Mô Hình Hợp Tác Giúp Tăng Hiệu Quả Khai Thác Thủy Sản
Tàu cá liên kết với nhau thành các tổ, đội khai thác thủy sản trên biển nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cứu nạn… là chủ trương đúng đắn của nhà nước và được ngư dân tham gia tích cực. Việc thành lập các tổ chức khai thác thủy sản trên biển không chỉ mang lại hiệu quả mà còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Chi phí hoạt động ngày càng tăng nên đa số các đội tàu tăng thời gian bám biển theo hình thức tổ chức khai thác theo nhóm, tổ, đội trên biển nhằm hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn trong quá trình đánh bắt.
Các tổ hợp tác (THT) khai thác thủy sản, tổ đoàn kết khai thác trên biển đã hỗ trợ nhau khi có bảo, thời tiết xấu, tai nạn xảy ra; hỗ trợ nhau khi vận chuyển sản phẩm vào bờ, vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra biển; cung cấp, trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường giá cả, từ đó hiệu quả khai thác biển cao hơn.
Nhờ đó, ngư dân an tâm bám biển để đánh bắt thủy sản, đồng thời giải quyết được một số bất cập trong nghề khai thác thủy sản trên biển như tránh được tình trạng tranh chấp lao động giữa các tàu thuyền với nhau.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Thuyền trưởng tàu TG 93639TS ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, việc thành lập các THT khai thác thủy sản là một chủ trương đúng đắn và kịp thời. Bởi ngư dân khi hoạt động trên biển đơn lẻ thường rất dễ xảy ra các sự cố khó lường, nhất là thời tiết luôn diễn biến thất thường như hiện nay.
Bên cạnh đó, bà con ngư dân còn được kết nối hệ thống thông tin liên lạc với Đồn Biên phòng nên rất thuận lợi trong việc thông báo tình hình thời tiết hoặc những lúc gặp sự cố. Còn theo ông Lê Văn Toàn, Thuyền trưởng tàu TG 91215TS tham gia mô hình THT Thanh Nguyên Thành ở xã Tân Phước, thì việc thành lập THT sẽ giúp ngư dân liên kết để bám biển lâu ngày, giảm chi phí, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả mô hình này, các ngành chức năng cần tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, có cơ chế, giải pháp hữu hiệu để giải quyết những mặt hạn chế…
Bà Nguyễn Thị Dưa, Tổ trưởng THT Thanh Nguyên Thành, xã Tân Phước cho biết: THT vừa mới thành lập vào cuối tháng 5-2012, có 5 thành viên, với 6 tàu hành nghề lưới rê 10. Tổng giá trị vốn góp của các thành viên 6,7 tỷ đồng, trong đó vốn cố định 4,3 tỷ đồng và vốn lưu động 2,4 tỷ đồng.
Mỗi năm, THT tổ chức khai thác khoảng 6 chuyến/tàu, với tổng doanh thu của 6 phương tiện trong một năm hơn 20 tỷ đồng, lợi nhuận đạt được trên 1 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với hình thức hoạt động riêng lẻ.
Theo bà Dưa, các THT khai thác thủy sản được thành lập sẽ hỗ trợ nhau trong việc cứu hộ, cứu trợ lẫn nhau, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác trên biển; hỗ trợ nhau khi có tai nạn xảy ra cũng như mỗi khi có bão, thời tiết xấu. Nhờ đó, ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển, giải quyết được một số bất cập trong nghề khai thác thủy sản trên biển như tránh được tranh chấp lao động giữa các tàu thuyền với nhau.
Ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, các thành viên trong THT cũng hỗ trợ nhau khi vận chuyển sản phẩm vào bờ; vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra biển; cung cấp, trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường giá cả, từ đó hiệu quả khai thác biển cao hơn.
Việc tìm kiếm ngư trường khai thác khi tham gia THT cũng hiệu quả hơn do không mất thời gian và chi phí nhiên liệu, hỗ trợ kịp thời khi có sự cố về khai thác cũng như cho mượn lưới khi mất lưới hoặc các thiết bị khác.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 THT khai thác thủy sản (chủ yếu ở huyện Gò Công Đông) đã được thành lập chính thức, với 42 phương tiện và 225 lao động tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 53 THT khai thác thủy sản (TP. Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông) hình thành tự phát theo kiểu thỏa thuận miệng với 450 phương tiện và 4.114 lao động tham gia.
Tiền Giang nói riêng và các tỉnh đang phát triển nghề biển nói chung đang khuyến khích ngư dân đóng tàu thuyền có công suất lớn để có thể đánh bắt xa bờ, đồng thời tăng cường vận động, hỗ trợ ngư dân thành lập các THT khai thác thủy sản, tổ đoàn kết khai thác trên biển để giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, Tiền Giang hiện có 1.400 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 176 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Related news
Nhằm cải tạo giống dê địa phương có trọng lượng nhỏ (tối đa chỉ từ 25 - 30kg), và đang dần bị thoái hóa giống. Để đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, tăng thu nhập giúp người dân XĐGN theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã xây dựng và thực hiện Phương án cải tạo đàn dê với mục tiêu nâng cao tầm vóc, trọng lượng của dê.
Nếu mô hình thử nghiệm thành công, thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên - Lào Cai) sẽ khuyến khích các hộ nuôi cá áp dụng mô hình này thay cho lồng bè trước đây.
Khởi phát hơn chục năm, nghề nuôi cá lóc giống tại xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang) đã mang lại thu nhập khá cho nhiều nông dân ít đất canh tác. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, mô hình kinh tế này đang đối diện với nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Mùa du lịch hè năm nay, Sa Pa (Lào Cai) lâm vào tình trạng khan hiếm đặc sản cá hồi, cá tầm. Lượng khách du lịch tăng cao đột biến, nguồn cung cấp lại không đủ… khiến giá loại đặc sản này tăng cao, từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.
Ổn định diện tích cây ăn quả, tập trung cải tạo vườn tạp, đưa giống mới năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất - Đó là hướng phát triển cây ăn quả ở Mường La (Sơn La) trong những năm gần đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.