Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khá Lên Nhờ Nghề Nuôi Chim Cút

Khá Lên Nhờ Nghề Nuôi Chim Cút
Publish date: Friday. September 13th, 2013

Nằm cách xa tuyến Quốc lộ 1A với mức sống tương đối thấp, nhưng mấy năm nay, nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất, nhất là đầu tư mô hình nuôi chim cút, hàng chục hộ dân ở tổ 20, phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) đã có được nguồn thu ổn định, đời sống kinh tế khấm khá hơn.

Trang trại của anh Nguyễn Thanh Lâm, ở tổ 20. Có diện tích sử dụng đất không lớn lắm, chừng 2.000m2. Nguồn thu nhập chính của trang trại là từ nuôi chim cút. Anh Lâm đang nuôi hơn 5.000 con chim cút trên diện tích chừng 120m2. Diện tích còn lại được đào ao thả nuôi cá nước ngọt, nuôi lợn, gà. Anh Lâm cho biết, những năm trước, khi mới bước chân vào nghề, anh đã gặp không ít khó khăn, từ con giống đến đầu ra tiêu thụ trứng.

Không những vậy, lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên lượng chim cút bị hao hụt khá nhiều. Anh quyết tìm tòi, học hỏi qua sách báo và thực tế ở các trại nuôi chim cút. Nhờ đó, giờ đây anh đã vững vàng trong nghề nuôi chim cút và đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định từ nghề chăn nuôi này.

Để nuôi số lượng chim này cho năng suất đẻ trứng cao, anh Lâm đầu tư khoảng 50 triệu đồng để làm 2 chuồng trại bằng sắt với mỗi lồng nuôi khoảng 25 con. Việc đầu tư hệ thống chuồng trại này giúp anh đảm bảo chất lượng và hiệu quả, vệ sinh chuồng trại dễ dàng, đỡ tốn công sức, thời gian hơn.

Anh Lâm dự tính, sắp tới sẽ đầu tư phát triển đàn nuôi lên 8.000 con chim bố mẹ. Ngoài ra, anh có ý định sẽ đầu tư lò tự ấp trứng với công nghệ lò tự trở trứng rất tiện lợi, hiện đại, không sợ bể, hao hụt, ảnh hưởng đến chất lượng con giống như một số lò ấp “bò” thông thường hiện nay.

Anh cho biết, nếu đầu tư lò ấp này sẽ cơ bản cung ứng đủ cho các hộ nuôi trong cả tổ. Hiện nay, cứ sau thời gian nuôi khoảng 8 tháng, năng suất đẻ trứng giảm sút nên người nuôi phải thải ra và tiếp tục duy trì lượng đàn bằng cách tự gầy chim con hoặc mua chim giống từ các lò ấp ở những nơi khác, như An Hòa, Kim Long, Thủy Dương... Nên hình thức đầu tư này sẽ rất khả quan, chủ động đáp ứng nguồn cầu về giống tại chỗ cho người nuôi.

Cả tổ 20 có khoảng 141 hộ, thì có đến 25 hộ tham gia nuôi loài này và cho mức thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Hoa Mai, Hội phó Hội Phụ nữ tổ 20, phường Thủy Dương cho biết, do sản xuất nông nghiệp có giá thấp, bấp bênh, nên bà con trong tổ chuyển qua chăn nuôi chim cút. Phong trào nuôi chim bắt đầu phát triển từ năm 2000. Bình quân hộ nuôi thấp nhất khoảng 3.000 con, hộ cao nhất khoảng 8.000 con.

Mô hình không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều và không cần diện tích đất lớn để xây chuồng trại nên bà con rất dễ làm. Từ khi nhiều hộ bắt tay nuôi chim cút, đời sống kinh tế đã ổn định hơn, cho thu nhập cao hơn so với các nghề nông khác. Như mọi người trong tổ, chị Mai cũng đầu tư nuôi hơn 3.000 con chim cút từ năm 2010. Bình quân mỗi ngày, trừ chi phí bột ăn, chị thu về khoảng trên 200 ngàn đồng.

Việc lựa chọn chim cút làm đối tượng vật nuôi chính là chìa khóa thành công sau một thời gian loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế gia đình ở tổ 20 của phường Thủy Dương. Hiện nay, tỉ lệ chim cút cho trứng mỗi ngày ở các trại nuôi rất cao, từ 80% - 85%. Theo đó, bình quân mỗi ngày, mỗi hộ nuôi xuất bán từ 2.500 đến 6.000 trứng, với giá 400 đồng/trứng. Trừ chi phí thức ăn, lợi nhuận thu được mỗi ngày đối với một hộ nuôi từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng là chuyện thường. Thuận lợi hơn là lượng trứng thu được được các thương lái hoặc các chủ cung cấp bột thức ăn trực tiếp đến lấy đem đi tiêu thụ trong và ngoài địa bàn tỉnh.

Ngoài mô hình nuôi chim cút, nhờ diện tích vườn rộng, nên hiện nay trong tổ có khoảng 70 đến 80 hộ nuôi cá nước ngọt. Với việc nuôi cá kết hợp này mà lượng phân, thức ăn dư thừa từ nuôi chim cút đã được bà con tận dụng để cho cá ăn. Nhờ đó, mặc dù số lượng chim cút nuôi nhiều nhưng không gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Ông Phùng Hữu Trọng, Bí Thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy đánh giá cao về mô hình nuôi chim cút của các hộ dân ở tổ 20. Ông cho biết, trước đây cuộc sống của người dân trong tổ khá khó khăn. Khu vực dân cư nằm xa đường Quốc lộ, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên thu nhập còn thấp, nhưng từ khi người dân học nhau nhân rộng mô hình nuôi chim cút, đời sống kinh tế của tổ đã tăng trưởng khá. Hiện nay, ngoài nuôi chim cút, nhiều hộ đã phát triển mô hình kinh tế gia trại kết hợp nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi lợn, gà... cho thu nhập khá ổn định.


Related news

Chuẩn Bị Tổ Chức Lại Đầu Mối Xuất Khẩu Gạo Chuẩn Bị Tổ Chức Lại Đầu Mối Xuất Khẩu Gạo

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo, đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định này là tổ chức lại đầu mối xuất khẩu gạo.

Thursday. May 9th, 2013
“Vua Heo” Đất Đảo “Vua Heo” Đất Đảo

Nói đến Lý Sơn, người ta thường nghĩ đến nghề trồng hành, tỏi và đi biển. Còn với nghề chăn nuôi dường như ít ai để mắt đến. Ấy vậy mà, ở hòn đảo này, có một lão ngư âm thầm phát triển nghề nuôi heo từ hơn chục năm nay và được người dân mệnh danh là “vua heo” đất đảo…

Saturday. July 27th, 2013
Giám Sát Nuôi Trồng Thủy Sản Trên Sông Chà Và Giám Sát Nuôi Trồng Thủy Sản Trên Sông Chà Và

Ngày 27-6, đoàn giám sát HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do ông Nguyễn Phúc Chỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn đã cùng với cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu đi thực tế khảo sát tình hình nuôi trồng thủy sản dọc sông Chà Và.

Thursday. August 29th, 2013
Cần Quy Hoạch Lại Nghề Nuôi Cá Tra Giống Cần Quy Hoạch Lại Nghề Nuôi Cá Tra Giống

Đã qua rồi thời kỳ ăn nên làm ra của nghề chuyên nuôi cá giống cung cấp cho nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi rất nhiều hộ đã quyết định “treo” ao hoặc thu hẹp diện tích, chuyển sang loại hình làm ăn khác.

Tuesday. October 16th, 2012
Chàng Trai Bỏ Nghề Xây Dựng Làm Trang Trại Chàng Trai Bỏ Nghề Xây Dựng Làm Trang Trại

Trang trại nuôi bò vỗ béo của anh Nguyễn Văn Đạt, tại tổ 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) có quy mô mỗi lứa 20 con bò thịt. Đến nay trang trại của anh đã xuất lứa bò thịt đầu tiên, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện quy mô trang trại, hướng đến quy trình cung cấp bò thịt ổn định.

Thursday. August 29th, 2013