Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trang Trại Nhỏ, Doanh Thu Lớn

Trang Trại Nhỏ, Doanh Thu Lớn
Publish date: Tuesday. December 3rd, 2013

Khu vực chăn nuôi theo mô hình khép kín bằng công nghệ sinh học của HTX Quý Long, xã Thái Long, TP Tuyên Quang (Tuyên Quang) chỉ vỏn vẹn 400 m2, nhưng doanh thu của HTX đạt gần năm tỷ đồng/năm, lương bình quân xã viên hơn bốn triệu đồng/tháng.

Chủ nhiệm HTX Trần Hồng Hải niềm nở: "Để có sản phẩm sạch, trước tiên phải có khu chăn nuôi thân thiện với môi trường. Các dãy chuồng lợn nằm san sát nhau mà không bốc mùi hôi thối, ẩm mốc do lợn được sống trên đệm sinh học, chất thải đã được phân hủy hết".

Nuôi lợn trên đệm sinh học

Khu vực chăn nuôi của HTX Quý Long có tường rào bao quanh, nằm gọn bên sườn đồi của thôn Hòa Mục 2, xã Thái Long, TP Tuyên Quang (Tuyên Quang). Nếu không có biển báo ở cổng chắc mọi người sẽ nhầm tưởng nơi đây là khuôn viên của một gia đình.

Thành lập tháng 3-2010, HTX có 13 thành viên, với nguồn vốn rất khiêm tốn, hướng phát triển của HTX là tập trung vào chăn nuôi lợn đen địa phương theo công nghệ sinh học do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang chuyển giao kỹ thuật. Lợn ăn cám đã được lên men lớn nhanh, tuy nhiên, việc xử lý phân và nước tiểu rất phức tạp, hệ thống chuồng trại ẩm thấp, từ đó thường xảy ra dịch bệnh.

Nguồn vốn ban đầu cạn kiệt, Ban chủ nhiệm HTX bàn và quyết định vay thêm tiền ngân hàng và đi học hỏi kinh nghiệm xử lý chất thải chăn nuôi ở Trường đại học Nông nghiệp 1. Rồi chiếc đệm bằng mùn cưa, bột gỗ trộn với men vi sinh ra đời. Nhưng vì làm mỏng nên mỗi lứa lợn phải thay tới ba - bốn lần, chi phí tốn kém, lợn bị hoảng loạn, hao cân, doanh thu thấp, chăn nuôi không có lãi. Bởi vậy, HTX họp bàn và quyết định tăng độ dày của đệm từ 7 cm lên 50 cm.

Nhưng để phát huy tốt hiệu quả khử chất thải, các xã viên HTX cũng phải làm đi làm lại công đoạn ủ men tới ba lần. Sự thành công của việc sản xuất đệm sinh học đã giúp cho mô hình nuôi lợn đen địa phương đạt hiệu quả. Tận dụng những chiếc đệm sau khi bỏ đi, các xã viên HTX tiếp tục xây dựng và thực hiện dự án nuôi cá chạch sông trong bể xi-măng bằng thức ăn giun quế; nuôi ngỗng bằng thức ăn tự chế biến.

Chúng tôi tới khu chế biến thức ăn chăn nuôi, lúc đó là ca làm việc của chị Trần Thị Phú.

Sau khi cho cám với tỷ lệ thích hợp (50% ngô, 30% sắn, 10% cám gạo, 10% khoai) vào máy đảo đều với men vi sinh, chị cho cám ra các bao tải, sau 36 giờ sẽ đem cho lợn và ngỗng ăn. Chị Phú cho biết: "Với số lượng vật nuôi như hiện nay, 36 con lợn nái, ba lợn đực, 170 con lợn thương phẩm, 162 lợn con, 500 con ngỗng, hằng ngày chúng đã ăn hết gần 400 kg cám. Nhưng nuôi theo phương pháp ủ cám người chăn nuôi sẽ nhàn hơn, không bị độc hại, chi phí thấp".

Anh Hải tính toán, nếu nuôi một con lợn đen theo phương pháp thủ công truyền thống phải mất chín tháng, lượng cám tiêu thụ khoảng 300 kg, thì nuôi theo phương pháp này chỉ mất năm tháng, hết 150 kg cám, chất lượng thịt ngon như nhau. Đối với ngỗng cũng vậy, để có một con ngỗng thịt từ sáu đến tám kg, nuôi bằng rau cám bình thường mất một năm, nhưng nuôi theo phương pháp ủ cám chỉ mất sáu tháng, giảm được 30 - 40% chi phí.

Nuôi theo phương pháp ủ cám lên men còn có thêm cái lợi đó là nguồn chất thải của lợn, ngỗng lại được sử dụng ở một quá trình chăn nuôi mới, tạo thành vòng tròn khép kín.

Đó là, sau khi chiếc đệm sinh học ngấm kỹ được dỡ ra và trộn với phân ngỗng để nuôi giun quế làm thức ăn cho cá chạch sông. Chăm sóc giun quế không đòi hỏi sự công phu, cầu kỳ, nhưng nếu theo phương pháp truyền thống là nuôi trong môi trường phân gà và mùn đất thì chúng tăng trưởng chậm, thời gian đẻ trứng lâu hơn. Ở phương pháp này, giun lớn nhanh, đẻ trứng dày, chỉ sau bảy ngày là cho thu hoạch. Cũng chính có nguồn thức ăn nhiều chất, phù hợp môi trường nên cá chạch sông tăng trưởng mạnh, từ lúc tách bể bằng ngón tay chỉ sau ba tháng đã cho thu hoạch từ 0,4 - 0,6 kg/con.

Nhờ chủ động trong việc tạo con giống và tích cực chăn nuôi mà tháng nào HTX cũng xuất chuồng hơn bốn tấn lợn thịt, gần hai tấn lợn giống, hơn 300 kg ngỗng, 600 kg chạch sông, 100 kg giun quế thương phẩm và giun giống... Để làm được điều đó, 13 xã viên thực hiện việc chăn nuôi theo ca, mỗi ca một ngày, gồm ba người, mỗi tuần tập trung họp toàn thể hợp tác một lần vào thứ bảy để giải quyết công việc chung. Chủ nhiệm HTX là người điều hành chính. Đối với việc thu hoạch do chủ nhiệm và xã viên trong phiên trực đảm nhiệm. Tiền thu được trong ngày được nộp trực tiếp cho thủ quỹ.

Tận tình giúp dân

Do sản phẩm sạch, ngon, bán với mức giá hợp lý nên người mua rất đông. Thời điểm chúng tôi tới đây, các sản phẩm của HTX được bán với giá: lợn thịt 45 nghìn đồng/kg; lợn giống 60 nghìn đồng/kg; ngỗng thịt giá 160 nghìn đồng/kg, ngỗng giống 160 nghìn đồng/đôi; cá chạch sông thương phẩm 350 nghìn đồng/kg.

Nhiều gia đình có tiệc cưới, hỏi ở địa bàn TP Tuyên Quang và các huyện trong tỉnh đã tìm đến, một số khách sạn, nhà hàng ở xa gọi điện đặt trước, bởi vậy doanh thu HTX tăng nhanh, từ việc phải vay ngân hàng gần 3 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi thì đến cuối năm 2011, HTX thanh toán xong nợ, từ đầu năm 2012 tới nay, chăn nuôi đã có lãi. Hằng tháng trừ các khoản chi phí, và đầu tư tái sản xuất, tiền lãi thu được HTX trả lương cho xã viên ở mức hơn 4 triệu đồng/người/ tháng.

Thấy mô hình chăn nuôi hiệu quả nên nhiều người dân trong xã Thái Long cũng như xã Đội Cấn, TP Tuyên Quang, xã Đội Bình của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đến học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ngày một đông. Các anh, các chị đều tận tình tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật và cung cấp con giống cho bà con với giá thành thấp.

Nhiều hộ gia đình áp dụng mô hình chăn nuôi của HTX đã cho thu nhập cao, bền vững. Chủ tịch UBND xã Thái Long Trịnh Văn Lương khẳng định: Mô hình chăn nuôi theo công nghệ sinh học của HTX Quý Long đã được nhiều người dân trong xã học tập và làm theo.

Nhờ phương pháp chăn nuôi này và sự tận tình giúp đỡ của các xã viên HTX mà nhiều hộ nghèo trong xã đã vươn lên thành hộ khá, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi và sẽ nghiên cứu chế biến thêm các dạng thức ăn để giảm giá thành sản phẩm, phấn đấu thu nhập của xã viên đạt 6 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015, và trở thành HTX tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang trong việc giúp dân chăn nuôi ổn định cuộc sống.


Related news

Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học

Đồng thời, hỗ trợ 30% hóa chất sát trùng chuồng cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Các hộ nông dân tham gia mô hình được các kỹ sư, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng và khu vực thả vịt hợp vệ sinh.

Tuesday. December 3rd, 2013
Trồng Ném Theo Quy Trình Thích Nghi Với Biến Đổi Khí Hậu Trồng Ném Theo Quy Trình Thích Nghi Với Biến Đổi Khí Hậu

Trên vùng cát hoang trước đây ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vốn rất khó để canh tác cây trồng, đây cũng là trăn trở lớn đối với địa phương.

Wednesday. December 25th, 2013
Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Gia Súc Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Gia Súc

Nhiều năm qua, ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) không xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc. Để có địa bàn “sạch bệnh” các ngành, các cấp, người dân ở đây đã triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp phòng bệnh.

Tuesday. December 3rd, 2013
Chăm Sóc Cao Su Đúng Kỹ Thuật Nâng Cao Thu Nhập Cho Người Trồng Chăm Sóc Cao Su Đúng Kỹ Thuật Nâng Cao Thu Nhập Cho Người Trồng

Thời gian qua, nhiều nông dân thu hoạch mủ cao su theo kiểu tận thu, dẫn đến vắt kiệt sức cây cao su. Bên cạnh đó, việc chăm sóc vườn cao su chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.

Wednesday. December 25th, 2013
58 Hộ Được Hưởng Lợi Từ Dự Án Hỗ Trợ Phát Triển Đàn Trâu 58 Hộ Được Hưởng Lợi Từ Dự Án Hỗ Trợ Phát Triển Đàn Trâu

Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện dự án liên tục đến năm 2017.

Tuesday. December 3rd, 2013