Ngư Dân Xã An Hải (Huyện Tuy An) Phấn Khởi Vì Được Mùa Cá Cơm

Khoảng một tháng nay, nhiều ngư dân ở xã An Hải (Phú Yên) được mùa cá cơm nên rất phấn khởi. Sau một đêm đi biển, thuyền khai thác ít nhất cũng được 20kg cá, thuyền nhiều trên 100kg nên ngư dân có thu nhập khá.
Hơn một tháng nay, cứ vào khoảng 5 giờ sáng, bãi biển xã An Hải tấp nập xuồng chèo cập bến. Trên bờ, nhiều người chờ sẵn để mua, bán cá mà ngư dân ở đây đánh bắt được. Khi thuyền vừa vào bến, những người thu mua cá tranh thủ tiếp cận để cân cá cho kịp buổi chợ sớm.
Theo ông Đặng Văn Sáu ở xã An Hải, đợt này cá cơm săn xuất hiện khá dày ở vùng biển gần bờ thuộc khu vực xã nên nhiều người có thu nhập cao. Ông Sáu cho biết: “Gia đình tôi làm nghề này đã hơn 15 năm nhưng chưa năm nào cá cơm nhiều như năm nay. Lưới dùng đánh bắt cá cơm là lưới lâm, mỗi thuyền khoảng 4 tấm, mỗi tấm dài hơn 10m, giá mỗi tấm lưới gần 1 triệu đồng.
Mặc dù thời gian đánh bắt chỉ diễn ra trong đêm nhưng mỗi chuyến biển gia đình tôi thu nhập một khoản lớn. Vì đánh cách bờ khoảng 1 hải lý trở lại nên chi phí xăng dầu không tới 100.000 đồng, nhưng có đêm tôi đánh bắt được cả 100kg cá. Với giá cá hiện nay khoảng 45.000 đồng/kg, chỉ trong 4 đêm, gia đình tôi thu được hơn 10 triệu đồng”.
Ông Trương Ngọc Hùng cũng là ngư dân ở An Hải, cho biết, ở đây có nhiều người sinh sống bằng nghề lưới lâm, chuyên đánh bắt cá cơm. Do cá xuất hiện dày, nhiều người mua lưới, sắm thuyền để tham gia đánh bắt. Gia đình ông Hùng lâu nay hành nghề mành tôm, khoảng nửa tháng nay ông chuyển sang nghề lưới lâm và mỗi đêm cho thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Bà Đặng Thị Thúy Hồng, chuyên mua cá cơm ở xã An Hải, cho biết: “Cách nay khoảng một tuần, giá cá cơm săn ở mức 50.000 đồng/kg, nhưng mấy ngày gần đây do cá nhiều nên hạ còn khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg. Tôi mua cá, sau đó bán lại cho các lò trụng để chế biến cá cơm khô, một số ít còn lại tôi bán ở các chợ lân cận”.
Theo UBND xã An Hải, dùng lưới lâm để đánh mắt cá cơm săn là công việc phụ của ngư dân và tự phát. Ban đầu tại xã chỉ có khoảng 70 hộ tham gia đánh bắt, nhưng nay tăng lên gần 100 hộ. Từ đầu tháng 6 đến nay, ngư dân xã An Hải đánh bắt được khoảng 7 tấn cá cơm.
Related news

Ông Trần Văn Hai, ở ấp Bình An, xã Long Bình được xem là người trồng bưởi da xanh đầu tiên trong huyện. Nhờ biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nên chỉ với 200 gốc bưởi da xanh cho trái năm 2012, đã mang về cho gia đình ông khoản lợi nhuận 120 triệu đồng từ 4 công bưởi.

Từ đầu tháng 7/2013 tới nay, việc tiêu thụ nông sản của nông dân tại các địa bàn trong tỉnh đã có chiều hướng tăng nhanh so với các tháng đầu năm. Riêng tháng 7 vừa qua, lượng nông sản được kiểm dịch thực vật và kiểm dịch động vật để vận chuyển nội địa và xuất khẩu do Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT) thực hiện đã gồm 185,4 tấn rau thương phẩm (tăng 72 tấn so cùng kỳ), 387.380 cành hoa (tăng 59.880 cành so cùng kỳ), 14.113 con heo, 92 con trâu bò, 37.598 con gia cầm và trên 2,6 triệu quả trứng.

Hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, thời gian qua xã Xuân Phú (Xuân Trường) đã chọn lựa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đẩy mạnh thâm canh tăng vụ trong trồng trọt, khuyến khích phát triển chăn nuôi.

Nông dân xã Phương Hải (Ninh Hải) đang vào thu hoạch lúa vụ hè-thu, với năng suất bình quân ước đạt 6,5 tạ/sào, cá biệt một số hộ có năng suất đạt 7 đến 7,5 tạ/sào. Với giá lúa tươi hiện nay 4.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 2 triệu đồng/sào.

Ngày 8-8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện và định hướng nhân rộng các mô hình vào sản xuất nông nghiệp.