóc vui vẻ: “Miếng ruộng này tôi trồng đậu phộng mới xanh tốt vậy nè. Gặp thời tiết ít mưa như mấy ngày nay thì trồng lúa chắc không có hột nào ăn đâu!”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biện, hiện nay, trên địa bàn có 214 héc-ta đậu phộng, tập trung nhiều tại các xã An Cư (118 héc ta), Văn Giáo (50 héc-ta), Vĩnh Trung (10 héc-ta)… Thời gian tới, diện tích canh tác đậu phộng trên địa bàn huyện Tịnh Biên sẽ còn tăng lên khi loại cây này ngày càng cho thấy hiệu quả kinh tế cao và tính thích nghi khá tốt với vùng đất pha cát vốn luôn “khó tính” với cây nông nghiệp.
Anh Trần Hiếu Thuận, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tịnh Biên thông tin: “Hiện nay, cây đậu phộng đang mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho nông dân trên địa bàn huyện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất đồng thời kêu gọi đầu tư, chủ động trong việc thu mua nhằm đảm bảo đầu ra cho nông dân”.
Related news

Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.

Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho hay mấy năm gần đây giá cá tra nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến ngành nuôi cá của tỉnh. Một thời gian dài, giá cá tra luôn ở mức xấp xỉ và thấp hơn giá thành sản xuất cá đẩy người nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Sản lượng cá tra toàn tỉnh 3 tháng đầu năm ước khoảng 95.500 tấn.

Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính giống mới theo hình thức thâm canh cho và 50 chủ trang trại nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Mấy ngày qua, trên các tuyến đường nông thôn tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu xuất hiện nhiều xe chở củ mì dính đầy bùn đen đem bán cho các cơ sở chế biến mì trong tỉnh. Hỏi ra mới biết nông dân đang thu hoạch sớm do trồng mì trên những vùng đất thấp, đó là những chân ruộng được canh tác theo chế độ luân canh "1 lúa 1 mì" hoặc là những vùng đất trồng mía sau khi hết chu kỳ.

Ngày 1.4, Tổ dự án nuôi ghẹ xanh trên biển do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) chủ trì, đã thả trên 6.000 con ghẹ xanh giống để nuôi tại khu vực đảo Hòn Khô - Nhơn Hải (nuôi bằng hình thức thả đăng, ảnh).