Triển Vọng Từ 2 Giống Cỏ Mới Trồng Tại Gia Lai

Từ 2 ha giống cỏ hỗ trợ trồng khảo nghiệm để nhân rộng mô hình trong phát triển chăn nuôi bò, đến nay 2 giống cỏ voi VA06 và cỏ hàng chông đã được người chăn nuôi chấp nhận đưa vào trồng khá phổ biến, góp phần giải quyết nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho đàn bò của địa phương.
Qua khảo nghiệm thực tế, cả 2 giống cỏ này đều sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao… mở ra cơ hội lớn cho người chăn nuôi trong thời gian tới.
Năm 2011, Công an tỉnh chuyển giao 2 giống cỏ VA 06 và cỏ hàng chông để trồng khảo nghiệm trên diện tích 2 ha tại Trung tâm Giống vật nuôi Gia Lai và Trại Giống vật nuôi Đak Pơ (huyện Đak Pơ). Để công tác khảo nghiệm được thuận lợi, 2 giống cỏ này được trồng xen kẽ tại 2 vùng trên để nghiên cứu sự sinh trưởng phát triển, điều kiện thời tiết và năng suất so với các giống cỏ voi khác hiện có trên địa bàn.
Qua 3 năm trồng khảo nghiệm, đến nay 2 giống cỏ này đã cho kết quản rất khả quan. Giống cỏ VA06 tỷ lệ nảy mầm cao hơn giống cỏ voi thông thường hiện nay. Thời gian đẻ nhánh ngắn và chậm hơn so với cỏ sả. Sức sống khá mạnh, chống chịu các loại sâu bệnh và thích nghi với điều kiện trồng thâm canh tưới nước vào mùa khô.
Chiều cao bằng hoặc thấp hơn cỏ voi… Đây là một trong những lợi thế để người chăn nuôi tận dụng thân, lá làm thức ăn nhiều hơn cỏ voi thông thường. Sau 2 tháng trồng, cỏ đã cho thu hoạch lứa đầu. Theo ước tính, 1 ha trồng cỏ VA06 mỗi năm cắt được 8 đợt, năng suất trung bình khoảng 45 tấn/ha. Bình quân mỗi năm thu hoạch 300-350 tấn/ha.
Đặc biệt, giống cỏ này có thể làm nguồn thức ăn cho cá. Còn giống cỏ hàng chông có đặc điểm thân bò, nhiều đốt, các đốt có khả năng ra rễ. Mỗi năm cắt được 7 lứa, năng suất 80-100 tấn/ ha. Ưu thế của loại cỏ này dù năng suất thấp nhưng chịu được tác động của sự giẫm đạp nên có thể xây dựng đồng cỏ phục vụ chăn thả tự nhiên…
Chị Phạm Thị Thu Hà (thôn 2, thị trấn Đak Pơ) cho hay: “Gia đình nuôi 20 con bò. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, gia đình chăn thả còn trồng thêm trên 1 ha cỏ voi VA06 và cỏ hàng chông. Đến nay, cỏ phát triển khá nhanh và tốt không chỉ đảm bảo thức ăn thường xuyên, nhiều lúc còn dư một lượng lớn. Hiện tại, gia đình không cần tích trữ thức ăn khô cho bò như những năm trước đây”.
Từ chỗ chỉ có 2 ha trồng khảo nghiệm, đến nay diện tích trồng 2 loại giống cỏ nói trên phát triển mạnh mẽ. Trung tâm Giống vật nuôi Gia Lai đã trồng được trên 20 ha, riêng người nuôi bò tại thị trấn Đak Pơ đã nhân rộng diện tích lên đến 70 ha. Diện tích trồng 2 loại giống cỏ này ngày càng được nhân lên khi mới đây người dân đã tìm đến mua cây giống với số lượng khá lớn 18.119 kg.
Ông Lê Quang Vịnh-Phụ trách Trại Giống vật nuôi Đak Pơ cho biết: Qua khảo nghiệm thực tế, 2 giống cỏ trên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho năng suất cao. Đây là 2 giống cỏ được người dân Đak Pơ nhân rộng khá nhanh. Toàn huyện đã có 194 ha cỏ, đáp ứng đủ nhu cầu cho đàn bò 13.729 con, trong đó bò lai 11.474 con, chiếm 83,6% tổng đàn.
Sự khảo nghiệm thành công này là kết quả của sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại đây. Hiện tại, trại giống đã cung cấp và nhân rộng giống cỏ này tại xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang). Vấn đề khó nhất hiện nay là kinh phí để khảo nghiệm. Vì vậy cần được quan tâm hỗ trợ để nhân rộng mô hình cho các địa phương khác phát triển chăn nuôi.
Nguồn bài viết: http://baogialai.com.vn/channel/722/201411/trien-vong-tu-2-giong-co-moi-2353055/
Related news

Được thành lập từ năm 2010, đến nay, HTX nuôi trồng thủy sản Phú Thọ (xã Quảng Phú) đã nổi lên là một điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Lương Tài (Bắc Ninh) với nhiều mô hình cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc thành lập các HTX thủy sản như vậy được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực để phát huy tiềm năng thủy sản của vùng đất này.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) căn cứ kết quả 2 lần phân tích ban đầu, có thể xác định sơ bộ một trong những nguyên nhân làm cá, tôm chết và nổi đầu trên kênh xáng Xà No (Hậu Giang) vừa qua là do nguồn nước bị thiếu oxy, nước có pH thấp, nhất là nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng của chất hữu cơ từ rơm, rạ.

Mặc dù diện tích nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ năm nay có giảm so với năm trước, nhưng các hộ nông dân thuộc các xã: Mỹ Thọ, Phương Trà, Bình Hàng Trung, Gáo Giồng và Ba Sao của huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) vẫn duy trì mô hình này. Đa phần nông dân nuôi cá trên ruộng lúa khi hết vụ lúa hè thu hoặc sau 3 vụ lúa, tận dụng gốc rạ, lúa chét và mùa nước để thả cá vào ruộng.

Theo số liệu điều tra, đến nay đàn heo trong tỉnh Vĩnh Long (không kể heo con còn theo mẹ) có 348.625 con, tăng 26,4% (hay 72.796 con) so với cùng kỳ năm ngoái; đàn gia cầm (không kể vịt chạy đồng vụ Đông Xuân) có 7.094.060 con (tăng 35,2% hay 1.845.260 con so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: đàn gà 3.051.260 con (tăng 43,1%), đàn vịt 1.930.710 con (tăng 26,5%).

Trong vụ xuân và vụ mùa 2014, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm nhiều giống lúa; riêng vụ mùa đã khảo nghiệm so sánh 22 giống lúa tại Trạm thực nghiệm giống cây trồng của trung tâm; khảo nghiệm sản xuất 7 giống lúa có triển vọng và sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng tại Trạm thực nghiệm và 3 HTX đại diện cho các vùng sinh thái của thành phố.