Trại Rắn Hổ Hèo Cho Thu Nhập Trăm Triệu Mỗi Năm Ở Miền Tây

Từ 2 triệu đồng tiền vốn, chị Trần Thị Nói, một người phụ nữ miền Tây đã vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi rắn hổ hèo.
Gần 8 năm trong nghề phát triển mô hình nuôi rắn hổ hèo dưới sàn nhà, từ một người không có “cục đất chọi chim” quanh năm sống bằng nghề đi làm thuê, làm mướn, chị Trần Thị Nói, ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú (An Giang) có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Chị Nói bắt đầu nghề nuôi rắn vào năm 2006. Chị lấy số tiền gần 2 triệu tích cóp từ 3 năm làm thuê làm mướn mua được 20 con rắn hổ hèo giống về nuôi. Chưa có kinh nghiệm, chị làm một cái lồng sắt rộng hơn 4m2 dưới sàn nhà, thả rắn vào. Thức ăn của rắn hổ hèo là chuột, ếch nhái được chị và chồng bắt ở vườn vào các buổi tối.
Chị Nói bên đàn rắng bố mẹ mỗi con nặng từ 1,8-3kg/con.
Sau gần 10 tháng nuôi, chị Nói xuất bán được 7 con, lãi hơn 5 triệu đồng. Số tiền lãi này tiếp tục được chị dùng để mở rộng đầu tư. Có kinh nghiệm hơn so với thời gian đầu, chị Nói nuôi nhốt chung cả rắn đực và cái để chúng tự giao phối.
Khi rắn đẻ được lứa trứng đầu tiên, chị tích cóp kinh nghiệm từ anh em, bạn bè, sách báo và tự thiết kế ổ ấp trứng cho rắn. Ổ ấp là thùng chứa 2/3 đất pha cát có mặt rải cát mỏng. Trứng đặt lên trên, phủ lá chuối trên bề mặt, sau 75 ngày sẽ nở ra rắn con.
Rắn hổ hèo con mới nở ra rất khỏe, chỉ sau vài giờ nở đã có thể ăn nhái con. Tuy nhiên, kinh nghiệm nuôi qua vài lứa rắn chị cho rằng, cần phải chú ý phân loại rắn con, để tránh tình trạng con lớn giành thức ăn với con nhỏ mà cắn nhau. Sau một năm, rắn sẽ tự phối giống và sau 34 ngày bắt đầu đẻ, mỗi lứa từ 7 đến 10 trứng, có khi lên 12 đến 15 trứng.
Điểm đặc biệt là khi vào thời kỳ giao phối (tháng 5 - 6), rắn đực sẽ rất hung và cắn lẫn nhau để giành con cái. Do đó, cần chú ý phân phối nhốt riêng rắn đực đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao và hoạt động giao phối của rắn thuận lợi, có thể nuôi ghép 2 con đực với 10 con cái.
Đàn rắn hổ hèo nằm lển ển trên sàn tre khi vừa ăn mồi xong.
Chị Nói cho biết, nuôi rắn hổ hèo không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư, công chăm sóc. Mỗi chuồng có diện tích từ 3 đến 5 m2, thoáng mát, sạch sẽ.
Chuồng lưới thì cần tránh ánh nắng trực tiếp, chuồng xi măng tốt nhất xây ở khu vực độ ẩm không quá cao và tạo nhánh cây để rắn bò, như sống ngoài tự nhiên. "Rắn hổ hèo ít chịu nước nhưng phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vì nếu để bẩn rất dễ sinh bệnh về da.
Thức ăn, nước uống cho rắn cần tạo máng riêng và nhất là số lượng rắn nhốt trong từng chuồng phải đảm bảo vừa phải cho rắn vận động, đảm bảo thịt săn chắc như rắn tự nhiên. Bên trong chuồng làm sàng có vỉ tre để rắn nằm, mặt trên của chuồng lợp bằng lưới sắt nhỏ để tạo sự thoáng mát", chị Nói chia sẻ kinh nghiệm.
Nhớ lại thời kỳ bắt đầu nuôi, chị Nói cho hay, ban đầu cũng sợ khi tiếp xúc với rắn. Nhưng dần dần, chị cũng quen, thậm chí còn dám cho rắn quấn vào cổ. Trong gia đình, chị cũng là người chăm sóc cho bầy rắn. Chồng chị chỉ phụ giúp ở khâu đi kiếm thức ăn.
Hiện trại rắn của chị Nói có trên 200 rắn con và đàn rắn bố mẹ cho sinh sản lên đến trên 75 con. Mỗi năm, chị cung cấp ra thị trường trên 600 con rắn giống. Đầu mối tiêu thụ là các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long. Giá bán rắn giống 1 tháng tuổi dao động khoảng 300.000 đồng/con, loại 2 tháng tuổi đắt hơn 100.000 đồng/con. Với rắn thịt, giá loại một với cân nặng 1,3 - 1,6 kg/con là 300.000 đồng/kg. Riêng rắn bố mẹ cân nặng mỗi con hơn 2 kg có giá bán 8 triệu đồng/cặp.
Chị Nói cho hay, rắn hổ hèo không khó nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng loại rắn này là động vật hoang dã quý hiếm, nên muốn phát triển mô hình nuôi, người dân cần được cấp giấy đăng ký bởi Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang. Tại gia đình chị Nói, việc mua bán, vận chuyển rắn được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ.
Related news

Khối các quốc gia Bắc Thái Bình Dương có hoạt động khai thác được gọi là PNA, đã đưa ra các biện pháp để duy trì trữ lượng và chia sẻ hạn ngạch khai thác cá ngừ hiện có cho các quốc gia địa phương, chứ không phải là nguồn tài nguyên này được khai thác bởi các quốc gia xa xôi.

Trong việc đấu thầu để giảm sản lượng khai thác các loài cá ngừ quan trọng ở khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to), Tổ chức Diễn đàn Nghề cá Thái Bình Dương (FFA) đang thử nghiệm Đề án Ngày hoạt động của tàu (VDS).

Dự án Phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre thực hiện từ tháng 10 - 2012 đến tháng 4 - 2014, với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng, trên diện tích 20 ha ở các xã: Định Thủy, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày Nam); Lương Phú, Thuận Điền (huyện Giồng Trôm).

Sáng 06/10/2014, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tổ chức Lễ phát động thả giống thủy sản để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ (thuộc quần đảo Long Châu – Thị trấn Cát Bà).

Trong những năm trở lại đây, những hộ nghèo, cận nghèo của huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã ngày càng được nâng cao về nhận thức trong việc làm kinh tế gia đình, chí thú làm ăn, để từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trong đó nổi bật là thành công của mô hình tận dụng những diện tích đất hẹp xung quanh nhà để nuôi ếch của nhiều gia đình.